Nghịch lý mùa tuyển sinh 2020

Thứ sáu, 09/10/2020 14:00

Trong mùa tuyển sinh năm 2020 có một nghịch lý: trong khi nhiều ngành điểm chuẩn rất cao lại có ngành không tuyển sinh được dù điểm chuẩn khá thấp và nhu cầu nhân lực cao. Thậm chí, có trường buộc phải dừng tuyển sinh một số ngành do không tuyển được.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia được cung cấp thông tin để chọn trường đại học.

Một số ngành khó tuyển sinh dù nhu cầu thị trường lao động lớn

Cụ thể, điểm trúng tuyển đại học bằng phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao ở những ngành "hot" thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đến hết ngày 7-10, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã nhập học được 80% chỉ tiêu (khoảng hơn 3.000 thí sinh). Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh của trường cho biết, theo đề án tuyển sinh của trường, năm nay ngành Công nghệ vật liệu tuyển 50 chỉ tiêu, Khoa học thủy sản 60 chỉ tiêu. Tuy nhiên, dữ liệu chung của Bộ GD-ĐT trước khi thực hiện quy trình lọc ảo, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 ngành quá ít, chỉ có khoảng 30 nguyện vọng mỗi ngành nhưng hầu hết là nguyện vọng 3, 4, chưa kể thí sinh đã có thể trúng tuyển nguyện vọng 1, 2. Do vậy, trường dự kiến dừng tuyển sinh 2 ngành này. "Ngành Công nghệ vật liệu thì nhu cầu xã hội rất cần, thậm chí các em học đến năm cuối thì đã có việc làm. Tuy nhiên, công việc khá nặng và phải đi xa nên kén thí sinh" - Ths Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Tương tự, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), 3 ngành khó tuyển nhất là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học. Dù khó đạt chỉ tiêu nhưng trường vẫn duy trì bởi thực tế nhu cầu của thị trường lao động ở các ngành này vẫn rất lớn. Còn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dù nhiều ngành điểm chuẩn rất cao, lên tới 27 điểm như ngành Robot và trí tuệ nhân tạo nhưng ngược lại vẫn có một số ngành khó tuyển sinh, như ngành Thiết kế thời trang tuyển được rất ít thí sinh. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ở hệ chất lượng cao, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn là 19,5 điểm nhưng vẫn khó tuyển được thí sinh.

Tháo gỡ như thế nào?

Để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, học bổng, việc làm là những chính sách "xương sống" nhằm tạo thêm sức hút cho ngành học. Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sinh viên theo học các ngành như Lâm học, Lâm nghiệp đô thị được hỗ trợ bằng chính sách "đặt hàng" đào tạo từ các doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo nhà trường mời doanh nghiệp tới  trường để tuyển dụng sinh viên.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một số ngành nhu cầu nhân lực vẫn  rất cần nhưng lại không có người học. Điều đó buộc các trường phải tìm mọi cách để tuyển dù sĩ số học sinh không đủ để duy trì lớp. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai mô hình đại học chia sẻ là hết sức thiết thực nhằm bảo đảm việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường của các trường đại học. Ngành học đó có thể không "hot", không thu hút sự thích thú của sinh viên nhưng nó vẫn rất cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các trường với thế mạnh đào tạo không thể bỏ được. "Mô hình đại học chia sẻ là giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này khi nó cho phép các trường gửi sinh viên (vì quá ít) cho các trường khác có cùng chương trình, ngưỡng bảo đảm đầu vào để tạo điều kiện cho sinh viên học tập, tiết giảm chi phí cho đơn vị. Sinh viên có thể theo học lý thuyết bằng hình thức online, tiết kiệm thời gian và bối cảnh học tập, khi thực tập chuyên ngành chỉ việc đến trường có liên kết chia sẻ thực tập..." - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói thêm.

T.H