Người biểu tình Thái Lan đã thắng?

Thứ ba, 10/12/2013 10:39

(Cadn.com.vn) - Quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra dường như vẫn không thể làm dịu làn sóng người biểu tình.

Cuối cùng, sau nhiều ngày đối đầu, Thủ tướng Yingluck ngày 9-12 quyết định giải tán Hạ viện, tổ chức tổng tuyển cử để mở đường giải quyết bế tắc chính trị hiện nay tại Thái Lan.

Ngày tổ chức tổng tuyển cử sớm được ấn định là 2-2-2014, một phần trong nỗ lực nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở nước này. Theo hiến pháp Thái Lan, chính phủ hiện nay sẽ tiếp tục gánh vác các trách nhiệm với tư cách là chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của bà Yingluck, 100.000 người biểu tình đổ ra các đường phố ở thủ đô Bangkok, tiếp tục mục tiêu đến cùng là lật đổ chính phủ để đưa một “hội đồng nhân dân” lên nắm quyền. Cảnh sát Thái Lan đã phải vất vả với khoảng 100.000 người biểu tình tụ tập trước văn phòng Thủ tướng thuộc tòa nhà chính phủ, thề sẽ lật đổ Thủ tướng Yingluck và xóa bỏ chính quyền “con rối của Thaksin”. Nhưng đã không có bất kỳ hành động trấn áp hay bắt giữ nào.

Người biểu tình tiến về tòa nhà chính phủ hôm 9-12. Ảnh: Reuters

Thủ lĩnh biểu tình, ông Suthep Thaugsuban khẳng định, những động thái này sẽ không giúp giải quyết vấn đề mà chính phủ cần giao quyền điều hành đất nước cho một “hội đồng nhân nhân”. Ông này còn tuyên bố, tổ chức bầu cử như thế là không thích hợp. Phe biểu tình còn khó chịu khi đảng Peau Thai cho biết, đảng này và Thủ tướng Yingluck sẽ tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. “Chắc chắn, bà Yingluck sẽ tham gia tranh cử... Chúng tôi muốn đảng Dân chủ tham gia các cuộc bầu cử và ngừng ngay các chiêu trò trên đường phố”, thủ lĩnh đảng Peau Thai, ông Jarupong Ruangsuwan nói.

Nhưng thủ lĩnh biểu tình phản pháo: “Giải tán Quốc hội không phải là mục tiêu của chúng tôi”. Theo ông này, vì chắc chắc rằng, bà Yingluck và các đồng minh của ông Thaksin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì thế, ông Suthep kêu gọi có một “hội đồng nhân dân” bổ nhiệm “người tốt” lên thay thế chính phủ hiện nay. Nhưng nếu điều này thành hiện thực, lịch sử Thái Lan lại sang trang mới khi chỉ có một ít người Thái Lan (100.000 người biểu tình so với đất nước có 66 triệu dân) có thể đánh bật một nhà lãnh đạo được bầu dân chủ mà không cần sự giúp đỡ từ quân đội quyền lực.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan đang bế tắc vì những hành động bị giới chuyên gia cho là “trẻ con” của đảng Dân chủ. Tuyên bố không thể làm việc với bà Yingluck, các nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Dân chủ đối lập hôm 8-12 đồng loạt từ chức, đặt ra câu hỏi rằng, liệu đảng này có tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới hay không. Hiện, lãnh đạo đảng đân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã phớt lờ câu hỏi liệu đảng của ông có tham gia cuộc tổng tuyển cử này không mà chỉ nói rằng, “giải tán Quốc hội là bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết các vấn đề”.

Một cuộc bầu cử sớm mà không có đảng Dân chủ tham gia sẽ không giúp kết thúc bế tắc. “Đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn vì không ai đảm bảo đảng Dân chủ sẽ trở lại và chơi đúng luật”, giới phân tích nhận định. “Có vẻ như Thái Lan đang đi trong vô định”, họ nói thêm. Reuters dẫn ví dụ tình hình Thái Lan năm 2006. Vào tháng 4-2006, trong bối cảnh các cuộc biểu tình dâng cao, đảng Dân chủ từ chối tranh luận về một cuộc bầu cử sớm do ông Thaksin đề xuất. 5 tháng sau đó, ông Thaksin bị quân đội lật đổ.

Chính phủ của bà Yingluck đã có sự nhượng bộ đáng kể đối với người biểu tình: không trấn áp, không bắt giữ và nay lại quyết định giải tán Quốc hội. Đã đến lúc, đảng Dân chủ nên lấy quốc gia làm trọng, ngừng các cuộc biểu tình gây khủng hoảng và nhường quyền quyết định cho nhân dân.

Khả Anh