Ngư dân nhớ biển vì không vay được vốn đóng tàu

Thứ sáu, 01/09/2017 13:37

Xã Bình Minh (H. Thăng Bình, Quảng Nam) là một địa phương nổi tiếng với nghề đánh bắt hải sản, nơi có lực lượng lao động nghề biển dồi dào và có kinh nghiệm. Năm 2014, khi Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá, nhiều ngư dân xã Bình Minh được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh sách vay vốn đã hoàn chỉnh hồ sơ với hy vọng sẽ được làm chủ những con tàu mới, hiện đại để vươn khơi. Thế nhưng, thời gian qua những ngư dân này vẫn quẩn quanh với "đống" giấy tờ và chẳng thể tiếp cận với nguồn vốn vay.

 Những tấm bằng thuyền trưởng, thuyền viên đã lâu không được sử dụng.

Hơn 2 năm qua, ông Nguyễn Văn Cứ  (1957), một ngư dân dày dạn kinh nghiệm ở thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh) chỉ quẩn quanh ở nhà phụ vợ nấu rượu, nuôi heo vì ngân hàng chưa chịu giải ngân để ông đóng mới tàu vỏ sắt. Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc ông cùng một số ngư dân khác tại xã Bình Minh có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt cho phép vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 nên ông quyết định bán chiếc tàu chụp mực có công suất 450CV với số tiền 1,1 tỷ đồng để lấy vốn đối ứng và kinh phí thực hiện việc thiết kế, làm hồ sơ vay... Do không có tàu để vươn khơi, bám biển, anh Nguyễn Văn Khương (1986, con trai ông Cứ) là thuyền trưởng phải đi đánh bắt thuê. Cùng cảnh ngộ như ông Cứ, anh Trần Văn Thanh (1967, trú thôn Tân An, xã Bình Minh) cũng đã nhận được quyết định phê duyệt vay 14 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép có công suất hơn 822 CV nhưng vẫn chưa được tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Sau khi bán con tàu vỏ gỗ cũ được 820 triệu đồng nhưng không vay được vốn để đóng tàu vỏ sắt, dù rất nhớ biển, nhớ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nhưng anh đành gác lại, mua xe du lịch chạy dịch vụ kiếm cơm qua ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 vừa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào cuối tháng 4-2015, toàn xã Bình Minh có 10 chiếc với tổng kinh phí dự kiến hàng trăm tỷ đồng. Sau khi biết tin mình có tên trong danh sách, nhiều ngư dân đã tự bỏ tiền để tham quan học tập cũng như thuê đơn vị thiết kế con tàu, tự tổ chức đưa ngư dân vào đào tạo chứng chỉ hành nghề tại Đại học Thủy sản Nha Trang, tạm ứng cho mỗi lao động 20 triệu đồng/1 năm và tạm ứng 5% vốn đối ứng cho ngân hàng để làm tin. Thế nhưng đến nay, 9 người vẫn chưa có một thông báo nào từ các ngân hàng để ngư dân yên tâm bám biển.

Ngư dân Lê Đức Rí (1957, trú Bình Tân, xã Bình Minh) tâm sự: "Biết mình có tên trong danh sách được vay, tôi quá mừng nên vội bán chiếc tàu gỗ cũ để lấy tiền trang trải các chi phí và mơ ước một ngày mình có thể ra khơi với chiếc tàu vỏ sắt, hiện đại... để có thể khai thác nhiều hải sản đem nguồn lợi về cho gia đình và xã hội. Điều mơ ước nhất là với những chiếc tàu vỏ sắt, công suất lớn, chúng tôi có thể vươn khơi xa, làm chủ vùng biển quê hương, không còn sợ tàu nước ngoài bắt nạt, không sợ bão tố...". Ngoài các ông Cứ, Thanh, Rí tại xã Bình Minh còn có nhiều ngư dân lâm vào cảnh "nhớ biển" vì "trót" được UBND tỉnh Quảng Nam duyệt tên vào danh sách được vay tiền đóng mới tàu, như: ông Trần Công Phô, Phạm Phú Thành, Trần Công Mậu, Trần Anh...

Ngày 29-8-2017, làm việc cùng chúng tôi, ông Trương Công Bảy- Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết: Việc các ngân hàng chậm giải ngân cho các ngư dân vay tiền đóng mới tàu theo Nghị định 67/CP, địa phương có báo cáo cấp trên và UBND H. Thăng Bình đã tổ chức buổi làm việc cùng các ngân hàng nhưng họ chỉ hứa sẽ xem xét nên không biết đến bao giờ những ngư dân này mới tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân việc các ngân hàng "e ngại" cho các ngư dân Bình Minh vay vốn vì lý do: Các ngư dân này chuyên hành nghề lưới rê, hiệu quả đánh bắt hải sản không cao, khó thu hồi vốn.

Theo ông Hồng Quốc Cường- Chủ tịch UBND H. Thăng Bình: Ngoài việc xét duyệt danh sách được vay, tỉnh Quảng Nam tổ chức giới thiệu 21 thiết kế mẫu tàu vỏ thép đã được phê duyệt, công bố 7 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn, hướng dẫn cách thức thực hiện điều chỉnh thiết kế theo quy định để các chủ tàu lựa chọn... Tuy nhiên, việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các ngân hàng còn nhiều khó khăn do chưa thống nhất về cách tính toán, đánh giá phương án vay vốn. Các Ngân hàng thương mại chưa đưa ra một quy trình thẩm định cho vay chung nên việc triển khai ở địa phương gặp nhiều lúng túng trong việc hướng dẫn hồ sơ, thủ tục...

Theo chúng tôi, vì lý do nào đó cũng cần phải xem xét, khắc phục. Vì, với những ngư dân vùng biển xã Bình Minh nói riêng và H. Thăng Bình nói chung đang rất cần những đồng vốn từ các ngân hàng. Ngư dân không ra khơi cũng đồng nghĩa với đời sống của gia đình họ sẽ đối mặt với khó khăn, trong khi đó mục tiêu cuối cùng của Nghị định 67/CP cũng không ngoài việc nâng cao hiệu quả của nghề cá và thu nhập cho ngư dân.

M.T