Nghiệt ngã lao động trẻ em tại Nepal
(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo của Nepal, mặc dù lao động trẻ em (LĐTE) là bất hợp pháp ở nước này, có khoảng 1,6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 đang lao động rất khắc nghiệt ở nước này. Khoảng 3/4 trong số đó ở độ tuổi dưới 14, và hầu hết là trẻ em gái.
Xem Maya Lama chơi với bạn bè, cô bé dường như giống như bất kỳ đứa trẻ khác. Nhưng trước đó, cuộc sống của cô bé 12 tuổi này giống như địa ngục. Cô bé buộc phải làm việc vất vả 16 giờ trong một nhà máy sản xuất thảm tại thủ đô Kathmandu. Bé bị chính người chú của mình ép trở thành một trong 1,6 triệu LĐTE của đất nước khi mới 10 tuổi. Maya làm việc từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày mà không được nghỉ ngơi.
Cũng như Maya, Yangzee Sherpa đến từ Taplejung, đông bắc Nepal, cũng bị cưỡng chế lao động. Cô bé cho biết bị ông nội đưa đến thủ đô để làm việc vì gia đình cần tiền. “Cha tôi là người nghiện rượu và mẹ tôi không thể chăm sóc cho tôi. Tôi không biết tại sao họ bắt tôi làm việc trong khi hai em trai được đi học”, cô bé 12 tuổi cho biết. LĐTE là cảnh thường thấy trên đường phố Kathmandu, như rửa chén bát trong các nhà hàng địa phương hoặc kiếm sống trên các phương tiện giao thông công cộng của thành phố. Nhiều trẻ em đang làm việc trong ngành công nghiệp thảm, gạch và may mặc, hoặc làm người giúp việc cho các gia đình.
Các nhà sử dụng lao động nhận thấy, đây là một thỏa thuận cùng có lợi. Ông Krishna Hari Pushkar, Giám đốc Sở Lao động Nepal, cho biết, LĐTE nhận được “sự chấp nhận của xã hội”.
Khoảng 1,6 triệu trẻ em từ 5-17 tuổi là lực lượng lao động tại Nepal. Ảnh: CNN |
Giải thoát khỏi lao động cưỡng bức
Hàng ngàn trẻ em tiếp tục làm việc như trụ cột gia đình. Maya và Yangzee là một số trong những người may mắn. Các em được Tổ chức Nepal Goodweave Foundation - tổ chức phi chính phủ địa phương nỗ lực loại bỏ LĐTE trong ngành công nghiệp thảm, cứu thoát.
Hiện nay, họ đang sống cùng với hơn 30 trẻ em khác, tất cả đều dưới 14 tuổi, ở khu nhà của tổ chức này ở Kathmandu. Tại đây, các em được trò chuyện, vui chơi và tham dự các lớp học. Dù Hiến pháp lâm thời của Nepal năm 2007 bảo đảm các quyền của trẻ em, và đất nước ký công ước quốc tế quan trọng chống lại LĐTE, việc thực thi pháp luật tại nước này vẫn còn yếu. Trong Kế hoạch tổng thể quốc gia về LĐTE, Nepal xác nhận tình trạng LĐTE và lên kế hoạch loại bỏ tất cả các hình thức LĐTE vào năm 2020.
Trong Ngày Thế giới chống LĐTE, ca sĩ Hanaa, đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Nepal, cho rằng, vấn đề này nên được ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, cô cho biết, Nepal thiếu thanh tra lao động cần thiết để giám sát hiệu quả tình trạng LĐTE bất hợp pháp. Gần đây, các cuộc biểu tình làm rung chuyển thủ đô Nepal sau cái chết của một bé gái 12 tuổi giúp việc tại huyện Lalitpur.
Truyền thống lâu đời
Các hình thức lao động bóc lột tồn tại ở Nepal trong nhiều thế kỷ. Bắt đầu từ những năm 1950, người di cư từ các vùng khác của đất nước di chuyển đến chiếm đất thuộc sở hữu của cộng đồng dân tộc Tharu. Tharu bị buộc phải trở thành người lao động nông nghiệp cho chủ nhà mới và nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều cô gái Tharu 5 tuổi bị bán làm nô lệ để trả các khoản nợ.
Khi Nepal chính thức cấm tình trạng nô lệ vào năm 2000, ước tính có khoảng 200.000 người lao động từ 37.000 hộ gia đình được giải phóng, theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Giáo dục, một tổ chức phi chính phủ. Nhưng lệnh cấm của chính phủ tập trung chủ yếu vào những người đàn ông làm việc trong các trang trại, còn các cô gái làm nô lệ bị bỏ qua. Hơn 500 cô gái, đặc biệt là tại huyện Kailai và Kanchanpur phía Tây Nepal, vẫn đang bị ép lao động.
An Bình
(Theo CNN)