Nghi vấn về "chiếc sừng tê giác gia truyền"

Thứ hai, 06/10/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Sừng tê giác được nhiều người cho là thần dược chữa được nhiều bệnh cấp tính và cả bệnh ung thư. Nó cũng được ca tụng như một phương thuốc bồi bổ sinh lực linh diệu, một thứ “Viagra” chốn phòng the. Giá một lạng sừng tê giác trên thị trường Châu Á và Việt Nam luôn xấp xỉ 2 lượng vàng. Bởi thế ở nhiều nơi, các tay thợ săn luôn cố gắng tiêu diệt những con tê giác cuối cùng để lấy sừng dù pháp luật ngăn cấm. Cũng không ít kẻ lợi dụng nhu cầu và tâm lý “thích đồ quý” của nhiều người để lừa đảo. Theo một số nguồn tin, ở phía Bắc có một làng chuyên sản xuất sừng tê giác, mật gấu, cao hổ cốt giả. Một số vụ buôn bán sừng tê giác giả bị CA phát hiện cho thấy kẻ bịp bợm dùng sừng nghé, sừng bò vẫn lừa được nhiều người. Vì thế cuối tháng 9-2008, khi biết một trường hợp rao bán sừng tê giác ở Đà Nẵng có biểu hiện nghi vấn, anh T. (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) quyết định tiếp cận để tìm hiểu thực hư.

Qua điện thoại với anh T., người bán giới thiệu tên Tiền, có chiếc sừng tê giác gia truyền hơn 100 năm do ông tổ để lại, trọng lượng 190g, bán với giá 60 triệu đồng. Tiền bảo nhà ở Cẩm Lệ, nhưng không cho địa chỉ cụ thể mà hẹn trao đổi việc mua bán ngoài quán cà-phê. Ngày hôm sau, anh ta đồng ý gặp mặt tại khu vực ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Khoái (Q. Hải Châu). Tiền đến nhưng không mang theo chiếc sừng mà chỉ cho anh T. xem chiếc sừng qua ảnh. Hơn nữa Tiền chủ động bắt đầu cuộc nói chuyện không phải từ chiếc sừng mà “quần” người mua làm việc ở

Nguyễn Duy Tiền

cơ quan nào, nhà ở đường nào, số mấy, mua để làm gì, ai giới thiệu, biết gì về sừng tê giác?...

Đến khi anh T. tỏ vẻ bực bội hỏi ngược lại: “Tra vấn gì lắm thế, ông bán sừng hay đi điều tra?”, Tiền mới cười xởi lởi: “Anh thông cảm vì đây là hàng cấm mà. Không hỏi lỡ anh là CA thu sừng của em thì sao”. Nguồn gốc chiếc sừng theo lời Tiền kể cũng khá ly kỳ, rằng hơn 100 năm trước, có một thầy thuốc Đông y người Điện Phương, Điện Bàn, đi lánh nạn được ông tổ Tiền cưu mang. Người này cảm kích nên truyền lại nghề thuốc cho ông nội của Tiền cùng 5 chiếc sừng, trong đó có chiếc sừng tê giác. Trước khi chết, ông nội Tiền lại truyền nghề cho anh trai của Tiền cùng 5 chiếc sừng. Nhưng người anh chỉ làm nghề thuốc trong xóm nên không dùng đến chiếc sừng...

Theo hình ảnh Tiền cung cấp, trong 5 chiếc sừng “gia truyền” có thể khẳng định 4 cái là sừng trâu. Cái được cho là sừng tê giác trông khá cũ kỹ và đen kịt. Tiền bảo sừng của mình là hàng thật, có thể dùng dao tách ra từng sợi, sợi tách ra giống như nhiều sợi chỉ gộp lại và đốt lên thì có mùi khét như mùi khét của tóc. Giải thích miếng khuyết trên đỉnh sừng, Tiền cho rằng cất trong hộp bị... chuột cắn. Những điều đó làm sự nghi ngờ của anh T. về chiếc sừng càng tăng lên, bởi theo các tài liệu tham khảo được, sừng tê giác màu trắng đục và rất cứng, không thể dùng dao tách dễ dàng và chuột khó có thể cắn được, và chưa thấy tài liệu nào đề cập đến chiếc sừng tê giác chỉ nặng 190g...

Đi hỏi những thầy thuốc Đông y và một số người từng dùng sừng tê giác, các mô tả của họ về sừng tê giác thật đều khác hẳn với sừng tê giác của Tiền. Anh T. rất ghét kẻ lừa đảo, nếu có thể khẳng định chiếc sừng tê giác Tiền rao bán là giả, anh T. sẽ báo CA ngay. Nhưng vì chưa nhìn tận mắt một chiếc sừng tê giác nào nên anh còn phân vân, bởi nếu chiếc sừng là thật thì rất ái ngại nếu báo Cơ quan CA thu giữ của Tiền. Thôi, để thấy tận mắt chiếc sừng rồi tính tiếp. Anh T. thầm nhủ.

5 chiếc sừng mà Tiền cho là của ông tổ truyền lại.

Mấy ngày sau, anh T. tỏ vẻ quyết tâm mua chiếc sừng giúp ông chú. Hai bên thỏa thuận gặp nhau. Địa điểm Tiền chọn là quán cà-phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tiền không đưa ra chiếc sừng ngay mà bảo anh T. gọi chú đến thì mới gọi người mang sừng đến xem. Anh T. tỏ vẻ nghi ngờ: “Mi nói bán sừng mà chẳng thấy sừng đâu. Ông chú bận công việc, gọi ổng tới mà không có sừng để ổng chửi à”.

Dùng dằng một hồi, Tiền mới ra ngoài mở cốp xe máy lấy chiếc sừng mang vào. Chiếc sừng trông y như trong hình chụp, phía trong dính đất nhớp nháp chứng tỏ chẳng được bảo quản đúng như một vật quý gia truyền. Trên thân chiếc sừng có một vết tước mỏng, bề ngang bằng cái móng tay. Tiền tước rộng thêm chỗ này để anh T. xem cấu tạo chiếc sừng. Anh T. cũng tước một mẩu nhỏ bằng nửa que tăm bỏ vào miệng nhai và chẳng thấy mùi vị gì. Mân mê một hồi, anh T. lại tước một miếng bỏ vào miệng, sau đó lại tước một miếng châm lửa đốt. Sợi sừng cháy lèo xèo như ni-lông, nghe có mùi khen khét. Nhưng chẳng khẳng định được gì! Anh T. trả chiếc sừng lại cho Tiền, rồi mượn lại ngắm nghía, rồi tước rồi nhai mấy lần. “Nếu đây là sừng thật, đắt tiền thế sao mình tước, mình nhai bỏ nhiều thế mà hắn chẳng sốt ruột và không có ý kiến gì”.

Đã vài lần phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, anh T. gọi điện báo cáo với Phòng PC22 CATP Đà Nẵng. Không đảm nhận chức năng điều tra nhưng lực lượng này luôn phản ứng nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm pháp, sau đó chuyển các đơn vị chức năng khác xử lý. Vì thế, lần này anh T. cũng nghĩ cách “câu giờ” và điện báo sự việc đến Phòng PC22. Chỉ khoảng 5 phút sau, 2 cán bộ Phòng PC22 đã có mặt mời Nguyễn Duy Tiền (1983, trú Hòa Vang, Đà Nẵng) về cơ quan làm việc. Tại đây, Tiền vẫn khai chiếc sừng là do ông tổ để lại, nhưng là sừng tê giác thật hay giả anh ta không biết. Qua nhận định bằng cảm quan, một số ý kiến cho rằng đây là sừng trâu nghé. Nếu đây là sừng tê giác thật thì hành vi mua bán cũng bị pháp luật ngăn cấm. Còn nếu đó là sừng tê giác giả thì tính chất vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn.

Hiện CAQ Hải Châu đang thụ lý điều tra, xác minh nguồn gốc và kiểm định chiếc sừng tê giác của Nguyễn Duy Tiền rao bán là thật hay giả.

Thân Lai