Ngoại giao láng giềng

Thứ hai, 25/08/2014 07:34

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và chính trị với Mông Cổ trong chuyến thăm lịch sử đến nước này, bắt đầu hôm 21-8, trong nỗ lực chứng tỏ sức mạnh "ngoại giao láng giềng" của Bắc Kinh.

Ngay khi ông Tập công bố chuyến công du Mông Cổ, đã có nhiều kỳ vọng đặt vào chuyến đi này khi đây là lần đầu tiên trong 11 năm qua, một nguyên thủ Trung Quốc tới quốc gia láng giềng này và là chuyến công du nước ngoài thứ 2 kể từ khi ông Tập lên nắm quyền hồi tháng 3-2013. Ngoài ra, năm nay đánh dấu 65 năm Trung Quốc và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây là chuyến thăm như mong đợi, tập trung chủ yếu vào quan hệ kinh tế, đặc biệt là về những gì mà trợ lý ngoại trưởng Lưu Kiến Siêu gọi là "hợp tác nhóm ba" trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng và tài chính cơ sở hạ tầng.

Trên thực tế, quan hệ kinh tế của Trung Quốc và Mông Cổ tóm tắt trong một câu của Tân Hoa Xã: "Trung Quốc cần than, dầu mỏ, khoáng sản và chăn nuôi từ Mông Cổ, trong khi Bắc Kinh có thể cung cấp cơ sở hạ tầng, tài chính, và hỗ trợ công nghệ cho nỗ lực hiện đại hóa của nước láng giềng".

Nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết về mạng lưới đường sắt, phát triển tài nguyên khoáng sản của Mông Cổ, và trao đổi tiền tệ. Hai nước cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng thúc đẩy thương mại song phương tổng giá trị 10 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2013 trị giá 6 tỷ USD). Đặc biệt, cả hai ký Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, động thái để đi sâu hợp tác quan trọng giữa hai nước láng giềng.

Thành công của chuyến thăm, vốn được thiết kế để làm nổi bật tầm quan trọng của Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước láng giềng phía bắc và xa hơn nữa là "ngoại giao khu vực lân cận".

Thành công này cho thấy, nó không chỉ có nghĩa như là một bước đột phá trong mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ mà còn được đánh giá là "chuyến đi điểm huyệt" của ông Tập, làm nổi bật tất cả các cách thức mà các nước láng giềng của Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của nước này.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng khác đang rơi vào căng thẳng, chuyến thăm đến Mông Cổ giúp chính quyền ông Tập gửi đi tín hiệu rằng, "Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và các nước láng giềng hãy yên tâm".

Với cái kiểu hay "nói không đi đôi với làm", chắc chắn khó có ai có thể yên tâm với sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Bắc Kinh hiện nay. Nhưng chuyến đi thành công đến Mông Cổ, tại thời điểm này, là đại diện cho tất cả những gì Bắc Kinh đang hướng tới - kiếm đủ lợi thế thương mại khu vực để có thể đứng vững trên tranh chấp với các nước láng giềng.

Thanh Văn