Người cách tân y phục thời trang phụ nữ Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1911-1946), quê quán Sơn Tây- Hà Tây. Ông không chỉ nổi tiếng là một họa sĩ thuộc những thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà còn là cộng tác viên của báo Phong Hóa, Ngày Nay thuộc Tự Lực văn đoàn, được ghi nhận là người đầu tiên có công sáng tạo, cách tân y phục thời trang phụ nữ Việt Nam, trong đó, thành công nhất là việc cải tiến từ chiếc áo tứ thân thành chiếc áo dài đẹp đẽ, sang trọng thường được biết với tên gọi Áo dài Le Mur Cát Tường (chữ Le Mur tiếng Pháp cũng có nghĩa là Tường).
Mới đây, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Tự Lực văn đoàn, vào tháng 7-2013, tại Garden California (Hoa Kỳ), nhà nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Hiền, thứ nam của Họa Sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường đã tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang may theo các thiết kế của cha ông trong thập niên 1930-1940. Dịp này, ông Nguyễn Trọng Hiền cho rằng là người có những tư tưởng táo bạo khi muốn biến cải chiếc áo tứ thân cho gọn ghẽ và thích hợp hơn với phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Cát Tường đã có hàng loạt bài viết đăng trên báo Phong Hóa, Ngày Nay và đã tạo nên được phong trào hưởng ứng rầm rộ mặc áo Le Mur thời bấy giờ, dù bên cạnh đó, cũng có không ít chỉ trích từ phía những nhà nho hủ cựu.
Theo Nguyễn Trọng Hiền, vào năm 2005, trong quá trình tìm kiếm tư liệu để thực hiện một tập sách đầy đủ về chân dung họa sĩ Cát Tường, tình cờ qua sự giới thiệu của một người Nhật có tên Tochi Nizoma, ông Hiền làm quen với TS. Martina Nguyễn–người có bộ sưu tập 300 số báo Phong Hóa, Ngày Nay. Vậy là từ đó, ông Hiền có điều kiện tìm hiểu đầy đủ hơn về di sản để lại của người cha. Ông Hiền nêu rõ, sự nghiệp của cha ông về việc cải cách y phục phụ nữ chỉ tập trung nhiều nhất vỏn vẹn 8 năm (1934 - 1942), do ông mất quá sớm vào năm 35 tuổi. Ông để lại 5 người con, nhưng những hình ảnh của ông trong ký ức chị em ông Hiền không được rõ ràng và liên tục.
Ông Nguyễn Trọng Hiền tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang may theo các thiết kế ngày xưa của bố mình. |
Trên thực tế, từ những năm qua, ngoài ông Hiền, các anh chị của ông là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Cát Minh Nguyệt cũng đã có nhiều lần về lại Việt Nam, trở lại Sơn Tây- Hà Tây, nơi họa sĩ Cát Tường chào đời, nhưng tất cả đã đổi thay, hầu như không ai biết chút gì về nguồn gốc của gia đình ông, nhất là tộc họ nhà ông không mang chữ lót giống nhau. Tại Hà Nội, ông đã đến số 14- Hàng Da, nơi họa sĩ Cát Tường mở cửa hiệu bán áo Le Mur (về sau, địa chỉ này cũng là nơi mẹ ông mở phòng trà đầu tiên của Hà Nội có tên là Thiên Hương), nhưng cũng chẳng tìm được tư liệu gì thêm.
Do đó, những gì để có thể tìm hiểu về sự ra đời của Áo dài Cát Tường, phong phú nhất vẫn chỉ có thể hệ thống lại từ các tài liệu ở báo Phong Hóa và Ngày Nay, nhất là qua các bài viết của chính họa sĩ Cát Tường. Trong các tờ báo này qua bút danh Le Mur, ông đã giới thiệu các kiểu áo dài đồng thời viết những bài chỉ dẫn phụ nữ cách ăn mặc, cách tô son điểm phấn cho mình được đẹp hơn. Ông cũng là người tiên phong trong việc phô diễn những đường cong tuyệt mỹ của phái nữ qua những chiếc áo dài hai tà với nhiều kiểu khác nhau, với màu sắc tươi sáng hơn.
Trên chuyên đề Đẹp của báo Phong Hóa, vào năm 1934, họa sĩ Cát Tường đã giới thiệu bộ sưu tập “Hoa hồng giờ Tý”, gồm những mẫu áo được đặt tên Le Mur. Để chứng minh cho tính khả thi của trang phục do mình vẽ, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông để tung ra thị trường những mẫu áo Le Mur đầu tiên. Sau khi được họa sĩ Lê Phổ chỉnh chu thêm vài chi tiết, áo Le Mur đã thuyết phục phụ nữ từ Bắc đến Nam. Từ cột mốc 1934 ấy, áo dài theo chân thiếu nữ đến trường học, xuống phố chợ, chùa chiền... Một chi tiết, cần nói thêm, là ngoài việc cách tân áo dài phụ nữ, tại những cửa hiệu thời trang do họa sĩ Cát Tường thành lập, ông cũng giới thiệu thêm các loại mũ, guốc, giày dép tân thời, mỹ phẩm và nghệ thuật trang điểm trở thành một trào lưu làm đẹp được phái nữ cả nước ủng hộ rầm rộ.
Tiếc thay cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Cát Tường quá ngắn ngủi. Vỏn vẹn chưa đầy 10 năm hoạt động, với hơn 1.000 mẫu áo dài Le Mur để lại, họa sĩ Cát Tường thật sự là người tiên phong, góp phần to lớn biến cải chiếc áo dài trở thành nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, được thế giới tôn vinh.
Trần Trung Sáng