Nghi vấn nhiều thanh niên Nghệ An, Hà Tĩnh xuất cảnh “chui” trong vụ 39 thi thể trong container ở Anh: Trông chờ một phép mầu!

Thứ hai, 28/10/2019 09:13

Trong khi các cơ quan chức năng chưa có thông báo chính thức danh tính 39 người thiệt mạng trong container ở Vương quốc Anh được phát hiện hôm 23-10, nhưng hơn 10 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh cho rằng, con em mình là nạn nhân trong số những nạn nhân đó. Không ít gia đình đã tìm tới chính quyền địa phương trình báo việc con, em mình “đi chui” sang Anh thời điểm đó và mất liên lạc cùng lúc phát hiện chiếc container định mệnh...

 Ông Phạm Văn Thìn (bố em Phạm Thị Trà My) thẫn thờ kể lại sự việc.

* Liên quan vụ việc rúng động trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và chính quyền tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương xác minh thông tin liên quan 39 người chết trong container tại Anh và báo cáo Thủ tướng trước ngày 5-11. Ngày 27-10, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục CSĐT về TTXH khẩn trương vào Nghệ An, Hà Tĩnh để kiểm tra, giám định thông tin về những người mất liên lạc khi đi lao động sang Anh. Bộ Công an cũng đang chỉ đạo làm rõ việc có hay không các cá nhân, tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài.

Giấc mơ đổi đời bị “đóng băng”

Đến chiều 27- 10 đã có 10 gia đình ở Hà Tĩnh trình báo về việc mất liên lạc với con, em họ. Trong đó, H.Can Lộc có 8 người; thị xã Hồng Lĩnh có 1 người, H. Nghi Xuân có 1 người. Hiện CA tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc để soát xét, xác minh thông tin liên quan đến việc có hay không con em địa phương là nạn nhân trong số 39 nạn nhân tử vong trong container ở Vương quốc Anh.

“Trước mắt, xác minh thông tin gia đình cung cấp có thực tế hay không? Nếu có thì ai là người đưa đi, đi hợp pháp hay bất hợp pháp? Sau đó đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp để bảo hộ công dân...”, Đại tá Đặng Hoài Sơn- Phó Giám đốc CA tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Sau mấy ngày mất ăn mất ngủ, ông Võ Nhân Quế (trú xã Thiên Lộc, H.Can Lộc) là bố của lao động Võ Nhân Du (2000, mất liên lạc từ nhiều ngày nay) ngồi thẫn thờ trước hiên nhà như chờ đợi một phép mầu nào đó sẽ đến với gia đình mình. Ông cho biết, Du rời khỏi Việt Nam từ ngày 17-6-2019 sang Ba Lan rồi sang Đức. Ban đầu, Du tính ở lại làm việc tại Đức nhưng do không có người quen và không có giấy tờ nên Du không xin được việc làm. Sau một thời gian ngắn ở Đức, Du xin bố mẹ cho sang Vương quốc Anh làm việc vì có người nhà đang sống và làm việc tại đây. Gia đình đã cầm cố sổ đỏ để lấy tiền cho em đi. Hiện gia đình đang nhờ người có quốc tịch bên đó tìm hiểu nhận dạng xem con, em mình có trong đó không.

Gia đình ông Sắt đã lập bàn thờ cho anh Tứ. 

Tương tự, ông Phạm Văn Thìn (55 tuổi, trú thị trấn Nghèn, H.Can Lộc), người trình báo con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi) nghi chết trong container ở Anh cho biết, hôm 3- 10, My xuất phát từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi đi qua Pháp và Anh. “Sáng 23-10, My nhắn tin vào điện thoại của mẹ, nhưng bà ấy không để ý nên không đọc được. Sáng hôm sau, khi con trai út cầm máy lên mới thấy, gọi lại thì không ai bốc máy dù đổ chuông”, ông Thìn nói và cho hay, nhiều khả năng con gái là nạn nhân được phát hiện chết trong xe container tại Anh. Vài năm trước, khi đang học cao đẳng ở TP Vinh (Nghệ An), My xin nghỉ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Năm 2019, về nước, thấy gia đình gặp nhiều biến cố, My tiếp tục liên hệ với người quen biết để qua Anh. Theo ông Thìn, chi phí cho chuyến đi này là 950 triệu đồng. Trước khi đi, họ yêu cầu nộp trước 22.000 USD, nếu sang Anh thành công nộp số tiền còn lại. Từ ngày xảy ra vụ người chết trên xe container ở Anh, phía người chịu trách nhiệm đưa My đi không liên lạc.

Cách nhà ông Thìn chừng 15km là nhà ông Nguyễn Đình Gia (xã Thanh Lộc), có con trai Nguyễn Đình Lượng (20 tuổi) cũng mất liên lạc từ hôm 23-10. Ngồi thất thần giữa sân, ông Gia cho biết, tháng 8-2017, Lượng xin bố mẹ đi sang Pháp làm việc qua sự giới thiệu của một số người bạn quen biết để đỡ đần cho gia đình, chi phí cho chuyến đi này khoảng 18.000 USD. Theo ông Gia, con trai đi từ Việt Nam bay sang Nga, sau đó di chuyển qua Ukraine rồi sang Đức, đến ngày 27-4-2018 mới sang được tới Pháp. Tại đây, Lượng làm trong một nhà hàng do người Việt Nam quản lý, lương mỗi tháng khoảng vài chục triệu đồng. Tính đến tháng 10-2019, Lượng đã gửi tiền về gần đủ trả nợ.

“Ngày 10-10, con gọi điện về cho tôi, nói đợt này muốn sang Anh làm việc, thu nhập cao hơn. Tôi khuyên con làm ở đâu miễn ổn định là được, không nên tham vọng. Cháu bảo đã liên hệ được người đưa sang Anh, sắp tới nếu thành công, nhờ bố mẹ gửi sang ít tiền để trả cho họ”, ông Gia nói. Ngày 21-10, Lượng có thông báo cho người thân biết đang đến Paris, sau đó có tiếng người gọi “đi nhanh cho kịp đoàn”. Tới ngày 24-10, một người chủ cũ ở của Lượng ở Pháp gọi điện về cho ông Gia thông báo: “Xe chở con ông sang Anh gặp tai nạn rồi”. “Khả năng cao con tôi gặp nạn trong chiếc container định mệnh đó”, ông Gia thẫn thờ cho biết.

Hình ảnh Phạm Thị Trà My và Nguyễn Đình Lượng trên truyền thông Anh. Đây là 2 nạn nhân người Việt Nam được cho nằm trong số 39 người thiệt mạng trong xe tải ở Anh. Ảnh: BBC 

Những ngả đường dẫn đến cái chết

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có 7 gia đình cho biết có con bị mất liên lạc cùng thời điểm này trong quá trình vượt biên qua Anh. Trong số này, có 3 trường hợp ở xã Đô Thành, 1 trường hợp ở xã Thọ Thành (H.Yên Thành), 2 người ở xã Diễn Thịnh (H. Diễn Châu) và 1 người ở xã Hưng Đông (TP Vinh).

Cũng với không khí đau buồn, 3 ngày qua, căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Đình Sắt (xã Đô Thành, H. Yên Thành, Nghệ An) tấp nập người ra vào thăm hỏi, động viên. Ông Sắt có con trai là Nguyễn Đình Tứ (1993) mất liên lạc vào ngày 22-10 khi đang trên đường sang Anh. Học xong cấp 3, anh Nguyễn Đình Tứ đi bộ đội sau đó về quê lập gia đình. Với mong muốn có được khoản tiền để làm vốn liếng làm ăn sau này, tháng 3-2019, anh Tứ quyết định xuất ngoại để kiếm tìm cơ hội nơi trời Âu. Chi ra hơn 70 triệu đồng chi phí, anh được đưa đến Rumania làm việc một thời gian ngắn, sau đó di chuyển sang Đức. Nghĩ rằng đến Anh sẽ mang lại mức thu nhập tốt hơn, anh Tứ quyết định đến quốc đảo này bằng con đường bất hợp pháp. “Gia đình vay mượn ngân hàng xoay xở để gửi cho Tứ 11.000 bảng Anh để làm lộ phí sang Anh. Lần cuối cùng liên lạc với gia đình, Tứ nói đang chuẩn bị vượt biển qua Anh. Tuy nhiên, đến ngày 22-10 thì mất liên lạc. Lo lắng, gia đình đã gửi hình ảnh của Tứ sang nhờ người quen ở Anh kiểm tra thì họ khẳng định nó là một trong số 39 người gặp nạn”, ông Nguyễn Đình Sắt gạt nước mắt.

Cùng xã với ông Sắt, gia đình ông Lê Minh Tuân (xóm Yên Hội) cũng đang như "ngồi trên đống lửa" khi mất liên lạc với con trai là anh Lê Văn Hà (1991) từ ngày 21-10. Theo thông tin từ gia đình, 3 tháng trước, anh Lê Văn Hà vay mượn tiền để đến Pháp tìm việc, sau đó anh Hà thông báo với gia đình sẽ đến nước Anh. “Chúng tôi không biết gọi cho ai để hỏi thông tin về con cả. Con tôi nộp tiền qua đường dây nào đó, tôi cũng không biết. Gia đình đã đi cắm 2 sổ đỏ để vay tiền ngân hàng đưa tiền cho con”- ông Tuân gạt nước mắt.

Ngoài 3 gia đình ở xã Đô Thành, trường hợp anh Võ Ngọc Nam (1991, trú xóm 10, xã Thọ Thành, H. Yên Thành) cũng được trình báo về việc mất liên lạc. “Lần cuối cùng em Nam liên lạc về cho gia đình báo đang ở Pháp và sắp lên xe sang Anh nhưng từ đó đến nay, gia đình không có tin tức gì của Nam. Nam có đặc điểm là trên tay có hình xăm về ngày tháng năm sinh của mình”, anh Võ Ngọc Chuyên, anh trai của Nam cho biết. “Trưa ngày 22-10, em đang đi làm thì nhận được tin anh Nam báo về cho biết đã lên xe trên đường đi sang nước Anh rồi còn dặn “bố mẹ thắp hương cho anh, chứ giờ anh lên xe đây rồi", nói xong thì anh ấy tắt máy”, chị Tạ Thị Oanh (1992, vợ anh Nam) nghẹn ngào kể lại.

Ông Hoàng Danh Truyền- Phó Chủ tịch UBND H.Yên Thành cho biết, vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía cơ quan chức năng thông báo về các trường hợp tử vong. Tuy nhiên, có 4 gia đình ở xã Đô Thành và Thọ Thành trình báo con em họ đã mất liên lạc khi đang đi sang Anh. Hiện chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống tận nơi, nắm bắt thông tin trình báo của các gia đình.

X.S – D.H