Ngược ngàn sông mẹ Thu Bồn...

Thứ sáu, 18/04/2014 23:53

(Cadn.com.vn) - Một sáng ngược dòng Thu Bồn, vẳng trong ký ức những câu hát, lời ca mênh mang sóng nước về con sông Mẹ của xứ Quảng bao đời nay: “Ai đặt tên cho dòng sông mang tên em đi vào nỗi nhớ... anh mãi gọi ơi Thu Bồn...”. Và suốt dặm dài “dải lụa” ấy, vắt qua nhiều cảnh đẹp làng quê thanh bình, có lẽ du khách rất ấn tượng với những điểm dừng chân lý tưởng của vùng đầu nguồn. Đến bến đò Trung Phước, xã Quế Trung (H. Quế Sơn), du khách có thể bằng đường bộ về thăm một cánh đồng nhỏ dưới chân đèo Le khoảng 1km, nơi có hai vũng nước khoáng nóng luôn sôi sục tuôn trào. Đó là mạch nguồn nước khoáng Tây Viên. Người địa phương gọi là vũng Ông và vũng Bà.

Mạch nguồn nước khoáng Tây Viên là mạch nước ngầm xuất phát từ dãy núi Hòn Tàu, có trữ lượng lớn và luôn ổn định ở nhiệt độ dưới 85oC. Với hàm lượng khoáng chất đặc biệt và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, trong tương lai Tây Viên sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng của huyện mới Nông Sơn. Từ đây, du khách có thể qua đèo Phường Rạnh để đến thăm khu đền tháp Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới. Chuỗi du lịch Tây Viên, Mỹ Sơn, Đại Bình, Hòn Kẽm - Đá Dừng thực sự cuốn hút du khách. Trên chiếc ca nô bồng bềnh trên dòng Sông Thu, bạn có thể tận hưởng không khí mát dịu của miền sông nước hữu tình.

Vẻ đẹp đầu nguồn sông Thu Bồn.

Từ chợ Trung Phước, du khách xuống bến đò Trung Phước là đến làng Đại Bình (xã Quế Trung). Đại Bình gắn liền với sự đặc trưng của chợ Trung Phước xưa và nay. Dải đất hình chữ C nằm riêng biệt bên kia dòng Thu Bồn, chân thò ra biền bãi, đầu gối lên núi, cả dãy tre xanh ôm gọn lấy làng Đại Bình. Nhiều người đã ví đây là “cõi lạ giữa miền Trung”. Làng chạy dọc theo bờ cát vàng trải dài từ đầu truông Nông Sơn đến Thổ làng, Bàn Cúng. Những con đường làng uốn mình theo những vườn trái cây rợp mát. Tách nhịp hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp của chợ Trung Phước, nơi đây như một ốc đảo thanh bình, xanh biếc bốn mùa, lặng lẽ hòa vào mênh mang nắng gió đất trời.

Đại Bình được mệnh danh là “làng trái cây Nam Bộ” thu nhỏ của miền Trung gian khó, được lớp phù sa sông Thu Bồn bù đắp màu mỡ. Đất đai ở đây trồng được rất nhiều giống cây ăn quả của miền Nam như cam sành, quýt, trụ lông, lòn bon, sầu riêng, măng cụt... Người dân làng Đại Bình mãi ghi nhớ công sức ông Huỳnh Châu, người đã mang những hạt giống cây của miệt vườn Nam Bộ về gieo trồng nơi làng quê Đại Bình. Thêm nữa, những ngôi nhà cổ được dựng bằng gỗ, theo kiến trúc nhà vườn thấp thoáng giữa vườn cây rợp mát, càng gợi lên sự bình yên của nếp nhà, của nếp sống hồn hậu, tự nhiên.

Tại làng Đại Bình, bước chân du khách sẽ đến những biền dâu, bãi mía trên những đồng bãi ven sông. Người dân ở đây tự bao đời vẫn giữ được nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, mía đường thủ công có tiếng trong vùng. Làng Trung Phước với nghề làm trầm hương mỹ nghệ qua bàn tay tài hoa của người thợ, tạo nên những dáng trầm trang trí nội thất tuyệt mỹ và sản phẩm này đã tỏa đi muôn nơi.

Từ làng Đại Bình, câu ca quen thuộc “Ngó lên Hòn Kẽm-Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!” ngân dài trên sông Thu Bồn đưa du khách ngược lên danh thắng nổi tiếng này. Đây là điểm thắt cuối cùng của thượng nguồn Thu Bồn. Dưới ánh hoàng hôn, những vách núi dựng đứng sậm một màu của “kẽm”, không gian bàng bạc một màu tim tím huyền ảo. Lên Hòn Kẽm-Đá Dừng, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng một vùng núi sông hùng vĩ nơi thượng nguồn dòng Thu Bồn, mà còn trải nghiệm một cách chân thực hơn về sự thích nghi kỳ lạ của con người nơi này với thiên nhiên... Dọc đường Hòn Kẽm Đá Dừng còn có những đụn cát dài và cao dọc theo sông, thi thoảng ta thấy những triền dâu, những nương ngô, những xóm làng trung du yên tĩnh, những con đò, bến sông trầm mặc, mơ màng... thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ nấp dưới vòm tre; những em bé nô đùa bên bãi sông cười ngơ ngác...

Thảo Nguyên