Người biểu tình Myanmar tiếp tục “nhuộm đỏ” Yangon

Thứ tư, 07/04/2021 18:03

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Myanmar vẫn kéo dài và thật sự vẫn chưa có giải pháp ngoại giao rõ ràng nào. Trong động thái mới nhất, những người biểu tình đã sơn đỏ khắp các đường phố, vỉa hè của thành phố Yangon nhằm thể hiện sự phản đối với chính quyền quân sự.

Ngày 6-4, người biểu tình đã phun sơn đỏ trên các con đường ở Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, để đánh dấu cái chết của hàng trăm người trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar từ sau làn sóng biểu tình phản đối đảo chính bùng nổ hôm 1-2.

Người dân nông thôn tham gia một cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự, ở thị trấn Launglon, Myanmar vào ngày 4-4. Ảnh: Reuters

Gần 570 người đã bị thiệt mạng

Reuters dẫn nguồn tin từ nhóm vận động Hiệp hội tù nhân chính trị (AAPP) cho biết,  gần 570 người đã bị thiệt mạng trong gần 2 tháng bất ổn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1-2 và lực lượng an ninh đã bắt giữ gần 3.500 người, với khoảng 4/5 trong số họ vẫn đang bị giam giữ.

Trong ngày 6-4, người biểu tình thức dậy sớm để phun sơn đỏ lên vỉa hè, đường phố và nhà chờ xe buýt nhằm phản đối hành động trấn áp sâu rộng của chính quyền quân sự, vốn gây ra sự phẫn nộ trong nhiều tuần qua trên toàn thế giới. “Máu vẫn chưa khô”, thông điệp được người biểu tình vẽ trên đường phố Yangon. Một người biểu tình khác, khi đi ngang qua một nhà chờ xe buýt đã chỉ vào những binh sĩ đang được triển khai đảm bảo an ninh trên đường phố: “Đừng giết người chỉ vì đồng lương”. Sự phản kháng, lên án đảo chính bao trùm Myanmar diễn ra nhiều ngày liên tục trong 2 tháng qua. Một số người biểu tình gọi phong trào của họ là “cuộc cách mạng mùa xuân” - đặc trưng bởi các cuộc tuần hành trên đường phố, diễu hành bất bạo động và thực hiện các chiến dịch bất tuân dân sự nhằm làm tê liệt bộ máy chính quyền.

Theo Reuters, khả năng tổ chức kêu gọi biểu tình của họ có thể đã bị cản trở trong những ngày gần đây do quân đội chặn Internet không dây băng thông rộng.  Những người có thể truy cập mạng xã hội, bao gồm cả một số nhà báo, ngày 6-4 đã chia sẻ hình ảnh các công nhân diễu hành ở thành phố Mandalay, một số người đeo mặt nạ phòng độc và chào bằng 3 ngón tay – hình ảnh vốn đã trở thành biểu tượng phản đối chế độ quân đội. Trước đó một ngày, những người biểu tình đã cầm biểu ngữ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị giam giữ và các dấu hiệu kêu gọi quốc tế can thiệp.

Chờ giải pháp ngoại giao

Hôm 5-4, tờ báo Global New Light of Myanmar - cơ quan ngôn luận của quân đội nước này - đăng một lời trích dẫn lãnh đạo của quân đội, tướng Min Aung Hlaing. “Dân chủ dựa trên mong muốn của đa số, nhưng mong muốn như vậy phải xác thực với nền chính trị trung thực”, tuyên bố nêu rõ. Tướng Min Aung Hlaing nói rằng, tình hình ở nước này vẫn ổn và bác bỏ mối quan ngại của quốc tế, gọi đó là vấn đề nội bộ mà quân đội đang xử lý với “sự kiềm chế tối đa”.

Các nước phương Tây kêu gọi quân đội khôi phục chính phủ của bà Suu Kyi. Trước diễn biến tình hình Myanmar hiện nay, nhiều nước trong ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự bất ổn tại quốc gia thành viên này khi mà số người bị bắt và bị chết trong các vụ biểu tình ngày một gia tăng. Trong động thái mới nhất, Brunei - Chủ tịch ASEAN năm 2021, kêu gọi một cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối để thảo luận về tình hình ở Myanmar.

KHẢ ANH