Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng (11-1918 - 11-2018):

Ngòi bút của những mảnh đời cùng khổ

Thứ bảy, 03/11/2018 11:39

Còn nhớ lần đầu đến thăm trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TP Hải Phòng, chúng tôi tập trung chú ý nhất bức tượng chân dung nhà văn Nguyên Hồng được trưng bày ngay ở phòng khách. Tượng màu đồng, được khắc tạc giản dị đơn sơ nhưng ai cũng thích đứng gần chụp ảnh, bởi Nguyên Hồng không chỉ là tác giả nổi tiếng thời trước cách mạng với những tác phẩm Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Cửa biển..., mà còn từng là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Lần đó, tại buổi đón tiếp, giao lưu trò chuyện cùng đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng, ngoài những kỷ niệm về mối quan hệ đặc biệt  hai thành phố Đà Nẵng-Hải Phòng kết nghĩa, các anh chị văn nghệ sĩ Hội Liên hiệp VHNT TP Hải Phòng đã dành nhiều thời gian giới thiệu về Nguyên Hồng. Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ nói: "Nhà văn Nguyên Hồng thời đó có thể coi là "người cha tinh thần" của Hội VHNT Hải Phòng... Cụ đặc biệt gần gũi, thân tình với các cây bút trẻ". Anh cũng nhắc lại trong một bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phục có đoạn kể: "...có lần Hải Phòng mở khóa bồi dưỡng viết văn, có mấy giáo vụ như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn... Bố Hồng có thói quen đọc bài của học viên rất kỹ, sửa từng li từng tí một. Có hai học viên mà bố rất hâm mộ: một là anh Nguyễn Văn Lịch (Tiến sĩ Sử học của Đại học Sài Gòn), hai là anh Ngô Quy Nhơn (sau này làm Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng). Đọc bài của hai anh này, lúc nào bố Hồng cũng xuýt xoa "sao mà hay thế" và... khóc. Bố Hồng rất hay khóc. Đọc bất kỳ một bài viết nào của học viên mà gợi đến một kỷ niệm nào đó, bố khóc. Gặp ông bạn thân Kim Lân lên chơi, bố khóc. Thậm chí nhắc đến Hải Phòng, bố cũng khóc. Gần như không giờ lên lớp nào mà bố Hồng không khóc".

 

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, Nguyên Hồng mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Mẹ đi thêm bước nữa trước sự ruồng bỏ, hắt hủi, của gia đình nhà chồng, không cho gần con. Nguyên Hồng lớn lên bên cạnh bà và cô, hầu như thiếu tình yêu thương. Năm 16 tuổi khi mới học hết bậc tiểu học, ông theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo, rồi về Hà Nội công tác và sau đó "dứt áo" khỏi chốn thị thành thực hiện cuộc "xê dịch" cuối cùng về Bắc Giang. Tuy nhiên, Hải Phòng có thể được xem là quê hương thứ hai, nơi Nguyên Hồng đã gắn bó và trải qua những năm tháng hàn vi nhất của cuộc đời và cũng là mảnh đất tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nghiệp văn chương của ông. Chính tại nơi đây, ông đã có cơ duyên gặp Thế Lữ ở ngõ Nghè để rồi theo đuổi nghề văn từ đó. Năm 1936, truyện ngắn đầu tay Linh hồn của ông in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Nhưng ông chỉ thực sự gây tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết đầu tay "Bỉ vỏ" khi mới 19 tuổi. "Bỉ vỏ" được đánh giá là "bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn... "Bỉ vỏ" không chỉ có ý nghĩa là một giải thưởng văn chương danh giá của "Tự lực văn đoàn, 1937", mà điều quan trọng kể từ đó, tác phẩm đã xác lập vị trí, uy tín, danh tiếng của nhà văn Nguyên Hồng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Trong lời đề tựa cuốn "Bỉ vỏ", Nguyên Hồng viết: "Bỉ vỏ" đã viết xong trên một cái bàn kề khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của bãi đất lấp dở dang và chuồng lợn ngập ngụa phân tro; "Bỉ vỏ" đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; "Bỉ vỏ" đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo, âm thầm mà mọi vật như là rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dạt dào trong những bụi mưa thấm thía". Khi hoàn thành cuốn "Bỉ vỏ", ông đã kính dâng tặng mẹ: "Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng "Bỉ vỏ" cho mẹ với tất cả tấm lòng kính mến trong sạch của con và xin tặng nó cho bạn đọc với tất cả tình đằm thắm tươi sáng của tôi". Có thể nói, Hải Phòng cũng là nguồn cảm hứng để Nguyên Hồng viết thành công hàng loạt tác phẩm văn xuôi, trong đó có 4 tập bộ tiểu thuyết "Cửa biển" đồ sộ trong thời gian dài từ 1961-1976: "Sóng gầm" (1961), "Cơn bão đã đến" (1963), "Thời kỳ đen tối" (1973), "Khi đứa con ra đời" (1976) ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng gió. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, dài nhất của đời văn Nguyên Hồng. Và, có lẽ cũng là một trong những tiểu thuyết dài nhất của văn học hiện đại Việt Nam.

Thuở nhỏ, để kiếm tiền ăn học, Nguyên Hồng đã phải lăn lóc vào những trò đánh đáo, chung đụng với đủ hạng trẻ hư hỏng nơi đầu đường, xó chợ, vườn hoa, bến tàu, bến xe... Trong cuốn Bước đường viết văn (1970), Nguyên Hồng kể lại: "Tôi ra bến tàu to Sáu kho. Tôi sang nhà máy Xi-măng, sở dầu Thượng Lý. Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hóa, các bến ô-tô, tàu thủy, các kho hàng, các cửa hiệu, các tràn than, lán củi. Tôi đến tất cả xóm ngõ, đầu đường, nơi đi về đông đúc của phu phen thuyền thợ, để nghe ngóng hỏi han". Thật vậy, mỗi trang văn của Nguyên Hồng là mỗi trang đời thấm đẫm nước mắt số phận con người những năm tháng trước cách mạng-những người sống dưới đáy xã hội, những người nghèo, những thân phận bất hạnh, cô đơn, những con người yếu thế nhưng bao giờ cũng cố vươn lên đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình. Và nước mắt của nỗi khổ đau cùng cực luôn đi cùng con người và ẩn chứa cả tấm lòng cảm thông sâu sắc của một nhà văn lớn. Nhà văn Pháp Pierre Abraham, chủ biên Tạp chí Văn học Châu Âu rất ấn tượng với nhà văn Nguyên Hồng. Trong một lần sang thăm Việt Nam, ông đã nhận xét: "Nhà văn Nguyên Hồng đã mang đến tất cả phù sa quý giá của đồng ruộng ven sông Hồng. Sự giản dị đã làm nên nhân cách văn hóa của nhà văn Nguyên Hồng". Còn GS Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: "Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà văn, nhà thơ cần có ba yếu tố chủ quan: tài, trí và tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài, về trí. Đọc Nguyên Hồng, thấy tài và tâm, nhất là tâm, nổi lên hàng đầu.

Sau gần 50 năm miệt mài sống và viết, nhà văn Nguyên Hồng đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với hơn 40 tác phẩm văn học. "Núi rừng Yên Thế" viết về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám là bộ tiểu thuyết cuối cùng của ông còn dang dở. Năm 1981, tập 1 bộ tiểu thuyết này vừa in xong thì một năm sau, bệnh tai biến mạch máu não đã mang Nguyên Hồng ra đi quá đột ngột ở tuổi 64, để lại biết bao thương tiếc cho những người yêu văn chương ông.

TRẦN TRUNG SÁNG

Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918 tại TP Nam Định. Ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9-1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với các văn nghệ sĩ Học Phi, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Trần Huyền Trân... Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ngòi bút của Nguyên Hồng bênh vực người nghèo, những thân phận bất hạnh, cô đơn, những con người yếu thế nhưng bao giờ cũng cố vươn lên đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình.  Hơn 20 năm cuối đời ông đã về ở xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nguyên Hồng mất đột ngột vào năm 1982 do bị tai biến mạch máu não. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.