"Người 89" về xã (Kỳ 2: "Lại kêu hiến đất nữa à?")
Không thể ngờ được, những kết quả bước đầu ở "ngã ba chợ" của tập thể lãnh đạo và nhân dân xã Hòa Phú trong đó có dấu ấn của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hải lại tạo ra khí thế sôi nổi chưa từng thấy ở xã miền núi này. Khắp cả xã, hầu như hộ dân nào cũng sẵn sàng làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú trao đổi với người dân |
Với riêng Nguyễn Ngọc Hải, trước đây mỗi lần đến trụ sở ủy ban xã làm việc, anh phải cố né tránh những cái nhìn thiếu thiện cảm thì nay anh có thể đi khắp xã bắt tay, trò chuyện cởi mở với bà con thôn xóm.
Ngay sau khi cầu Lâm Viên được giải tỏa, người dân các thôn phản ánh lên xã hàng loạt con đường khác cần phải mở mang, hàng loạt công trình phải nâng cấp. Việc này lớn quá, một xã miền núi khó lòng kham nổi. Một phần chính vì điều này mà xã Hòa Phú "bị" huyện Hòa Vang để vào vị trí cuối cùng trong danh sách thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trước đòi hỏi từ nhiều phía, Thường vụ Đảng ủy xã lại một lần nữa tin tưởng giao cho Nguyễn Ngọc Hải nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết.
Thế là, anh chạy như con thoi giữa các cấp, các ngành hỏi han, tìm hiểu... nhưng cũng chưa có giải pháp căn cơ. Trong lúc bí, anh đọc được bài diễn văn cũ của lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong đó nhắc đi nhắc lại rằng: Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân, sức mạnh đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã làm nên những công trình thay đổi bộ mặt thành phố. Bài học lòng dân là bài học đầu tiên và muôn thuở... Rất tâm đắc với ý này, nhưng anh cũng không biết "cụ thể hóa" ra làm sao ở địa phương. Sau nhiều trăn trở, tham khảo ý kiến từ lãnh đạo, cơ quan chuyên môn huyện, Nguyễn Ngọc Hải đề xuất vận động nhân dân hiến đất, thực hiện triệt để phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây cũng sẽ là cách thức chủ yếu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Ý tưởng chung là vậy, nhưng bắt tay vào việc cụ thể cái khó mới nổi lên, bởi lúc bấy giờ trong số 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Phú chỉ đạt 9 chỉ tiêu, còn thiếu đến 10 chỉ tiêu, mà chỉ tiêu nào cũng bức bách, cấp thiết, chỉ cần lựa chọn công việc nào làm trước, công việc nào làm sau cũng đau đầu nhức óc rồi. Để thử nghiệm ý tưởng "nhà nước và nhân dân cùng làm", lãnh đạo xã quyết định xây dựng cho được nhà văn hóa đủ chuẩn còn lại cho hai thôn An Châu và Đồng Lăng. Lúc đó, kinh phí xây dựng thì có thể thu xếp, khó nhất là mặt bằng. Hải cùng lãnh đạo xã quyết định vận động nhân dân hiến đất. Khi nghe thông chuyện, bà con thôn An Châu hiến 2.000 mét vuông đất, bà con thôn Đồng Lăng không có đất bằng, xin hiến... 1 quả đồi! Nhận quả đồi xong, lãnh đạo xã tổ chức họp mấy phiên vẫn chưa biết phải xử lý thế nào. Trong lúc đó, lại thêm một cái khó nữa dồn tới, bà con các thôn Đồng Lăng, Hội Phước than rằng, con đường băng qua cánh đồng mía nhỏ hẹp. Ông Nguyễn Tấn Thành, người thôn Hội Phước, gặp Nguyễn Ngọc Hải, kể: "Từ năm 1997, các hộ trong xã vô tận Quảng Ngãi mua đọt mía về trồng. Cánh đồng mía từ đó đến giờ mở rộng ra rất nhiều. Nhưng không ai nghĩ đến chuyện làm đường, mấy lần xã xuống coi, dân cũng đề đạt rồi mà sau cùng cũng chẳng thấy ai có ý kiến chi. Mỗi lần thu hoạch mía phải vác từng bó đi gần 1 km ra cho xe chở, vừa tốn sức vừa kém hiệu quả".
Một ý tưởng lóe lên. Nguyễn Ngọc Hải đề xuất lãnh đạo xã vừa làm đường vừa làm nhà văn hóa cùng lúc. Lấy hai cái khó "trộn lẫn" vào nhau biết đâu ra chuyện! Anh cùng lãnh đạo xã lại một lần nữa xuống dân, vận động hiến đất làm đường. Lúc này, nhiều người nhìn thấy mặt Phó chủ tịch xã, biết tỏng là sắp "vận động", đến dò hỏi, đầy nghi ngại: "Lại kêu hiến đất nữa à?". Anh cười nhăn nhó, thưa thật với bà con cái khó của xã. Dần dà, nghe lãnh đạo xã trình bày, 82 hộ dân các thôn Đồng Lăng, Hội Phước đồng loạt giơ tay xin hiến đất tiếp, sẵn sàng giao một phần đất trồng mía cho xã làm đường! Mừng hết biết. Nguyễn Ngọc Hải liền đề xuất lãnh đạo xã đồng ý chủ trương rồi kêu doanh nghiệp về mở tuyến đường giao thông. Đường mở ra đủ cho xe tải vào. Anh lại vận động doanh nghiệp ra tay hỗ trợ, điều động xe cơ giới múc quả đồi do dân Đồng Lăng hiến đem đi làm nền đường, huy động lực lượng địa phương và bà con đóng góp ngày công. Các bà, các chị không đứng ra xúc đất, kè đá làm đường thì đi chợ, nấu mỳ quảng, nấu chè, pha nước chanh mời các tốp thợ. Không khí rộn rã khẩn trương chưa từng thấy. Chẳng mấy chốc, quả đồi thôn Đồng Lăng biến thành một vùng đất bằng phẳng, có mặt bằng xây dựng nhà văn hóa, còn con đường băng qua cánh đồng mía đã nên hình hài.
Đến lúc đó, một vấn đề khác nảy sinh, xã không có kinh phí để làm mặt đường. Mà không có mặt đường thì chỉ qua một mùa mưa tất cả sẽ bị san phẳng, công sức, tâm huyết của chính quyền và nhân dân xem như đổ sông đổ bể. Sau khi hội ý, lãnh đạo xã lại khăn gói xuống huyện, vừa trình bày báo cáo, vừa thủ thỉ, thưa thật với các đồng chí Bí thư, Chủ tịch huyện rằng, xã... lỡ làm rồi!, giờ xin huyện hỗ trợ xi-măng, vật liệu để làm mặt đường. Có lẽ đã nắm trước tình hình và hiểu được nhu cầu bức bách của địa phương nên lãnh đạo huyện chỉ nhắc nhở sơ qua cái "liều" của Hòa Phú, rồi sau đó cũng đành... nhập cuộc, tham gia với chính quyền cơ sở và bà con các thôn, chấp thuận cấp kinh phí. Tin đó về đến thôn, bà con phấn khởi hơn bao giờ hết. Ngay vụ mùa năm ấy, xe tải vào đồng thu mua mía, dân Đồng Lăng, Hội Phước như trút bỏ được gánh nặng - theo đúng nghĩa đen - đeo bám hơn ba chục năm trời.
Ông Nguyễn Tấn Thành hồi đó hiến 35 mét chiều dài, 2 mét chiều sâu để làm đường qua ruộng mía, nói với chúng tôi: "Trước đây không thấy ai vận động, giờ anh Hải và xã đi vận động bà con thấy đúng thì hưởng ứng thôi. Sau vụ đó, bà con tin tưởng, xã kêu hiến đất là hưởng ứng liền. Như làm con đường ni đây - vừa nói ông vừa chỉ tay vào con đường bê-tông rộng rãi đi qua ngang nhà - riêng tui cũng mới hiến thêm 83 mét chiều ngang, 1,5 mét chiều sâu. Bà con quanh đây đều hiến cả, nhờ rứa mà con đường ni rộng ra được hơn 5 mét rồi. Nói chi thì nói đường rộng đi vẫn sướng!". Cùng với đường băng qua cánh đồng mía, xã Hòa Phú vận động mở con đường hơn 3km băng qua cánh đồng lúa Hố Cau của các thôn Đông Lâm- Hội Phước - Hòa Phát. Ban đầu cũng gặp khá nhiều trở ngại, bởi lẽ, đất trồng lúa nước ở nơi núi rừng này rất hiếm, vùng trồng lúa rộng nhất chỉ 32ha, có hộ phải hiến đến 1 - 2 sào ruộng, chiếm hết một phần rất lớn tổng diện tích. Nhưng có lẽ tiếng vang ở "ngã ba chợ", Đồng Lăng, Hội Phước... đã phần nào khích lệ bà con. Sau nhiều lần nghe lãnh đạo xã vận động, lúc thì ở cuộc họp tổ dân cư, lúc gặp riêng, lúc ở hội trường, lúc ở ngoài đường..., cuối cùng, 108 hộ ở thôn Đông Lâm- Hòa Phát- Hội Phước giơ tay hưởng ứng. Mấy tháng sau, một con đường bê-tông vắt qua cánh đồng xanh mướt, cũng là lần đầu tiên bà con nhìn thấy những loại máy móc cơ giới đi lại trên cánh đồng của mình, công việc ruộng đồng trở nên nhàn hạ hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Tấn Thành xây dựng lại tường rào sau khi hiến đất mở đường. Ảnh: N.L |
Nguyễn Ngọc Hải nói với chúng tôi: "Thực ra chủ trương hiến đất mở đường không phải do xã nghĩ ra, mà chỉ là lấy cái lý, cái tình và bài học kinh nghiệm của TP Đà Nẵng. Tôi nhớ, hồi mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các con đường của Đà Nẵng rất nhỏ hẹp, lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi nhân dân hiến đất mở đường. Cái lý nêu ra rất đơn giản, ai cũng nhìn thấy được: Đường nhỏ thì đất giá trị thấp, đường lớn thì giá trị cao, hiến một ít đất để mở mang đô thị và nâng cao giá trị đất của mình thì người dân nào lại không hưởng ứng. Tất nhiên, việc hiến đất ở trung tâm thành phố khác với xã miền núi Hòa Phú nhưng chung quy lại nếu tất cả đều vì lợi ích của người dân thì sớm muộn gì người dân cũng ủng hộ".
Đến năm 2014, với sự vào cuộc đầy quyết tâm của lãnh đạo xã và bà con các thôn, toàn xã Hòa Phú đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu (về giao thông) trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các con đường lớn nhỏ đến kiệt hẻm đều đã bê-tông, kiên cố hóa. Sau khi các con đường được mở, người dân tiến hành xây dựng lại tường rào, cổng ngõ, tu sửa nhà cửa..., tạo nên một diện mạo rất khác so với vài năm trước. Khắp cả xã, ai ai cũng nói về "nông thôn mới".
Với tập thể Ban thường vụ Đảng ủy xã Hòa Phú giờ đây, công việc xây dựng nông thôn mới đã xới tung lên, nhân sự cũng có nhiều thay đổi. Lúc đó, lãnh đạo xã đưa ra chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt về vấn đề thay đổi nhân sự để đáp ứng yêu cầu công việc. Những người còn lại giờ đây trực tiếp đối mặt với phong trào, khí thế đang lên, với hàng loạt vấn đề khác, đặc biệt là sinh kế của người dân. Làm gì để thay đổi tập quán làm ăn tồn tại hàng trăm nay ở xã miền núi này, đưa người tiếp cận với phương thức làm ăn mới hơn, cho thu nhập cao hơn, ổn định hơn...? Đó mới thực sự là những câu hỏi lớn nhất, đau đầu nhất mà nhiều thế hệ, nhiều cấp lãnh đạo vẫn tìm vế trả lời.
"Đường rộng mà dân không sắm nổi xe thì có ích lợi gì?" - Nguyễn Ngọc Hải tự vấn.
(còn nữa)
Phóng sự: NGUYỄN LÊ - HOÀNG VIỆT
Kỳ tới: Quả thanh long ngon nhất trên đời!