Người bạn thân thiết của nước Lào
Đại tá CCB Tăng Xuân Ngọc, hiện ở 38-Ngô Thời Nhiệm (Quy Nhơn, Bình Định) năm nay tuổi đã cao nhưng vẫn vô cùng thông tuệ. Ông từng được nhà vua Lào tặng thưởng Huân chương Triệu Voi cao quý. Sau khi về hưu, ông đã đi qua thăm xứ sở Triệu Voi nhiều lần. Nhưng dịp mới đây có nhiều kỷ niệm với ông hơn cả, nhất là khi gặp lại bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào năm 1963...
Đại tá Tăng Xuân Ngọc bên bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào được trưng bày ở Luông Pha Băng. Ảnh: T.L |
Trung tuần tháng 7-2016, ông trong đoàn đại biểu nước ta qua thủ đô Viên Chăn viếng nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Viyaket qua đời, cũng là người bạn một thuở của ông. Tại đây, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith bảo: "Anh năm nay đã 85. Liệu có còn dịp nào đi chơi dài ngày nữa. Cứ để mọi người về trước. Anh ở lại chu du một chuyến, về sau cũng được. Chúng tôi sẽ đưa anh về đến tận nhà". Đi bộ đội, sau đó được đào tạo ở lớp tình báo đầu tiên của Quân khu 5 rồi tham gia quân tình nguyện Việt - Lào, liên tục 35 năm, ông Tăng Xuân Ngọc ở Lào tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nước Lào sau khi thành lập chế độ mới. Do đặc điểm công việc, ông Tăng Xuân Ngọc gần như có mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng giữa hai nước Việt, Lào như thiết lập quan hệ ngoại giao Lào- Việt Nam (5-9-1962), ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào- Việt Nam (18-7-1977)...
Từ quân đội, chuyển công tác về tỉnh Nghĩa Bình năm 1985 (trước khi chia tách) để có điều kiện gần gũi gia đình, ông Ngọc được phân công làm Phó Ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia của tỉnh Nghĩa Bình, Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch. Với cương vị mới, ông qua lại nước bạn thường xuyên, nhưng chủ yếu các tỉnh Nam Lào. 4 tỉnh phía Bắc Lào đã lâu ông chưa thăm lại. Vậy là ông thấy đây là dịp thích hợp, đồng ý luôn. Tổng bí thư Bounnhang Volachith cắt cử một đoàn 7 người, gồm các trợ lý, phóng viên, lễ tân, bác sĩ... đi cùng với ông trên chiếc máy bay Airbus 320 đời mới. Lại cho người chuẩn bị sẵn cho ông một vali với 5 bộ quần áo, thích nghi với đủ loại thời tiết. Máy bay đáp xuống cố đô Luông Pha Băng, di sản văn hóa thế giới. Ra đón đoàn ở sân bay có đồng chí Bí thư kiêm Tỉnh trưởng của bạn, làm ông vô cùng ngạc nhiên. Hỏi thì được trả lời: "Đồng chí Tổng Bí thư bảo chúng cháu phải tiếp đón thật chu đáo một người có công lớn với nước Lào, vậy thôi". Những ngày ở đây, ông dành thời gian đi thăm Bảo tàng Cung điện Hoàng Gia Lào. Bao nhiêu biến cố lịch sử, mọi thứ ở đây đều được bảo quản nguyên vẹn. Trần nhà và những vật dụng trưng bày bên trong Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào đều được dát vàng. Nhưng điều ông quan tâm nhất là những hiện vật được lưu giữ. Ông xăm xăm đi đến nơi trưng bày bức trướng Bác Hồ đã tặng nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana, khi đoàn qua thăm Việt Nam từ ngày 10 -13-3-1963. Được giữ gìn cẩn thận, hơn 50 năm qua, bức trướng vẫn còn tươi rói, trên đó nổi bật cùng với dòng chữ Lào là câu tiếng Việt "Tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam và Lào muôn năm". Ông nói với người phụ trách bảo tàng cho được chụp ảnh với bức trướng bởi ngày Bác Hồ trao tặng nhà vua tại Hà Nội, ông cũng có mặt. Ở đây không được phép chụp ảnh, nhưng với ông là ngoại lệ nên ông đã có bức ảnh đặc biệt ở cố đô.
Trước sự háo hức của những người bạn Lào hầu hết còn rất trẻ, ông đã kể sơ qua về chuyến đi năm ấy của Hoàng gia Lào. Sau Hiệp định Geneve 1961-1962 về Lào được ký kết, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam, nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana, hoàng tử Xuria Vông Xavang, hoàng thân Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp Lào Xuvana Phuma và các vị trong Chính phủ Lào sang thăm hữu nghị Việt Nam. Chuyến đi đã mở ra thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc, củng cố tình hữu nghị và hợp tác phát triển giữa hai nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình và độc lập ở cả khu vực. Chính tại buổi lễ tiễn nhà vua, Bác đã ứng khẩu mấy câu thơ trở thành bất hủ: "Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long". Một câu chuyện nữa mà không phải ai cũng biết đó là năm 1963, nhà vua Lào đã gửi thiếp mời Bác Hồ dự đám cưới hoàng tử. Nhiều nước gửi quà mừng phần lớn đều tặng vàng bạc châu báu. Còn quà tặng của Bác Hồ gửi sang là một đôi xiển (đôi thùng đan bằng tre có nắp đậy) chứa 2 tấm chăn thổ cẩm thêu hình rồng, hình phượng, giá trị vật chất không bao nhiêu. Ngày đám cưới, vua Lào đã cho làm lễ công bố quà tặng của các nước. Quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn công bố đầu tiên và trang trọng. Đích thân hoàng tử và vợ xuống mở xiển lấy quà, rồi vua Lào phát biểu rất cảm động về món quà nhiều ý nghĩa ấy.
Tỉnh ủy Xayabury đón tiếp ông Tăng Xuân Ngọc. Ảnh : T.L |
Tạm biệt bức trướng và cố đô nhắc ông nhiều kỷ niệm về những ngày bên Bác, ông tiếp tục với hành trình lên các tỉnh phía Bắc của bạn. Điểm dừng chân thứ hai là tỉnh Xayabury. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ông đi thăm thủy điện Xayabury, thăm các khu kỹ thuật, mà bạn nói rằng đã tính toán kỹ nhất để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy sông Mê kông. Ông cũng đã đi thăm nhà máy nhiệt điện Hồng Sa càng thêm khâm phục bạn đã ngày càng vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Thăm tỉnh Luông Nậm Thà mà với ông có quá nhiều gắn bó năm 1979 khi tình hình biên giới phía Bắc nước ta nóng lên, ông tiếp tục qua Oudomxay, một tỉnh Tây Bắc phát triển mạnh mẽ. Đi đến đâu ông cũng được bạn đón tiếp nồng nhiệt. Dứt khoát ngay từ đầu không lấy bất cứ quà tặng của địa phương nào mà vì quý ông bạn có thể dành nhiều ưu ái, nhưng ông lại không nghĩ đến những tình huống khác. Biết ông đau khớp, đồng chí Phó Tỉnh trưởng tỉnh Luông Pha Băng đem đến một cái mật bò tót của Thủ tướng Mông Cổ tặng và cắt đôi biếu ông một nửa, nói rằng "đây không phải quà mà là thuốc!". Các tỉnh khác cũng vậy, khi thì mật gấu rừng, lúc cao hổ cốt để ông chữa bệnh làm ông không thể nào thoái thác. Ông nhớ đến nghĩa cử của bạn mà càng xúc động. Thời ông mới về hưu, có lần Bí thư tỉnh Savannakhet thấy nhà ông sơ sài quá, nên đã chuẩn bị sẵn gửi biếu ông một xe chở 10 khối gỗ hương để làm nhà thông qua đoàn công tác tỉnh Bình Định, nhưng ông nhất quyết từ chối. Ông bảo căn nhà 35 m2 này hai vợ chồng già ở được rồi. Con cái đã có nhà riêng. Ông không muốn có sự ưu đãi nào. Khi lòng thanh thản thì mới có thể làm tốt được nhiệm vụ. Điều ông vui nhất là tình cảm ấm nồng, thủy chung của bạn dành cho ông. Lãnh đạo 4 tỉnh ông đi thăm nói rằng, tối nào đồng chí Tổng Bí thư Bounnhang Volachith cũng gọi điện cho họ hỏi thăm sức khỏe ông, tạo mọi điều kiện tốt nhất để ''bác Ngọc'' tham quan, nghỉ dưỡng.
7 ngày trôi qua thật nhanh trên đất Triệu Voi. Buổi tiễn đưa lưu luyến trong cái ôm nồng thắm và giọt lệ trên khóe mắt giữa người đi, người ở. Một album ảnh dày cộm, trang trọng về hình ảnh trong suốt chuyến cuộc hành trình đã được tráng rửa kịp thời. Một USB video được quay dịp này cũng đã hoàn chỉnh để tặng "bác Ngọc''. Cán bộ văn phòng của bạn hộ tống ông về tận Hà Nội, ở khách sạn tốt nhất, sau đó tiếp tục đi máy bay về Bình Định. Khi chiếc taxi đỗ xịch trước nhà ông, người trợ lý xách va li vào tận cửa. Ông mỉm cười khi nhớ đến câu nói của Tổng Bí thư Bounnhang Volachith ''Chúng tôi sẽ đưa anh về đến tận nhà''...
HỒNG VÂN