Nghịch lý phí BOT
Bài 1: BOT Bến Thủy đã an, Cầu Rác vẫn nóng
(Cadn.com.vn) - Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) bằng hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chủ trương này cũng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng cũng như đảm bảo ATGT, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Và để hoàn vốn cho nhà đầu tư, các trạm thu phí được phép đưa vào sử dụng là vấn đề không ai bàn cãi. Tuy nhiên, việc đặt các trạm thu phí đang tồn tại khá nhiều nghịch lý, cụ thể là người tham gia giao thông, các đơn vị vận tải, doanh nghiệp đang phải è lưng cõng những mức phí cho các công trình mà họ không hề sử dụng. Tại khu vực miền Trung, câu chuyện ngược đời đã và đang nóng lên trong thời gian gần đây…
Gần 10.000 người dân 2 đầu cầu Bến Thủy đã đăng ký vé miễn phí qua cầu. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, sau khi đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án: Tuyến tránh TP Vinh; cầu vượt đường sắt QL46, cầu Yên Xuân (Nghệ An), tuyến QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Tổng Cty XDCTGT 4 (Cienco4) đã xây dựng 2 trạm thu phí BOT tại cầu Bến Thủy 1 và 2. Tuy nhiên, việc thu phí này hoàn toàn không hợp lý đối với các phương tiện tham gia giao thông của người dân tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và TP Vinh, H. Hưng Nguyên (Nghệ An). Thực tế, các phương tiện đi lại của người dân ở các địa phương trên khi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 (được đầu tư bằng vốn nhà nước) không tham gia giao thông trên QL1 tuyến tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh nhưng đã phải trả phí qua cầu nhiều năm qua.
Trước sự việc trên, từ cuối năm 2016 đến cuối tháng 3-2017, hàng ngàn người dân hai bên cầu Bến Thủy 1 điều khiển phương tiện tới tập trung trước trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 để phản đối. Họ cho rằng không đi qua bất kỳ một mét đường BOT nào, nhưng vẫn phải còng lưng đóng phí, quá bất hợp lý. Thế là người dân đã gom nhóm, treo băng rôn, khẩu hiệu trước ô-tô rồi diễu hành qua cầu để phản đối. Thậm chí, họ còn dùng “hạ sách” sử dụng tiền lẻ có mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 đồng để mua vé hòng gây chậm trễ trong việc mua vé qua cầu, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy đã yên. |
Trước sự phản ứng gay gắt của người dân, ngày 3-4, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đối với các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của người dân có hộ khẩu thường trú H. Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và H. Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An). Giữ quan điểm “không sử dụng công trình sẽ không trả tiền”, người dân vẫn tập trung ở cầu Bến Thủy tiếp tục phản đối khiến giao thông ách tắc kéo dài. Tiếp đó, ngày 9-4, hàng nghìn người dân ở hai bên cầu Bến Thủy đồng loạt ký vào đơn kiến nghị để gửi Chính phủ, Quốc hội với mong muốn di dời trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 đến địa điểm khác hợp lý.
Giữa tháng 4, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhà đầu tư Cienco4. Cuộc họp đã mổ xẻ những vướng mắc, cân nhắc ý kiến người dân địa phương và có đánh giá cụ thể về ANTT, ATGT khu vực trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT đã thống nhất giảm tối đa (100%) phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ hai đến dưới bốn tấn) của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú TP Vinh, H. Hưng Nguyên, TX Hồng Lĩnh, H. Nghi Xuân. Các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên những địa bàn này cũng được giảm tương tự. Bên cạnh đó, Bộ GTVT giảm tối đa (100%) đối với phương tiện xe buýt lưu thông qua trạm Bến Thủy 1. Thời gian áp dụng là từ ngày 24-4-2017. Theo ông Phan Đức Hữu - Chủ tịch Công Đoàn kiêm Giám đốc Ban thương hiệu Cienco4, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng gần 10.000 phương tiện của 4 địa phương trên đến đăng ký vé miễn phí qua BOT Bến Thủy…
Chuyện nghịch lý của BOT Bến Thủy vừa được giải quyết xong thì hơi nóng lại lan qua dự án BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh). Sáng 4-5, hàng trăm người dân TX Kỳ Anh cùng các phương tiện vượt hơn 30km ra khu vực trạm thu phí Cầu Rác (trên QL1A, thuộc xã Cẩm Trung, H. Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) với khẩu hiệu: “Nhân dân TX Kỳ Anh kiên quyết đấu tranh với phí BOT Cầu Rác” để phản đối, đòi quyền lợi, khiến cho tình trạng TTATGT trên QL1A khá phức tạp. Để đảm bảo ANTT, đảm bảo chính đáng quyền lợi của người dân, UBND TX Kỳ Anh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Cty Sông Đà kịp thời có đề xuất lên các bộ, ngành sớm miễn giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, DN có trụ sở chính trên địa bàn TX Kỳ Anh.
Trạm thu phí Cầu Rác vẫn “nóng” dù đã được miễn cho 2 địa phương. |
Đây không phải lần đầu tiên người dân Hà Tĩnh phản đối về cách thu phí nghịch lý này, mà thời điểm giữa tháng 4, hàng trăm phương tiện của người dân H. Kỳ Anh và H. Cẩm Xuyên cũng từng tập trung ở hai đầu trạm thu phí Cầu Rác để phản đối, yêu cầu Tổng Cty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Cty Sông Đà- chủ đầu tư đường tránh TP Hà Tĩnh) phải thực hiện giống như ở trạm thu phí Bến Thủy. Người dân cho rằng, thời gian qua họ không hề đi tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh (đường BOT) nhưng vẫn phải nộp phí BOT là hết sức vô lý. Được biết, trạm thu phí Cầu Rác xây dựng để hoàn vốn cho công trình đường giao thông và cầu Rác, do Cục đường bộ quản lý. Tuy nhiên, công trình này đã được hoàn phí, lẽ ra phải dẹp bỏ nhưng Tổng Cty Sông Đà lại dùng để thu phí cho đường tránh TP Hà Tĩnh khiến người dân vô cùng bức xúc. Tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có chiều dài 16km xây dựng năm 2005 đến 2009 thì đi vào hoạt động. Công trình được xây dựng theo hình thức BOT.
Ngày 21-4, UBND H. Cẩm Xuyên tổ chức cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương, Chủ đầu tư là Tổng Cty Sông Đà và hàng trăm người dân hai bên trạm thu phí Cầu Rác. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 2463/UBND-GT1; Tổng Cty Sông Đà có Công văn số 657/TCT-CLĐT gửi Bộ GTVT về việc đề nghị giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lưu thông qua trạm Cầu Rác. Ngày 26-4, sau khi xem xét, Bộ GTVT thống nhất theo đề nghị của tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Cty Sông Đà. Bộ GTVT đề nghị Tổng Cty Sông Đà khẩn trương phối hợp với UBND H. Cẩm Xuyên, UBND H. Kỳ Anh hoàn thiện thủ tục theo quy định để áp dụng giảm giá dịch vụ từ ngày 1-5-2017.
Đến nay, việc không thu phí đã được giải quyết đối với 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nhưng người dân TX Kỳ Anh vẫn đang tiếp tục đấu tranh đòi sự công bằng, bởi họ khẳng định rằng họ chỉ đi tuyến QL1A chứ không đi tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh nên phải được giải quyết một cách thỏa đáng như các cấp, ngành đã từng giải quyết tại BOT Nghệ An...
(còn nữa)
Nhóm Phóng viên xã hội