Ngoại ngữ - nỗi lo của sinh viên khi ra trường
(Cadn.com.vn) - Xã hội ngày càng phát triển, sinh viên (SV) có kiến thức ngoại ngữ (NN) tốt sẽ dễ dàng trong cơ hội tìm việc. Đã có những hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất nghiệp của giới trẻ do không đáp ứng được trình độ NN, tuy nhiên không phải ét-vê nào cũng ý thức được điều này. Một số bạn ra trường rồi lại hối hả đăng ký học tiếng Anh. Không ít tân cử nhân đã đánh mất những cơ hội việc làm chỉ vì vốn tiếng Anh quá nghèo nàn.
Chứng chỉ tiếng Anh - món nợ trót vay
Dù đã kết thúc quãng đời SV nhưng Văn Đức (quê Nông Sơn, Quảng Nam, SV ngành Kĩ thuật xây dựng- ĐH Bách khoa ĐN) vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp để đi xin việc vì còn nợ chứng chỉ NN (TOEIC 450). “Trong thời gian chờ thi lại, mình đã đăng ký ôn luyện tại Tung tâm Ngoại ngữ Thăng Long, lúc rảnh thì tham gia vào CLB tiếng Anh của trường để nâng cao kiến thức... Điều khiến mình tiếc nhất là bắt đầu học tiếng Anh quá muộn, nếu đầu tư hơn thì đến giờ đã khá hơn và cơ hội tìm việc cũng thuận lợi hơn”- Đức bộc bạch.
Còn Đoàn Thị Luật Thương (quê Quảng Điền, TT-Huế, SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) đang đau đầu vì trả nợ chứng chỉ TOEIC 400 điểm. Thương chia sẻ: “Thi 3 lần mà lần nào cũng chỉ đạt 300 đến 370 điểm. Nợ các môn khác cũng đã trả xong chỉ còn lại ngoại ngữ. Mình học nhiều, luyện nhiều mà thi mãi vẫn không đậu, không biết khi nào mới lấy bằng được”.
Vốn NN tốt sẽ giúp SV đáp ứng được chuẩn đầu ra trường ĐH và yêu cầu tuyển dụng vào công ty, doanh nghiệp, mở ra cánh cửa du học... Nhưng thực tế phần lớn SV có tâm lý là chỉ học để đối phó, đáp ứng chuẩn đầu ra của nhà trường. Họ cho rằng chỉ cần giỏi nghề là đủ, tiếng Anh chỉ phụ hoặc không có nhu cầu vào làm các công ty nước ngoài hay du học sau khi tốt nghiệp...
Điều này khiến họ đánh mất nhiều cơ hội mà nếu có NN có thể giành được. Nhiều SV có kiến thức chuyên môn tốt, nhưng phỏng vấn xin việc bị loại vì tiếng Anh không đạt chuẩn công ty yêu cầu. Tốt nghiệp bằng giỏi Khoa Tài chính- Ngân hàng, Thanh Tịnh (Q.Hải Châu, Đà Nẵng, SV Trường ĐH Kinh tế) đăng ký thi tuyển vào Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng với số điểm nghiệp vụ khá cao nhưng tiếng Anh lại không đạt nên bị các ứng viên khác vượt mặt vì họ có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt hơn.
Một tiết học Ngoại ngữ tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. |
Học nhiều vẫn yếu
Lâu nay việc học tiếng Anh được thực hiện ngay từ những năm đầu tiên và với SV chuyên ngành, việc học và rèn luyện Anh ngữ còn nhiều hơn nhưng ra trường tiếng Anh của SV vẫn yếu. Vậy đâu là nguyên nhân? Theo Th.s. Lê Đình Anh, Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ: “Nhiều bạn nghĩ mình không đủ vốn từ, trình độ nên không mạnh dạn khi giao tiếp hoặc sợ sai, hay mọi người cười... cho nên dù có hiểu lời giáo viên, bạn bè nói nhưng nhiều bạn vẫn chọn cách im lặng, lâu dần thành quen nên khả năng giao tiếp tiếng Anh rất hạn chế. Thêm vào đó các bạn ít đầu tư nghiêm túc cho môn học này mà chỉ học đối phó”.
Với mục tiêu phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho SV, năm 2014 các trường ĐH-CĐ thuộc ĐH Đà Nẵng đã công bố chuẩn đầu ra NN mới. TS. Lê Thanh Huy, Phó Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm ĐN cho biết: nhằm nâng cao chất lượng nhân lực đào tạo, tiếp cận với chuẩn trình độ khu vực và thế giới, nhà trường đã có công văn ban hành quy định về chuẩn NN đầu ra cho SV theo chuẩn B1 Châu Âu.
Điều này sẽ giúp SV định hướng rõ kế hoạch học NN. Nhưng một thực tế là kiến thức nền về NN của SV đặc biệt là SV quê nông thôn rất thấp (chỉ có khoảng 40% SV có thể theo học chương trình tiếng Anh ở Đại học, còn lại phải qua các lớp tiếng Anh dự bị). Vì vậy, SV cần xác định rõ tầm quan trọng của NN ngay từ đầu năm học nhằm tránh tình trạng “nợ” chứng chỉ sau khi ra trường.
Một số Ét- vê lại nhận thấy bản thân khó đạt chuẩn ngoại ngữ do nhà trường quy định nên tìm cách chạy “mua” bằng giả, nhờ thi hộ... để có thể tốt nghiệp. Hiện nay, xu hướng tuyển lao động có trình độ tiếng Anh tốt ngày càng phổ biến với nhiều tiêu chuẩn khác nhau như chứng chỉ B1 Châu Âu, TOEIC, EILTS...
Nâng cao kĩ năng tiếng Anh là yêu cầu cần thiết đối với SV để không bỏ lỡ cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí công việc tốt. Để nâng cao vốn ngoại ngữ, các bạn cần có sự đầu tư nghiêm túc, có thể tự học ngoại ngữ thông qua việc nghiên cứu trên sách vở, internet, tạp chí nước ngoài, hay đăng ký học tại các trung tâm Anh ngữ uy tín... Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, các bạn có thể tham gia vào các CLB Tiếng Anh nhằm trau dồi khả năng giao tiếp, nâng cao trình độ.
Nguyễn Việt Thành