Người bệnh trả ơn thầy thuốc

Thứ tư, 09/03/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Hơn 25 năm gắn bó với nghề y, vừa làm công tác khám chữa bệnh, vừa viết báo tuyên truyền giáo dục sức khỏe và viết được 6-7 cuốn sách y học thường thức cũng nhằm mục đích chuyển tải những hiểu biết của mình về cách phòng chống bệnh tật cho cộng đồng. Chuyện liên quan đến nghề thì nhiều. Có những chuyện quên nhanh, nhưng cũng có những điều nhớ mãi. Tôi xin kể lại câu chuyện nhỏ mới xảy ra dưới đây về một cách mà người bệnh trả ơn thầy thuốc. Chuyện tuy không có gì to tác nhưng đã để lại niềm vui khó quên và niềm hạnh phúc trong cuộc đời của một người làm nghề y.

Đêm muộn. Kết thúc buổi lai rai với vài người bạn văn ở một quán gió bên đường. Tôi lấy xe ra về. Hướng về của tôi khác hướng những người bạn. Dắt xe xuống lòng đường bấm đề thấy im re. Đạp mạnh chân đề mấy lần cũng không thấy tăm hơi gì. Tôi chợt nhớ cái bugi xe lâu ngày chưa kịp thay giờ trở chứng. Giờ đó, các quán sửa xe và bán phụ tùng đã đóng cửa ngủ từ lâu rồi. Thôi thì hát bài ca... cuốc bộ và đẩy xe vậy!

Từ quán về nhà chừng hơn cây số, đi qua một chiếc cầu dài. Trời mưa lâm thâm, se lạnh. Đẩy xe lên dốc cầu mồ hôi túa ra ướt đẫm dưới lớp áo mưa. Đường vắng. Lúc lên gần nửa dốc cầu, có hai thanh niên chạy vút qua và bóp phanh dừng lại, hỏi: Chú hết xăng à? Chúng cháu sẽ lấy xăng sang cho. Tôi cảm ơn, xăng còn nhưng chắc chết bugi. Vậy thì chúng cháu chạy trước nhé!

Tôi tiếp tục độc hành nhưng lòng vui, vì lúc gần nửa đêm gặp những thanh niên trẻ tuổi biết quan tâm đến sự rủi ro của người khác. Là người, ngoài nghề y còn làm thơ, viết văn, viết báo nên tôi nghĩ chuyện máy xe không nổ biết đâu là cơ hội để dắt xe lang thang trên đường. Nhờ đó, nhận diện thêm giá trị của cuộc sống, nhặt nhạnh những niềm vui bất ngờ và có chuyện để viết. Đèn cầu chợt trở nên lung linh và rực rỡ hơn soi những bước tôi đi.

Tới được nửa cầu bên kia xe dắt đi nhẹ nhàng hơn. Phía sau có người chạy xe đến, đèn sáng quắc. Nghe tiếng máy và thấy ánh đèn xe, biết rằng người chạy xe đang giảm tốc độ. Chợt thấy xe phanh gấp và nghe tiếng hỏi: Có phải bác sĩ Phước không? Ừ! Con là con má T., hồi bác còn ở Hòa Hải má thường dắt sang khám bệnh và mua thuốc chịu.

Hơn 15 năm rời Hòa Hải, tôi làm sao nhớ được hết những bệnh nhân và đặc biệt là một cậu bé mà bây giờ đã trở thành kỹ sư, từ Sài Gòn được đơn vị cử về Đà Nẵng công tác. Tôi hỏi thêm vài câu và bắt đầu nhận diện ra chàng trai này. Chợt cậu ta nói: Bác chịu khó đẩy tiếp chút nhé. Rồi rú ga chạy mất hút trong đêm. Tôi nhặt trên đường thêm niềm vui vì có một bệnh nhân nhỏ tuổi sau hàng chục năm trời vẫn nhớ và nhận ra mình trong đêm trên đường đời xuôi ngược.

Tôi cắm cúi đẩy xe trên con đường mỗi lúc như rộng ra hơn và dài thêm hơn vào lúc gần nửa đêm vắng lặng. Từ bên kia đường thoáng bóng một người cầm trên tay chiếc hộp nhỏ lao qua và hổn hển lên tiếng: Con là thợ sửa xe máy, xe bác hư gì con thay cho. Tôi dè dặt: Hỏng bugi. Thay nó bao nhiêu tiền? Đáp: Chỉ mấy chục thôi. Tôi tiếp: Cụ thể là bao nhiêu? Đáp: 50 ngàn. Tôi phấn khởi, vì nhớ mình vẫn còn đủ tiền trong túi: Vậy thì thay đi!

 Người thợ trẻ mở hộp đồ nghề và ra tay thoăn thoắt. Thoáng chốc đã thay xong bugi và đề máy nổ ngay từ phát đầu tiên. Lúc tôi móc ví lấy tiền trả, một chiếc xe lướt tới, nghe giọng quen: Ê, đừng lấy tiền bác sĩ. Tôi nhận ra chàng trai bệnh nhân vừa gặp. Người thợ sửa xe cũng nhanh chóng phóc lên yên xe và cả hai biến mất trong đêm.

 Lúc này mưa đã tạnh, tôi chậm rãi chạy xe về trong niềm vui thầm lặng với suy nghĩ hãy còn những chàng trai trẻ tốt bụng trên đường đêm và về cách trả ơn của người bệnh dành cho thầy thuốc.

Trời đêm dường như ấm hơn vì tôi là người vừa bắt được thêm niềm hạnh phúc.

Mai Hữu Phước