Nghỉ Tết quá quy định có bị sa thải?

Thứ hai, 11/02/2019 14:06

Bạn đọc hỏi: Ông Trần Trọng Tín, phó giám đốc một công ty (CT) tại H.Đại Lộc (Quảng Nam) hỏi:

CT tôi sử dụng nhiều công nhân, trong đó có một số ở xa. Do vậy, cứ sau mỗi đợt Tết Nguyên đán, một số công nhân trở lại làm việc trễ so với quy định của CT, số khác bỏ việc luôn nên CT đã tiến hành sa thải. Năm mới này chắc sẽ xảy ra các trường hợp tương tự. Vì vậy, tôi cần được tư vấn là trong các trường hợp trên, CT tôi sa thải có đúng với quy định của pháp luật không?

Ths.LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời:

Theo quy định của pháp luật lao động, người lao động (NLĐ) có thể bị sa thải nếu tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Điều 31 Nghị định 05/2015 của Chính phủ quy định cụ thể về kỷ luật sa thải đối với NLĐ tự ý nghỉ việc như sau:

1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

2. NLĐ nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau: do thiên tai, hỏa hoạn; bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Trong nội dung yêu cầu tư vấn, ông Tín không nêu rõ NLĐ trở lại làm việc trễ so với quy định của CT là trễ bao nhiêu ngày, có lý do chính đáng hay không. Do vậy, ông cần tham khảo các quy định trên, đối chiếu với từng trường hợp cụ thể để xác định CT ông sa thải có đúng pháp luật hay không. Ngoài ra, để xác định việc sa thải có đúng pháp luật hay không, CT của ông cần phải đáp ứng hai điều kiện quan trọng: một là, CT phải có nội quy lao động được đăng ký đúng theo quy định của pháp luật và hành vi vi phạm phải được quy định trong nội quy lao động; hai là, việc sa thải phải thực hiện theo đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy rằng, dù có lý do để sa thải nhưng vì nội quy lao động chưa được đăng ký hoặc việc sa thải không đúng trình tự thủ tục theo quy định mà không ít CT đã bị thua kiện khi NLĐ khởi kiện ra tòa án. Do vậy, đối với các trường hợp NLĐ bỏ việc luôn thì CT không nên tiến hành thủ tục sa thải. Trong trường hợp này, nên áp dụng theo hình thức NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật để tránh những hậu quả pháp lý cho CT.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh VP Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425