Nghi vấn Nga đang nhận tin tình báo từ mật vụ Áo

Thứ bảy, 25/08/2018 11:52

Liệu Nga có đang nhận tin tình báo từ Cơ quan Mật vụ Áo?

Đó là câu hỏi đang khiến phe đối lập và truyền thông của nước này phản ứng với nhiều chỉ trích, trong bối cảnh có những nguồn tin cho rằng, các Cơ quan tình báo Châu Âu đang dần dần xa cách với Vienna, vì mối lo tin tức nhạy cảm có thể được chia sẻ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân vật mà phe cực hữu cầm quyền ở Áo đang vun đắp các mối quan hệ.

Bức ảnh chụp Tổng thống Vladimir Putin và nữ Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl khiêu vũ trong đám cưới của bà.   Ảnh: AFP

Từ bức ảnh “nhạy cảm”

Một bức ảnh chụp Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl cùng Tổng thống Putin khiêu vũ tại đám cưới của bà này hồi tuần trước được đăng tải rộng rãi càng thúc đẩy những đồn đoán như thế này.

Bà Kneissl, người được đảng Tự do cực hữu (FPOe) bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng, từng gây chú ý khi mời ông Putin đến dự lễ cưới. Cả 2 bên đều khẳng định đó là một sự kiện mang tính chất cá nhân. Ngoài Bộ Ngoại giao, FPOe cũng nắm giữ các vị trí hàng đầu trong các bộ như Bộ Nội vụ và Quốc phòng từ khi thành lập chính phủ liên minh cùng đảng Nhân dân bảo thủ (OeVP) của Thủ tướng Sebastian Kurz hồi cuối năm ngoái.

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng, các nước phương Tây khác đang thận trọng hơn trong việc hợp tác tình báo với Áo do nghi ngờ FPOe và Bộ trưởng Nội vụ nước này Herbert Kickl đang tìm cách gây ảnh hưởng với các cơ quan tình báo.

Đến những lo ngại về “cú bắt tay ngầm”

FPOe đã có một “hiệp ước hợp tác” với đảng nước Nga Thống nhất (UR) của ông Putin từ năm 2016. Nhật báo Die Presse của Áo hôm 23-8 dẫn nguồn tin giấu tên ở BVT cho biết, có những quan ngại rằng thông tin được chia sẻ với Áo sẽ “đáp ngay xuống bàn” của Tổng thống Putin vào ngày sau đó.

Áo, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu (EU), là nước giữ quan điểm trung lập và không phải thành viên của liên minh quân sự NATO. Nước này là nơi đặt trụ sở nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm LHQ, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), và trong thời Chiến tranh Lạnh đóng vai trò trung gian giữa phương Đông và phương Tây. Hồi tháng 3, khác với nhiều nước EU khác, Áo không trục xuất các nhà ngoại giao Nga do cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh. Nước này tiếp tục nhấn mạnh lập trường trung lập và tuyên bố muốn “để ngỏ các kênh liên lạc với Nga”.

Jan Krainer, một nghị sĩ cho đảng Dân chủ Xã hội đối lập (SPOe), cáo buộc chính phủ xâm phạm an ninh của người Áo. Krainer, cũng là thành viên của một cuộc điều tra của Quốc hội về BVT, vốn được thành lập vào đầu năm nay, cho biết: “Cơ quan mật vụ của Áo không còn được xem là đối tác tin cậy nữa”. Cựu giám đốc Cơ quan mật vụ của Đức BND, August Hanning, cũng cảnh báo trong tờ Bild của Đức rằng, cơ quan mật vụ không chỉ phải bảo vệ những bí mật nhạy cảm và thông tin và nguồn của các đối tác mà còn phải đối xử thông tin thật thận trọng.

“Bí mật phải được đảm bảo”, ông nói, mặc dù nhấn mạnh với truyền hình Áo rằng, không có bằng chứng cụ thể về những cáo buộc trong vụ việc này của BVT. Nga cũng chưa có bình luận gì về thông tin này.

KHẢ ANH