Ngược chiều nước mắt (Kỳ 1: Tận cùng nỗi đau)
Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Trị là một trong những nơi phải hứng chịu một lượng lớn chất diệt cỏ trong đó chủ yếu là chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống. Hậu quả của nó để lại thật nặng nề với gần 16 ngàn trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chất độc da cam. Hơn 40 năm chiến tranh đã lùi xa nhưng đến hôm nay, niềm đau thương nhức nhối vẫn gọi tên nạn nhân da cam. Biết bao gia đình đến thế hệ thứ 2, thứ 3 vẫn phải hứng chịu di chứng bởi loại chất độc hóa học này.
Em Đỗ Đức Duyên với khuôn mặt dị dạng do di chứng chất độc da cam. |
Trưa nắng, vừa dắt chiếc xe đạp chất đầy bao bì, lon, chai phế liệu đến sân, chị đã nghe tiếng ú ớ trong nhà. Chị thả chiếc xe ngã nhào, mặc các thứ lăn lông lốc, chạy ào vào sà xuống bên giường, kêu lên: "Duyên ơi Duyên, mạ về rồi đây". Trên giường là một hình hài tật nguyền đang quẫy đạp, huơ tay lên không trung như muốn tìm hơi ấm của mẹ. Quýnh quáng ôm con, cứ thế mồ hôi, nước mắt người mẹ rơi xuống hốc mắt trống hoác của đứa con...Bất ngờ chứng kiến cảnh ấy của mẹ con chị Hồ Thị Hương (1966, trú đường Thạch Hãn, P.3, TX Quảng Trị), chúng tôi lặng người đi. Năm 1994, vợ chồng chị Hương đón con gái đầu lòng, càng lớn càng xinh xắn bao nhiêu thì cháu khờ khạo bấy nhiêu. Năm 1997, vợ chồng chị quyết định sinh thêm con thứ hai. Cả tuần sau khi sinh đứa con trai nặng hơn 3kg, chị được chăm sóc đặc biệt riêng còn người nhà thay nhau chăm bé. Chị mong từng ngày về gặp con. Chị nhớ hôm ấy nhìn dáng vẻ người thân lo lắng đón chị trong nỗi câm nín không thể giãi bày đã linh tính điều không lành. Và đúng như dự cảm, khi bước vào nhà, nhìn thấy đứa con bé bỏng với khuôn mặt quái dị, chị ngã xuống ngất lịm. "2 ngày sau, tôi mới qua cơn hoảng loạn. Ẵm con vào lòng, tôi lại càng thương con xé ruột gan", chị Hương nhớ lại ngày đau đớn của 21 năm trước. Con trai chị, cháu Đỗ Đức Duyên bị khuyết tật là do nhiễm chất độc da cam từ chồng chị từng có thời gian đi bộ đội đóng quân tại sân bay Pleiku (Gia Lai), là nơi đầu tiên chiếc H34 của Mỹ chở chất dioxin tập kết về đây vào năm 1961, để đến 10-8 năm đó, chúng bắt đầu rải thứ chất hủy diệt này lên Tây Nguyên rồi lan rộng ra nhiều vùng miền khác. Chồng chị đau ốm thường xuyên, mắc ung thư rồi bỏ lại mẹ con chị ra đi.
25 tuổi, Trường vẫn là đứa trẻ ngô nghê. |
"Duyên không ngồi được, chỉ nằm thôi. Nó toàn ngủ ban ngày, những lúc đó tôi tranh thủ ra đầu kiệt xóm nhặt lượm ve chai hay làm thuê theo giờ kiếm thêm thu nhập. Đến đêm con không ngủ, mình cũng phải thức theo. Còn đau ốm thì khỏi nói, triền miên rứa. Năm 2014 Duyên được một nhà hảo tâm tại Nhật đưa sang Đài Loan phẫu thuật, cắt bớt khối não mọc lồi như "cái đầu" thứ 2. Rồi phẫu thuật cả mũi, tuy không có sụn nhưng nhìn đỡ hơn trước rồi", chị Hương nghẹn ngào kể... Chị Hương cũng cho hay ngôi nhà mấy mẹ con chị đang ở là của một cán bộ CA cho mượn 10 năm qua. "Chú ấy là Lê Xuân Thiện, trước đây làm ở CATX Quảng Trị, chừ nghe mô chú về hưu rồi chuyển ra Đông Hà sinh sống. Nhờ lòng tốt của gia đình chú ấy mà mấy mẹ con có nơi tá túc đàng hoàng", chị Hương nói về ngôi nhà cấp 4 vững chãi nhận được từ lòng tốt của người chiến sĩ công an.
Ngược lên vùng Cùa (H.Cam Lộ), đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Lộc (74 tuổi) và bà Lê Thị Mít (71 tuổi) tại thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, chúng tôi lại chứng kiến một hoàn cảnh bi đát. Ông bà có đứa con trai út 25 tuổi, ngây ngây dại dại vì nhiễm chất độc da cam. Trước Trường còn có 2 người anh trai đã mất vì nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông Lộc không biết tự bao lâu không thể khóc được nữa. Họ thay nhau trên ruộng rẫy, quần quật tối ngày để đủ bữa cho con. Ông Lê Văn Dăng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị cho hay, gia đình có từ 2 người trở lên nhiễm chất độc da cam tại Quảng Trị lên đến con số gần 5.000. Có nhà đến 4 người con mang dị tật.
Bà Nhi trở thành người mẹ tuyệt vời của Yến 40 năm qua. |
... Yến sinh vào mùa xuân năm 1975, trong niềm vui khôn tả của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Phiên tại k.p4, P.3, TX Quảng Trị. Ai ngờ vừa lọt lòng, Yến đã bị bại não, nằm một chỗ do nhiễm chất độc da cam từ mẹ khi tham gia chiến đấu tại miền tây Hướng Hóa, nơi hứng chịu những trận rải da cam dày đặc của địch. 3 năm sau, mẹ Yến qua đời vì ung thư. Ông Phiên phải đi làm kiếm tiền, việc chăm sóc Yến giao lại cho đứa con trai mới học lớp 5. Thương gia cảnh khốn khó của ông Phiên, năm 1997, cô giáo mầm non Phan Thị Nhi (29 tuổi), cũng đổ vỡ hôn nhân, một mình nuôi 3 con nhận lời về chung nhà để chăm sóc bố con Yến. Bằng sự chân tình và tấm lòng bao dung, bà Nhi vượt qua muôn vàn gian nan, dành hết tình thương, chăm sóc cho Yến. Hàng xóm bao năm chứng kiến tình mẫu tử của bà Nhi với con gái của chồng không khỏi xúc động.
BẢO HÀ
Kỳ tới: Mong những "phép mầu"