Ngư ông đắc lợi

Thứ hai, 11/08/2014 07:43

(Cadn.com.vn) - Quân đội Mỹ ngày 10-8 tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.           

Đây là đợt không kích thứ 3 của quân đội Mỹ nhằm vào IS kể từ khi Tổng thống Barack Obama phê chuẩn biện pháp này. Các dấu hiệu cho thấy, những cuộc oanh kích thành công trong việc phá hủy các xe bọc thép của IS.

Rõ ràng, các cuộc tấn công đang dần giúp đẩy lùi được thế tiến công của IS, giúp bảo vệ các lợi ích của người Mỹ và đặc biệt là giúp chính quyền Baghdad nhanh chóng lấy lực chiếm lại một số thành trì quan trọng. Tuy nhiên, có một "ngư ông đắc lợi" khác trong tình huống "Mỹ giúp Iraq ổn định" mà ít ai biết được: đó là Trung Quốc.

Quyết định của Tổng thống Obama ban đầu gây ra các cuộc thảo luận đầy tranh cãi trên toàn thế giới, tất nhiên gồm cả Trung Quốc. Bắc Kinh có lợi ích lớn ở Iraq, và có thể được hưởng lợi nếu Mỹ giúp đẩy lùi IS.

Nhưng cái khó là Bắc Kinh thường không chấp nhận sự can thiệp của Washington vào công việc các nước khác, đặc biệt là hành động quân sự  như thế này. Vì thế, phản ứng của Trung Quốc hiện nay là trung lập.

Đầu tiên, China Daily dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh "có thái độ cởi mở đối với bất kỳ hành động nào tạo điều kiện bảo đảm an ninh và ổn định ở Iraq và điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền Iraq".

Nói cách khác, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phán quyết đối với các cuộc không kích của Mỹ cho đến khi nó trở nên rõ ràng hơn dù các cuộc tấn công này đang thực sự giúp Bắc Kinh đạt được hai mục tiêu: bảo đảm chủ quyền Iraq và cải thiện tình hình an ninh nói chung.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ rằng, việc không kích của Mỹ sẽ không đủ lực để đánh bại IS. Các nhà phân tích của Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - cảnh báo, IS có thể sẽ bị kích động hơn, dẫn đến bạo lực nhiều hơn. Tân Hoa Xã dự đoán, ông Obama sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa phá vỡ cam kết không gửi binh sĩ hoặc để IS tiếp tục tác oai tác quái.

Người Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, các cuộc tấn công quân sự không thể giải quyết vấn đề gốc rễ của cuộc khủng hoảng Iraq. Chỉ có giải pháp chính trị, một trong đó là đoàn kết chính phủ đang bị chia rẽ của Iraq, mới có thể chấm dứt bạo lực. Về điểm này, giới truyền thông Trung Quốc và Tổng thống Obama đồng nhất.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tân Hoa Xã chỉ trích các cuộc không kích của Mỹ, họ đồng thời tấn công ông Obama là "phản ứng yếu ớt" với cuộc khủng hoảng Iraq. Kỳ lạ thay, nhiều bài phân tích của Tân Hoa Xã dường như cho rằng, ông Obama nên can thiệp sớm hơn, chứ không phải là không can thiệp gì cả.

Sự mâu thuẫn này phản ánh lợi ích hỗn hợp của Trung Quốc tại Iraq. Về nguyên tắc, Trung Quốc chống lại sự can thiệp quân sự trong tranh chấp dân sự của các nước khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lợi ích riêng khi nhìn thấy cuộc khủng hoảng Iraq được giải quyết nhanh chóng - trong số đó là bài toán hàng ngàn công nhân người Trung Quốc vẫn còn ở lại Iraq.

Nói chung, Trung Quốc có nhu cầu ngày càng cấp bách là ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cho các cuộc tấn công gần đây trên đất Trung Quốc. Một chiến thắng của IS sẽ là thảm họa đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cho đến nay, đóng góp của Trung Quốc đối với việc thúc đẩy sự ổn định ở Iraq vẫn rất hạn chế. Mỹ can thiệp quân sự có thể mang lại hòa bình, ít nhất là trong ngắn hạn ở Iraq. Và có lẽ quan trọng hơn, chính Baghdad đã yêu cầu Mỹ can thiệp quân sự, một sự khác biệt quan trọng so với 11 năm trước.

Và cuối cùng, việc ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ ở nước thứ ba đi ngược lại hoàn toàn với chính sách của Bắc Kinh.  Nhưng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục xấu đi, Trung Quốc sẵn sàng chờ đợi và xem nếu sự can thiệp của Mỹ thực sự giúp ích cho người dân ở quốc gia Trung Đông này.

Trong ý  nghĩa nào đó, quyết định của ông Obama là chiến thắng kép cho Trung Quốc. Nếu các cuộc không kích thành công, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ môi trường an ninh cải thiện, giúp công nhân ổn định và đảm bảo nguồn dầu cho Bắc Kinh. Nhưng nếu quyết định của Tổng thống Obama phá sản, và Iraq chìm sâu vào hỗn loạn, Bắc Kinh sẵn sàng ngon ngọt: "Tôi đã nói trước rồi mà"!

Thanh Văn