Nghi vấn làm giả hồ sơ để chiếm đoạt đất tái định cư?
Không nhận đất vẫn có sổ đỏ?
Theo trình bày của ông Phạm Xuân Khai (1936, hiện trú K96/28-Hải Hồ, Đà Nẵng), năm 1993, gia đình ông mua 2 căn nhà (tổng cộng 400m2) tại số 286-Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng) và đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước. Năm 2000, hai căn nhà của ông Khai nằm trong diện giải tỏa di dời hẳn phục vụ dự án Bạch Đằng Đông. Sau khi nhận tiền đền bù hơn 275 triệu đồng, bàn giao mặt bằng cho dự án, ông Khai được bố trí 2 lô đất tái định cư (1 lô rộng 150m2 ông Khai đã tách cho con gái là bà Phạm Thị Lan, còn 1 lô của ông rộng 250m2). Thời điểm đó, bà Lan đã nhận đất, còn phần ông Khai khó khăn nên chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa nhận đất tái định cư.
Ông Khai khẳng định những giấy tờ trong hồ sơ đất mang tên ông bị làm giả. |
Đến năm 2018, ông Khai đi làm thủ tục nhận đất tái định cư của mình thì ngã ngửa vì… đã được bố trí đất tái định cư (!). Cụ thể, trong văn bản trả lời của UBND TP Đà Nẵng: “Ngày 4-9-2001, ông Phạm Xuân Khai đã nộp tiền sử dụng đất và đã nhận đất tái định cư lô 3A-08 đường 7,5m khu dân cư An Trung (hiện là lô 13, bản đồ số 29”.
Thấy vô lý, ông Khai làm đơn gửi Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử TP Đà Nẵng đề nghị cho sao lục toàn bộ hồ sơ giải tỏa thì được biết: Hồ sơ giải tỏa của ông có những giấy tờ có liên quan đến việc đăng ký đất, đăng ký nhận quyền sử dụng đất, biên bản giao đất, phiếu thu tiền tạm ứng 166,7 triệu đồng do ông Khai nộp… Hầu hết các giấy tờ trong hồ sơ đều có chữ ký của ông.
Đọc kỹ hồ sơ, ông Khai khẳng định: Toàn bộ chữ ký của ông trong hồ sơ là giả mạo, trong đó nhiều chữ ký rất khác nhau. Ông Khai phân tích những dấu hiệu bất thường: Khi đi làm giấy tờ ông đều ký và viết rõ họ tên, nhưng tại biên Bản giao đất tại khu dân cư An Trung ghi ngày 18-1-2001 chỉ có chữ ký giả mạo, không khi rõ họ tên. Còn Phiếu thu tiền đất thể hiện ngày 5-9-2001, chỉ có chữ ký người lập phiếu, kế toán trưởng, thủ quỹ nhưng không ghi rõ họ tên là ai. Trong khi đó thủ quỹ ký nhận đủ tiền nhưng không ghi ngày, tháng, năm và cũng không có chữ ký của người nộp tiền (tức ông Khai). Riêng Đơn đăng ký đất ghi ngày 4-9-2001, với nội dung: “Tôi xin đóng tiền sử dụng đất 80% vì gia đình khó khăn, còn xin nợ 20% đóng dần trong 5 năm (từ 2001 đến 2005), ông Khai khẳng định bị người khác giả chữ ký. “Tôi thật sự kinh ngạc bởi mình chưa bao giờ làm các thủ tục đăng ký đất, nhận đất, nộp tiền, nhưng sao lục hồ sơ về lại có sổ đỏ mang tên tôi (diện tích 111,14m2) tại P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà, cấp năm 2001. Tôi khẳng định toàn bộ hồ sơ trên đã bị người khác giả mạo để trục lợi”, ông Khai quả quyết.
Vị trí lô đất mà ông Khai khẳng định hồ sơ của mình bị làm giả. |
Cần điều tra làm rõ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có sổ đỏ mang tên ông Khai, nó đã được công chứng chuyển nhượng cho một người khác (tên Nho) và cũng trong năm 2002 được chuyển nhượng cho người có tên Đinh Việt Đức. Ông Khai khẳng định, tất cả những lần chuyển nhượng và sang tên cuốn sổ này đều không có mặt ông. “Mọi việc cần phải được làm rõ, quan trọng là cho giám định tất cả những chữ ký của tôi trong hồ sơ. Hiện tôi đã làm đơn gửi cơ quan điều tra yêu cầu vào cuộc. Mong muốn của tôi là ai giả mạo chữ ký để làm hồ sơ nhận đất phải chịu trách nhiệm nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời trả lại lô đất cho tôi theo quy định”, ông Khai nói.
Liên quan đến vụ việc này, ông Võ Tiến Dũng- Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và đô thị Đà Nẵng (viết tắt: BQL) cho hay, những người có liên quan từng giải quyết hồ sơ của ông Khai giờ đã nghỉ hết, không còn ai làm việc ở Ban cả. Riêng chuyện ông Khai khiếu nại, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã làm việc với đơn vị và chúng tôi đã cung cấp toàn bộ hồ sơ giải tỏa trước đây của ông Khai cho CA. Qua kiểm tra thì đúng là đã bố trí cho ông Khai 1 lô và con gái ông Khai 1 lô. Riêng sổ đỏ của ông Khai sau khi nhận đã được bán, sang tên cho người khác. Còn chuyện chữ ký của ông Khai trong hồ sơ là thật hay giả sẽ phải chờ cơ quan điều tra xác định.
Kiểm tra hồ sơ, bằng cảm quan, ông Dũng cho rằng, đúng là có nhiều chữ ký mang tên ông Khai nhưng khác nhau, tuy nhiên chẳng ai dám khẳng định khi chưa có kết quả điều tra của CA. Chung cách nhìn nhận, ông Nguyễn Hồng Song- Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, lý giải: Vụ việc dù chưa rõ trắng đen, nhưng thời đó ông Khai có ký thì mới làm ra được sổ đỏ. Vì khi chuyển quyền, ông Khai phải cùng bên được chuyển nhượng cùng có mặt, cùng ký trước công chứng viên, cụ thể là tại P. An Hải Tây. Xem những giấy tờ liên quan, ông Song cũng đặt nghi vấn: Qua nhìn bằng mắt thường thì có rất nhiều chữ ký khả nghi vì không giống nhau.
Còn ông Nguyễn Bá An- Chủ tịch UBND P. An Hải Tây cho biết, hồ sơ của ông Khai sau khi công chứng không được lưu giữ lại, mà nằm hết ở BQL Bạch Đằng Đông. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Nhưng khi ra công chứng ở phường, theo quy định phải có ông Khai và ký trước mặt công chứng viên, trong khi ông Khai khẳng định không có mặt sao vẫn làm được thủ tục? Ông An nói: “Thời điểm đó phụ trách bộ phận địa chính là cán bộ tên Trúc, sau làm Phó Chủ tịch, nhưng đã nghỉ hưu năm 2016. Nếu thực sự thời điểm công chứng không có ông Khai thì nhiều khả năng do lãnh đạo trực tiếp tin tưởng anh em tham mưu nên chủ quan không kiểm tra kỹ”. Riêng lô đất của ông Khai, ông An khẳng định từ khi cấp sổ đỏ và chuyển nhượng cho tới nay, chủ sổ đỏ cũng không đến phường làm thủ tục kê khai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Với những khẳng định của ông Khai và những tài liệu có được do các cơ quan chức năng cung cấp, chúng tôi thiết nghĩ, trong vụ việc này có nhiều dấu hiệu bất thường cần được các ngành chức năng vào cuộc làm rõ. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục có thông tin khi có kết quả điều tra.
CÔNG HẠNH