Ngôi làng "kết nghĩa"

Thứ tư, 03/06/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Khác với những bản làng xa xôi trên khắp dãy Trường Sơn, làng Ca Dong (thôn 3, xã Trà Giáp, H. Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có quan hệ bình đẳng nam nữ, không phân biệt đối xử con riêng, con chung, con nuôi, con đẻ... Và dù là người Kinh hay đồng bào từ khắp nơi đến đây, họ đều vui vẻ... kết nghĩa anh em.

Trên đường từ thị trấn Trà My lên trung tâm xã Trà Giáp,  chúng tôi tình cờ làm quen cô giáo trẻ Huỳnh Thị Bích Loan (24 tuổi). Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục kết nghĩa anh em của người Ca Dong ở đây, cô Loan cho biết hai năm trước cô đã kết nghĩa anh em với một người Ca Dong trong làng. Những ngày đầu mới lên đây "gieo chữ" với cô Loan có biết bao điều mới mẻ. Trong một tháng cùng lãnh đạo địa phương vào làng vận động học sinh đến trường, cùng ăn cùng ngủ với dân bản, cô giáo trẻ càng thêm quý mến ngôi làng xa xôi này. Cảm mến tấm lòng của cô giáo trẻ miền xuôi, anh Lê Văn Tân (36 tuổi ) người trong làng, được lãnh đạo địa phương và đồng bào trong làng giới thiệu, hai người đồng ý kết nghĩa anh em. Cô Loan tâm sự: "Từ lúc kết nghĩa với anh Tân, tôi thường xuyên ở lại làng dạy chữ cho trẻ con trong làng. Thông qua những buổi dạy học cùng các em, mình học được tiếng đồng bào, "tập" uống rượu cần như bao cô gái Ca Dong và còn theo đồng bào lên nương trồng trọt". Cô Loan luôn nhận được những lời chỉ dạy từ gia đình anh Tân để hiểu thêm phong tục, tập quán của đồng bào.

Hai anh em kết nghĩa: Ông Trần Ngọc Tuân và ông Nguyễn Xuân Âu (ngồi hàng đầu).

Vào nhà già làng Nguyễn Văn Khươm (98 tuổi), chúng tôi được già kể thêm về phong tục kết nghĩa của làng. Già Hươm bảo trước đây nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc. Bộ đội dưới xuôi lên hoạt động đều được già Khươm nuôi dưỡng, che giấu. Sau ngày giải phóng, có đồng chí tên Quý dưới xuôi tình nguyện kết nghĩa làm em trai của già Khươm. Đến nay, mỗi năm vài lần anh bộ đội đó vẫn đều đặn lên thăm dân làng. Làng Ca Dong có 4 nóc với 24 hộ dân sinh sống. Mỗi nóc có một người lớn tuổi đứng đầu. Bốn nóc họp thành một Hội đồng già làng, đứng đầu là  già Khươm. "Phong tục kết nghĩa anh em của người Ca Dong đã có từ lâu đời. Ngày xưa khi đồng bào Ca Dong sống thưa thớt trên những ngọn núi luôn bị thú dữ, thiên tai, bệnh tật đe dọa. Chính vì vậy, bà con phải tổ chức lập làng, sống cạnh nhau để giúp đỡ, hỗ trợ lúc khó khăn. Tục kết nghĩa anh em có lẽ bắt đầu từ đó"-già Khươm cho biết.

Hỏi kết nghĩa anh em nhiều như vậy có khi nào bị kẻ xấu lừa gạt không, già Khươm cười hào sảng bảo rằng người Ca Dong lấy lòng tốt đối đãi với người khác thì sẽ nhận lại được niềm hạnh phúc và may mắn trong cuộc sống. Ông Trần Ngọc Tuân, nhà ở thị trấn Trà My tâm sự: "Tôi kết nghĩa làm em của ông Nguyễn Xuân Âu (45 tuổi) hơn 10 năm rồi. "Nhập gia", điều đầu tiên tôi phải học là... ăn trầu, vì người Ca Dong từ trẻ nhỏ đến người già đều thích ăn trầu. Ngày xưa tôi sợ ăn trầu bao nhiêu thì giờ đây mình đâm ra "nghiện" bấy nhiêu. Người dưới xuôi và trên này có những tập quán khác nhau mà tôi và anh Âu luôn tìm điểm chung. Chính vì thế anh em tôi chưa bao giờ lớn tiếng cãi nhau".

Hằng năm, bà Lê Thị Đay đón rất nhiều anh em kết nghĩa ở xa về thăm.

Nhiều câu chuyện cảm động từ phong tục kết nghĩa anh em vẫn được những đứa trẻ trong làng kể lại cho những vị khách phương xa dừng chân tại làng. Trong đó có câu chuyện, vào đầu những năm 1980, khi đồng bào dân tộc ở  xã Trà Ka lâm vào cảnh mất mùa, đàn ông có sức khỏe thì bỏ làng mưu sinh, đàn bà con nít vào rừng hái rau, đào củ mài sống lay lắt qua ngày. Ông Lê Văn Tôi (69 tuổi) một người Ca Dong cũng nằm trong số đàn ông rời làng ra đi. Ông Tôi lang thang khắp nơi, rồi tình cờ đến thôn ba trong tình cảnh ốm yếu do đói ăn. Được sự giúp đỡ của bà Lê Thị Đay (78 tuổi), ông Tôi vượt qua cơn khốn khó. Tâm nguyện khi lành bệnh của ông là được sống tại làng và kết nghĩa cùng bà Đay. Tối hôm đó, được sự đồng ý của già Khươm, lễ kết nghĩa ấm cúng được diễn ra trước sự có mặt đông đủ của bà con. "Từ ngày gia nhập làng, tôi được mọi người góp sức dựng cho một căn nhà sàn, cho đất làm nương, đào ao thả cá. Mới đây tôi quay về quê cũ, người dân ở đó ai cũng vui mừng vì tôi còn mạnh khỏe và bất ngờ hơn nữa khi biết tin tôi có một gia đình mới", ông Tôi tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Hiệp, Chủ tịch xã Trà Giáp cho biết: "Trước đây, những người  lớn tuổi trong làng có lập một quy ước: Qua 7 đời con cháu của những người kết nghĩa mới được kết hôn. Đã là anh em trong nhà phải yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, không gây gổ, xích mích. Bên cạnh đó những người bà con đã kết nghĩa ở xa mỗi năm thường quay về làng gặp mặt một lần trong những ngày tết lớn của đồng bào".

Long Hữu