Ngôi trường đẹp nhất vùng sâu Tây Nguyên

Thứ sáu, 15/01/2016 12:10

(Cadn.com.vn) - Khi con gà rừng vẫn chưa thức giấc, ông trăng vẫn chưa lặn sau dãy núi, những thầy, cô đã nai nịt gọn gàng để vượt cả chục cây số đường rừng đưa các em đến trường. Con đường trơn trượt, những dốc cao dựng đứng, những con suối đầy đá lởm chởm vẫn không thể ngăn được tâm huyết của thầy hiệu trưởng và giáo viên nơi có ngôi trường được xem là đẹp nhất vùng sâu cao nguyên này.

3 giờ sáng, thầy Tuấn đến nhà để đưa em In về trường học. 

Tìm học sinh từ nửa đêm

2 giờ sáng, cái lạnh và sương mù bao trùm Đăk Roong (xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của H. Kbang, Gia Lai), thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Đăk Roong đã đánh thức chúng tôi dậy. Đôi mắt vẫn chưa mở nổi nhưng chúng tôi cũng tỉnh giấc khi nghe thầy giới thiệu về chuyến đi... tìm học sinh về học. Bởi đêm qua, ngồi trò chuyện, thầy day dứt khi vẫn còn một số em vừa vào lớp 1 chưa quen môi trường mới đã “trốn” lên luôn nhà đầm (nhà rẫy của người dân ở trong rừng) mà không chịu đến trường. 2 tối liên tục, thầy hiệu trưởng cũng như các thầy khác lên tận nhà để chở các em về học nhưng vẫn không tìm thấy, còn phụ huynh cũng không biết con mình đi đâu.

Chuẩn bị xong, chúng tôi cùng thầy Tuấn và thầy Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch công đoàn trường phóng xe máy đi giữa cái rét buốt của vùng sâu, sương mù dày đặc thẳng tiến làng Đăk Hro – nơi còn 8 em học sinh lớp 1 đang “trốn” trường. Đêm trước, nhờ làm tốt công tác vận động, thầy Tuấn đã được trưởng làng “mật báo” các em học sinh này đang ở đây. Con đường vào làng Đăk Hro chỉ vừa 1 chiếc xe máy đi, cứ xuống dốc lại lên dốc, dù trời lạnh buốt nhưng mồ hôi toát ra vì những lần xe máy trượt ngang bởi con đường lầy lội. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, những ngôi nhà tre, nứa tạm bợ của dân làng Đăk Hro hiện ra mờ mờ trong đêm.

Gần sáng, các em được thầy, cô đưa về trường bằng xe máy. 

Tắt ổ khóa điện, thầy Tuấn quay lại cười, nói: “Mình nói nhỏ thôi chứ mấy em biết thầy lên tìm về đi học là trốn mất! Đây là một số em vừa mới vào lớp 1 nhưng trước đó các em không được học mẫu giáo nên đến lớp, đến trường là môi trường khác hoàn toàn nên không quen. Dù phụ huynh ủng hộ nhưng gia đình họ khó khăn, suốt ngày làm rẫy nên không có điều kiện đưa con, em đến trường. Mà họ cũng không có xe máy mà đưa con đi nữa. Chỉ cần khoảng 5 giờ sáng là các em đã dậy và đi vào rẫy, vào rừng chơi, đến bố, mẹ cũng không tìm thấy nên chỉ có giờ này mới “bắt” được thôi!”.

Trong căn nhà tuềnh toàng, em Đinh Văn In cùng bố, mẹ vẫn còn say giấc nồng. Ánh đèn pin chiếu vào thấy In đang say ngủ, gương mặt thầy Tuấn và thầy Linh mừng vui. Lay nhẹ, thầy Tuấn gọi: “In, dậy theo thầy về đi học nào!”. Vẫn đang còn chưa tỉnh ngủ nhưng In vội choàng dậy khi nghe tiếng thầy Tuấn, mắt nhắm mắt mở quờ tay tìm đôi dép và chiếc áo để đến trường. Như một người bố ân cần, thầy Tuấn mặc áo vào cho In rồi bế em xuống nhà sàn, tiếp tục đi tìm các em khác, và thầy cũng đã tìm được thêm 6 em học sinh nữa là Đinh Văn Hợp, Đinh Văn Khay, Đinh Thị Huey, Đinh Thị Khoi, Đinh Thị Choei và Đinh Thị Thei.

Khổ nhất là đi tìm em Đinh Văn Eu khi bố, mẹ của em cũng không biết con mình đi đâu. Vừa dắt các em theo qua các con suối, đường trơn trượt, 2 thầy tiếp tục vượt quãng đường lên dọc vách núi, nơi em Eu đang nằm ngủ ở nhà đầm của một người dân trong làng. Trong căn nhà chênh vênh, đơn sơn bên cánh rừng, Eu vẫn đang ngủ say sưa với chiếc áo trắng đã nhuốm đủ thứ màu.

Ngôi trường có cả sân bóng cỏ nhân tạo để các em vui chơi. 

Những người “bảo mẫu”

6 giờ sáng, người trong làng đã lục tục kéo dậy cũng là lúc các thầy đã tìm được 8 em học sinh và “hộ tống” về trường. Bám chắc người thầy, các em học sinh được thầy Linh, thầy Tuấn đưa về bằng xe máy. Đến nơi, thầy, cô lại tất bật đưa các em ra bể tắm rửa cho sạch bùn đất. Nửa tiếng sau, 8 em học sinh đã tươm tất, sạch sẽ trong những bộ quần áo, dép mới.

Dạo một vòng, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước khuôn viên sạch sẽ, đẹp của một ngôi trường vùng sâu. Những căn nhà sàn, lối đi, nhà ăn, kể cả sân bóng cỏ nhân tạo là công sức, tiền bạc của giáo viên nhà trường và đóng góp của phụ huynh học sinh. Khắp nơi không một cọng rác bởi sau khi thức dậy, các em học sinh tự giác dọn dẹp nơi ngủ, vệ sinh cá nhân và sân trường, lớp học. Những chiếc dép được để ngay ngắn, chăn, mền được xếp vuông vức không khác như doanh trại quân đội thu nhỏ. Nhiều người đến đây đã không khỏi ngạc nhiên bởi khuôn viên sạch đẹp, sự ý thức, nề nếp của học sinh, lòng tâm huyết của các giáo viên đã ví von là ngôi trường đẹp nhất ở Tây Nguyên này!

Để có được ý thức đó cho các em là cả một quá trình của những thầy, cô giáo vừa dạy học vừa kiêm “bảo mẫu” ở đây. Nhớ từ ngày đầu thành lập từ năm 2011, Trường PTDTBT Tiểu học Đăk Roong đối mặt với muôn vàn khó khăn khi cơ sở vật chất đều thiếu, dân trí thấp và các em ở độ tuổi còn nhỏ và đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày đầu, việc duy trì đều sĩ số là điều trăn trở của thầy Tuấn khi được phân công làm hiệu trưởng nhà trường. “Ngày mới về, chỉ có vài chục em đến lớp. Được sự vận động tích cực, các em cũng dần đến lớp, đến trường. Trong khi đó, gần 95% các em là người Ba Na nên từ bán trú chúng tôi dần chuyển sang như nội trú, bởi các em quá nhỏ để đi, về trong ngày với quãng đường đến hàng chục cây số. Thế nên, chiều chủ nhật, thầy cô phải đến tận làng để đón các em về học, đến thứ sáu các em ở xa lại được thầy, cô đưa về tận nhà”, thầy Tuấn chia sẻ. Nhờ cách làm này, 2 năm sau, nhà trường luôn duy trì sĩ số đạt gần 99%.

Từ cách cầm đũa, ngủ trên giường đến cách vệ sinh cá nhân, các em đều được thầy, cô hướng dẫn từng li, từng tí. Bởi trước nay, các em cũng chỉ quen ăn bốc, ngủ giữa sàn, đi vệ sinh là cứ... ra rừng. Đến những hôm các em đau ốm, thầy cô thức trắng đêm chăm sóc... Em Đinh Thị Hay (làng Đăk Trum, xã Đăk Roong, học sinh lớp 5D) nói: “Em thích đi học hơn thích đi nhà đầm. Đi học vui, có nhiều bạn, có thầy, cô chăm sóc, được ăn ngon hơn ở nhà!”.

Thế nhưng, vẫn còn đó bao khó khăn khi phòng hiệu bộ, lớp học vẫn đang thiếu; phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình; thầy, cô phải tự bỏ tiền túi đổ xăng, sửa xe bất kể mưa hay nắng đón đưa các em đến lớp, đến trường... Có về đây mới hiểu được nỗi lòng, sự vất vả của những người đang ngày đêm âm thầm “gieo chữ”.

Minh Tân