Nghịch lý phí BOT (2)
* Bài 2: Đặt trạm thu phí “nhầm chỗ”
(Cadn.com.vn) - Không chỉ Nghệ An, Hà Tĩnh, nghịch lý chuyện thu phí các dự án BOT đang khiến người dân khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến TP Đà Nẵng bức xúc. Thực tế cho thấy rõ, các nhà đầu tư BOT triển khai thi công đường, làm hầm một nơi nhưng trạm thu phí (TTP) lại đặt một nẻo khiến hàng loạt phương tiện dù không đi qua các dự án (DA) này vẫn “è cổ” gánh phí vô lý.
Ghi nhận của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, TTP Quán Hàu nằm ở phía nam cầu Quán Hàu thuộc địa bàn xã Võ Ninh (H. Quảng Ninh, Quảng Bình) được xây dựng là để thu phí cho DA cầu Quán Hàu. Năm 2010, trạm này hết thời hạn thu phí nên dừng lại, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại được trưng dụng thu phí cho DA BOT tuyến tránh TP Đồng Hới phía bắc cầu Quán Hàu do Cty TNHH BOT đường tránh TP Đồng Hới làm chủ đầu tư. Việc sử dụng trạm Quán Hàu thu phí cho DA tuyến tránh khiến nhiều phương tiện lưu thông theo hướng Bắc - Nam trên QL1A, dù không đi trên đường tránh TP Đồng Hới nhưng vẫn chịu khoản phí vô lý. Điều đáng nói là tháng 6-2015, TTP Quán Hàu lại tiếp tục khai thác để hoàn vốn cho tuyến đường tránh lũ ven biển dài hơn 33km do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tình trạng này khiến người dân càng bức xúc hơn và đỉnh điểm là đầu năm 2017, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn đã đưa nhiều loại phương tiện tập kết tại TTP để phản đối gây ách tắc giao thông. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng CAH Quảng Ninh và lãnh đạo Cty TNHH BOT đường tránh TP Đồng Hới đã có mặt để vận động, giải thích nhằm tránh gây ách tắc giao thông và đến trưa cùng ngày, hoạt động của TTP mới trở lại bình thường.
Theo các chủ phương tiện, họ tập trung xe nhằm phản đối vì việc giá vé qua trạm bất ngờ tăng đột ngột và yêu cầu di dời TTP đang đặt “nhầm chỗ” đến vị trí hợp lý… Nhiều người dân cho biết, sau khi dân địa phương quá bức xúc và có nhiều kiến nghị, trong năm 2016, chủ đầu tư 2 DA nói trên đã áp dụng chính sách giảm 50% mức phí qua trạm cho gần 700 ô-tô dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn H. Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, đơn vị thực hiện thu phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính và không miễn giảm đối với các ô-tô trên địa bàn H. Quảng Ninh nữa. Việc đặt TTP Quán Hàu không hợp lý cũng đã được các đại biểu đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Văn Dũng (trú xã Ba Đồn, Quảng Bình) người có hơn 20 năm chạy xe tuyến Quảng Bình - Đà Nẵng cho rằng: “Cả tuyến đường tránh TP Đồng Hới và tuyến đường ven biển tránh lũ, rất ít người sử dụng, người dân địa phương cũng như phương tiện đi đường dài Bắc - Nam chủ yếu sử dụng QL1A nhưng lâu nay vẫn phải trả tiền phí”. Ông Nguyễn Đức Anh (trú TT-Huế), một tài xế xe du lịch bức xúc: “Mỗi tuần, xe tôi đi qua TTP Quán Hàu khoảng 3 lần, dù không hề đi qua tuyến tránh TP Đồng Hới cũng không đi đường ven biển nhưng vẫn phải mua vé qua trạm, thật quá phi lý”. Cũng như phương tiện của ông Anh, mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện dù không đi qua 2 tuyến đường được xây dựng theo hình thức BOT nói trên nhưng vẫn phải nộp phí. Không chỉ vậy, nhiều người dân ở Đồng Hới đến H. Lệ Thủy, H. Quảng Ninh, thậm chí ngay trong địa phận H. Quảng Ninh (người dân các xã phía nam huyện) khi qua TT trung tâm bên kia cầu để giao dịch cũng tốn phí… “Hằng ngày đi làm tôi phải qua cầu Quán Hàu nhưng tôi không sử dụng đường của DA BOT, vậy mà cũng mất 70 ngàn đồng tiền phí 2 lượt qua về. Mỗi tháng mất gần 2 triệu đồng rất phi lý” - một cán bộ ở H. Quảng Ninh bức xúc.
Nhiều phương tiện dừng xe tại TTP Quán Hàu để phản ánh việc thu phí vô lý. |
Tương tự, TTP Triệu Phong (Quảng Trị) nằm giữa 3 trung tâm huyện lỵ Triệu Phong, TX Quảng Trị - Hải Lăng và TP Đông Hà, dùng để hoàn vốn đầu tư cho 2 đoạn QL1A được đầu tư theo hình thức BOT (đoạn từ Dốc Miếu, H. Gio Linh đến TP Đông Hà và đoạn từ Đông Hà đến TX Quảng Trị). Trên thực tế, hằng ngày rất nhiều phương tiện ô-tô của người dân thuộc 3 huyện lỵ và TP Đông Hà lưu thông qua trạm BOT, nhưng hoàn toàn không sử dụng dịch vụ BOT mà nhà đầu tư đặt trạm ở đây để thu phí nhưng vẫn phải đóng phí. Mặc dù từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét, giảm giá thu phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện trên địa bàn tỉnh thường xuyên qua lại TTP BOT, chuyển TTP này đến vị trí giáp ranh giữa H. Hải Lăng (Quảng Trị) và H. Phong Điền (TT-Huế) mà vẫn đảm bảo khoảng cách với Trạm thu phí đặt tại Phú Bài (TT-Huế) là 70km nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Tại tỉnh TT-Huế, DA hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia nằm trên QL1A qua địa phận H. Phú Lộc (TT-Huế) gồm hầm đường bộ Phước Tượng với chiều dài 375m, hầm Phú Gia dài 447m, cả 2 hầm đều rộng 12m, sau khi xây dựng xong đã chính thức áp dụng thu phí từ giữa tháng 8-2016. Công trình do Cty cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng. Vị trí TTP đặt ở phía bắc hầm đường bộ Hải Vân (thuộc địa phận TT Lăng Cô), cách hầm Phú Gia khoảng 10km và hầm Phước Tượng khoảng 20km. Do đặt TTP không hợp lý nên sau hơn 9 tháng thực hiện thu phí, rất nhiều du khách, người dân và doanh nghiệp ở Đà Nẵng và khu vực Lăng Cô, cảng Chân Mây rất bức xúc vì không đi qua 2 dự án hầm này nhưng vẫn phải đóng phí. Cụ thể, các phương tiện từ Đà Nẵng chỉ ra đến Lăng Cô, cảng Chân Mây; hoặc từ những điểm này đi vào Đà Nẵng hoàn toàn không qua hầm Phú Gia, Phước Tượng, nhưng nhân viên thu phí kiên quyết tận thu!
Trước việc người dân Lăng Cô bức xúc về TTP hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia được xây dựng ở vị trí không phù hợp, cuối tháng 4-2016, nhà đầu tư đã kiến nghị đến cơ quan chức năng và đã quyết định miễn giảm cho khoảng 200 phương tiện khi qua trạm vé này, hầu hết là phương tiện tại TT Lăng Cô và xe trung chuyển khách, xe máy qua hầm Hải Vân. Còn những địa phương khác như những xã giáp khu cảng Chân Mây như xã Lộc Vĩnh, Lộc Thủy, Lộc Tiến… và xe của du lịch, vận tải hàng hóa của cảng Chân Mây khi qua hầm vào Đà Nẵng; phương tiện Đà Nẵng ra Lăng Cô đi du lịch, ăn uống vẫn đóng phí đều.
Nhiều ý kiến cho rằng, TTP này nên đặt ở phía nam hầm Phú Gia mới phù hợp nhưng không hiểu sao lại đặt ở cuối TT Lăng Cô, cách hầm khoảng 10km. Một số chủ nhà hàng, resort ở TT Lăng Cô bức xúc cho rằng, việc đặt TTP ở vị trí trên sẽ khiến du khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô bằng ô-tô phải đóng phí khi qua trạm trong khi họ không hề lưu thông qua hầm đường bộ. Ông Nguyễn Hoàng Quý (trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) - người chuyên làm dịch vụ chở khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô tắm biển, nghỉ dưỡng - cho biết: “Hầm ở đầu TT Lăng Cô trong khi họ xây TTP ở cuối thị trấn như thế sẽ khiến tôi cũng như rất nhiều người làm nghề chở khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô bị “móc túi” một khoản tiền không nhỏ”. Chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Giang (trú xã Lộc Thủy), bày tỏ: “Vào mùa hè, dịp cuối tuần, gia đình tôi cùng bạn bè thường lái xe vào Đà Nẵng chơi. Dù không qua 2 hầm Phú Gia, Phước Tượng, nhưng cả đi cả về vẫn mất tổng cộng 70 ngàn đồng qua trạm thu phí, hết sức vô lý. Rõ ràng, thu của chúng tôi như thế là sai”…
(còn nữa)
Nhóm PVXH