Nghịch lý ở những công trình đại thủy nông

Thứ sáu, 29/05/2015 12:05

(Cadn.com.vn) - Được xem là một trong 2 công trình đại thủy nông của Tây Nguyên, hồ chứa nước Ia Mơr và Ia M'lah được xây dựng tại Gia Lai đã và đang đưa vào hoạt động. Thế nhưng, hàng loạt bất cập khiến những công trình này đang mất đi chức năng của mình vì… thiếu đồng ruộng để tưới.

Ia Mơr đến bao giờ như mơ?

Khi dự án thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr triển khai xây dựng tại khu vực H. Chư Prông-một huyện vùng biên giới của tỉnh Gia Lai với mục tiêu lấy nước tưới cho 12.500ha của 2 huyện Chư Prông và Ea Súp (Đắc Lắc), người dân khấp khởi vui mừng. Bởi bao đời nay, đây là vùng đất khắc nghiệt, mùa mưa thì lũ, mùa nắng thì hạn hán, khô cằn, chỉ có những dải rừng khộp mới sinh tồn ở đây. Thế nhưng 10 năm qua, kể từ ngày Hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ NN&PTNT phê duyệt đến nay vẫn còn nhiều ngổn ngang, bất cập.

Với diện tích mặt hồ lên đến trên 11,1km2, dung tích hơn 15,3 triệu m3 nước được tích nước từ dòng suối Ia Mơr chảy qua cánh rừng khộp. Thế nên, toàn bộ khu vực công trình cũng như đồng ruộng đều nằm trong diện tích đất rừng. Dù được phê duyệt từ năm 2005 nhưng do nhiều nguyên nhân khiến dự án đình trệ và 6 năm sau mới được triển khai lại. Thủy lợi Ia Mơr được Bộ NN&PTNT xây dựng phần đập đầu mối, công trình kênh cấp I, cấp II còn kênh tưới diện tích từ 150ha trở xuống và xây dựng đồng ruộng do địa phương làm chủ đầu tư. Khi được đưa vào sử dụng, hồ thủy lợi Ia Mơr sẽ nâng mức tưới lên 12.500ha, trong đó có hơn 7.300ha lúa 2 vụ và gần 5.200ha hoa màu và cây công nghiệp, cấp nước sinh hoạt 50.000 hộ dân ở 2 huyện Chư Prông và Ea Súp.

Công trình thủy lợi Ia M'lah đã hoàn thành nhưng nước vẫn không thể tới được đồng ruộng.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai dự án này đến nay, BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án đã hoàn thành bàn giao hợp phần đập dâng Ia Lốp, hồ chứa nước Plei Pai; hoàn thành hơn 50% cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr. Tổng kinh phí xây dựng công trình này từ 1.263,6 tỷ đồng năm 2005 dự kiến tăng lên khoảng hơn 4.007 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt kinh phí phát sinh gần 3.000 tỷ đồng này. Không những thế, những hạng mục đang dần hoàn thiện chuẩn bị cho việc tích nước nhưng vẫn còn 1.900ha rừng khu vực lòng hồ (đã chuyển lần trước hơn 1.000ha rừng) chưa có quyết định thu hồi mà thẩm quyền thu hồi trên 1.000ha rừng thuộc Quốc hội. Bên cạnh đó 3.000ha rừng trồng thay thế khu vực lòng hồ theo quy định của Chính phủ tốn khoảng 170 tỷ đồng chưa có trong dự án (dự án được lập trước khi có quy định này).

Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: UBND tỉnh Gia Lai đã họp nhiều lần đề xuất Bộ NN&PTNT (đơn vị chủ đầu tư) trình Chính phủ và Quốc hội xem xét cho chuyển đổi rừng nghèo khu vực lòng hồ và khu vực khai hoang đồng ruộng, đồng thời bố trí có vốn tỉnh mới triển khai việc của mình. Tuy nhiên, cho đến hiện tại mọi việc vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Nước đầy hồ, ruộng vẫn khô

Mùa khô năm 2015, H. Krông Pa nơi được mệnh danh là "chảo lửa" của tỉnh Gia Lai với gần 500ha cây trồng thiệt hại vì hạn hán, ước tổng giá trị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Đó là một con số thiệt hại không nhỏ của huyện nghèo này. Thế nhưng, điều nghịch lý là ở ngay đây hồ thủy lợi Ia M'lah được xem là đại thủy nông lớn nhất Tây Nguyên vẫn chứa đầy nước. Hỏi ra mới biết, dù nằm ngay đại thủy nông nhưng người dân vẫn chịu cảnh hạn hán vì nước không thể tới được chân ruộng.

Cũng cách đây 10 năm, khi công trình thủy lợi Ia M'lah được khởi công xây dựng, người dân vùng "chảo lửa" vui mừng vì cảnh hạn hán bao đời nay sẽ chấm dứt. Với dung tích 54 triệu m3 nước, công trình thủy lợi Ia M'lah sẽ phục vụ tưới tiêu cho hơn 5.100ha đất canh tác tại 5 xã, thị trấn gồm: TT Phú Túc và các xã Ia Mláh, Đất Bằng, Phú Cần, Phú Cần, Chư Ngọc, Chư Gu. Trong đó, tưới tự chảy 3.862ha; tưới tạo nguồn 1.288ha; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 36.000 dân. Dự án công trình thủy lợi Ia M'lah do Bộ NN&PTNT phê duyệt toàn bộ nguồn vốn, BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối, 17km kênh chính và hơn 20km kênh cấp I; Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư kênh và các công trình trên kênh diện tích tưới từ 150ha đến 20ha. UBND H. Krông Pa làm chủ đầu tư các dự án kênh mương nội đồng diện tích tưới nhỏ hơn 20 và xây dựng đồng ruộng với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng.

Thế nhưng, năm 2007 hồ chứa nước Ia M'lah mới được tích nước và đến năm 2012 mới hoàn thành hệ thống công trình cụm đầu mối và khi 17km kênh chính hoàn thành, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai mới bắt tay vào xây dựng kênh cấp II, III. Bên cạnh đó, hạng mục khai hoang xây dựng đồng ruộng do UBND H. Krông Pa làm chủ đầu tư triển khai chậm do thiếu vốn, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các đơn vị khi thi công các hệ thống kênh dẫn... Vì thế đến nay, thủy lợi Ia M'láh mới chỉ tưới cho 460 ha lúa và 1.840 ha rau màu. Đây là diện tích dân tự khai hoang hoặc cánh đồng trước đây sử dụng nước trạm bơm điện. Trong khi đó còn 50km kênh nội đồng với kinh phí đầu tư 110 tỷ đồng thì đến nay Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai mới rục rịch làm các thủ tục để năm 2016... đầu tư.

2 dự án đại thủy nông Tây Nguyên với mục tiêu đặt ra là khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của vùng dự án, biến những nơi đây thành vùng trọng điểm nông nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề lương thực. Thế nhưng, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến đồng ruộng và người dân vẫn dài cổ... chờ nước.

Minh Tân