Ngổn ngang trước mùa mưa bão (Kỳ 1: Ách đường vì vướng… thủ tục đầu tư)

Thứ bảy, 18/09/2021 18:04

Cuối tháng 10-2020, một số xã vùng cao của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) như Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc... bị sạt lở thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Hàng trăm ngôi nhà bị sạt lở, vùi lấp, cuốn trôi, đến nay vẫn còn 11 người bị vùi lấp chưa được tìm thấy; đường xá, cầu cống bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên đã gần 1 năm qua, đến nay hàng chục hộ dân vẫn chưa có nhà mới để ở; những tuyến đường huyết mạch vẫn chưa được sửa chữa, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang khiến người dân bất an, lo lắng.

Những đoạn đường, cầu cống đi các xã vùng cao huyện Phước Sơn bị hư hỏng từ tháng 10-2020 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

* Tháng 12-2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3539/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp sạt lở tuyến đường ĐH1 (Phước Kim - Phước Thành) và tuyến đường ĐH2 (Phước Thành - Phước Lộc) của huyện Phước Sơn do ảnh hưởng của thiên tai. UBND tỉnh giao UBND huyện Phước Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng có đủ năng lực để tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các dự án khẩn cấp nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuyến đường ĐH1 dài 40km, đi qua 4 xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành. Trong đó đoạn Phước Kim - Phước Thành dài 10km bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt lở cuối năm 2020 với 23 điểm hư hỏng; 4 cống tròn, 5 cầu bản bị lũ cuốn trôi, mặt đường bong tróc, rãnh dọc hư hỏng hơn 90%... Đối với tuyến đường ĐH2 (Phước Thành - Phước Lộc) dài 10,21km, với hơn 30 điểm sạt lở; 5 cầu bản và 2 cống tròn bị cuốn trôi hoàn toàn; hư hỏng toàn bộ đoạn tuyến dài khoảng 500m và một số cống tròn trên tuyến; mặt đường, rãnh dọc hư hỏng hơn 5.000m, hư hỏng taluy đường dài khoảng 1.000m. Riêng đường ĐH5 đi từ xã Phước Công qua xã Phước Lộc cũng bị chia cắt bởi hàng loạt điểm sạt lở…

Trước những thiệt hại trên, sau đợt mưa lũ, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng mới tổ chức khơi thông tuyến, khắc phục tạm các cầu, cống hư hỏng để cho xe cơ giới có thể qua được. Từ đó đến nay, việc khắc phục, sửa chữa tổng thể các tuyến đường này chưa được triển khai do vướng… thủ tục đầu tư.

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, sau cơn bão số 9 năm ngoái, tuyến đường huyết mạch lên các xã vùng cao bị tàn phá nặng nề, trong đó có đoạn đi qua xã Phước Thành. Việc đi lại của người dân gần năm qua hết sức khó khăn, bởi cầu cống hư hỏng, những đoạn sạt lở vẫn chưa khắc phục xong. “Gần năm qua, người dân vẫn đi lại trên tuyến đường đầy hiểm trở, lội bộ vượt sông suối vì cầu cống hư hỏng. Rủi ro từ việc đi lại này rất lớn, nhất là trong thời điểm vùng cao liên tục xuất hiện mưa lớn. Chính quyền và người dân mong nhà nước sớm đầu tư khôi phục tuyến đường để việc giao thương, cấp cứu người bệnh khi ốm đau, học sinh đến trường... được thuận lợi hơn”- ông Phức nói.

Vì chưa được khắc phục kịp thời nên vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, hàng loạt các điểm trên tuyến ĐH1, ĐH2, ĐH5 bị chia cắt do mưa lũ, người dân không thể đi lại được. Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày mưa lũ vừa qua, các tuyến đường liên xã trên bị sạt lở chia cắt một số điểm tại các xã Phước Công, Phước Kim; cầu Đắk Mét xã Phước Lộc bị ngập không lưu thông được; tuyến ĐH5 Phước Công - Phước Lộc bị sạt lở mới nhiều điểm, đoạn đường ĐH 1 qua trung tâm xã Phước Thành nước chảy ngập nửa mét bị chia cắt, chính quyền địa phương phải cử lực lượng chốt chặn không cho phương tiện qua lại... Trước tình hình trên, ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục chốt chặn tại các tuyến đường ĐH bị sạt lở, nguy cơ mất an toàn để không cho người dân qua lại. Đối với những hộ dân bị cô lập, chính quyền địa phương đã làm dây cáp để tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết.

Ngoài ra, dọc các tuyến ĐH trên hiện vẫn có hàng chục đoạn đường bị lũ và sạt lở đất cắt đứt nền móng chưa được khắc phục. Để đảm bảo việc đi lại, chính quyền địa phương triển khai phương án mở đường tạm, đồng thời cắm biển cảnh báo dọc các điểm đường cụt bị cắt đứt. Bên cạnh đó, những điểm taluy dương với hàng loạt khối đất đá đang treo lơ lửng, uy hiếp người đi đường vẫn chưa được xử lý triệt để…

Vì sao đến nay việc khắc phục, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng vào cuối năm 2020 vẫn chưa được triển khai? Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, để một dự án đầu tư công hoàn thiện tất cả mọi thủ tục như: thiết kế, đấu thầu, mời thầu, đấu giá công khai qua mạng… thì mất hơn 400 ngày, nghĩa là hơn 1 năm. Vậy tại sao không đưa các công trình đó vào diện đầu tư khẩn cấp? Ông Trung cho rằng: “Thường thì sau 7 ngày xảy ra sự cố do thiên tai thì phải ban bố tình trạng báo động khẩn cấp. Nhưng thời điểm đó tất cả các lực lượng địa phương đều lo cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm người mất tích nên không ai chú ý đến việc này. Qua 7 ngày thì không còn được nữa, tất cả những công trình xây dựng phải đưa vào mục đầu tư công. Mà thủ tục của đầu tư công thì phải đảm bảo đầy đủ các bước theo quy định. Nếu nhanh thì phải đến cuối năm nay các thủ tục liên quan đến việc tu sửa các tuyến đường này mới có thể hoàn thiện, qua năm 2022 mới triển khai tu sửa được. Theo dự toán, tổng vốn để khôi phục, sửa chữa hư hỏng của các tuyến đường này khoảng 500 tỷ đồng”.

Ông Trung cũng cho rằng, với những hư hỏng, đứt gãy có sẵn ở các tuyến đường trên thì chắc chắn mùa mưa bão sắp tới sẽ xảy ra sạt lở ở những điểm này. “Huyện đã vận động phương tiện của các doanh nghiệp đang đóng trên từng địa phương sẵn sàng thông đường mỗi khi xảy ra sạt lở, cố gắng để không bị cô lập trong thời gian quá lâu. Bên cạnh đó, UBND huyện đã giao cho Phòng Kinh tế - hạ tầng khảo sát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở và cắm biển báo trước ngày 30-9. Đồng thời rà soát các điểm thường xuyên sạt lở, khoét hàm ếch trên các tuyến đường này để có giải pháp xử lý tạm. Ngoài ra, địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí dự phòng từ ngân sách của huyện với phương châm “hư tới đâu sửa chữa tới đó” để đảm bảo đi lại an toàn cho nhân dân sau các trận mưa lớn”- ông Trung nói.

(còn nữa)

BÃO BÌNH