Người canh giấc ngủ đồng đội

Thứ hai, 07/09/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - Trở về đời thường khi trên mình mang nhiều thương tật, nhất là vết thương hồi Mậu Thân 1968 làm ông mất một chân nên đi lại rất khó khăn... nhưng cựu chiến binh, thương binh 2/4 Nguyễn Sư, ở thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã có nhiều nỗ lực xây dựng mái ấm gia đình, tham gia công tác địa phương trong vai trò Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Vĩnh Bình. Bao nhiêu năm qua ông luôn được anh em đồng đội quý mến, chính quyền địa phương ghi nhận là một điển hình trong phong trào học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thương binh tuy tàn nhưng không phế.

Thương binh Nguyễn Sư (người thứ 2 từ trái qua) ảnh chụp chung PTT Nguyễn Xuân Phúc
trong chuyến đoàn CCB TP Tam Kỳ ra thăm Hà Nội.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sư phấn khởi cho biết, mới đây ông vinh dự là một trong số những đối tượng chính sách tiêu biểu trong đoàn cán bộ người có công TP Tam Kỳ ra thăm thủ đô Hà Nội. Đoàn của TP Tam Kỳ vinh dự được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp, trò chuyện thân mật; được vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đến Sơn Tây thăm nơi Đảng, Chính phủ chuẩn bị các điều kiện, phương án dự phòng có thể phải đưa Bác từ Hà Nội về khi Mỹ đánh bom miền Bắc... Là anh chiến sỹ du kích can trường, vào sinh ra tử, sống chết gang tấc chẳng hề lung lay nhưng đến tận nơi, nghe được câu chuyện lần đầu mới nghe về người cha già dân tộc từ cô hướng dẫn viên khu di tích làm ông Sư quá xúc động. Ông nói: "Là người con của miền Nam luôn trong trái tim Bác, mấy mươi năm sau ngày đất nước thống nhất mới được về bên Bác, được khóc bên Bác cũng là niềm hạnh phúc...".

Ông Châu Ngọc Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng, người trực tiếp giới thiệu với chúng tôi về gương cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Sư nhận xét, "Ông Sư là một cựu chiến binh gương mẫu, khi còn chiến tranh thì xông pha chiến trận, giờ xây dựng nông thôn mới lại chung tay cùng người dân địa phương hưởng ứng tích cực các phong trào. Ngoài đảm trách Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn, ông Sư còn là một nông dân sản xuất giỏi". Mấy năm lại đây khi nghĩa trang liệt sỹ xã Tam Thăng được đầu tư xây dựng, chính quyền địa phương tín nhiệm đã giao ông phần việc trông coi, chăm sóc cây cối. Và như vậy ông Sư lại tiếp tục hôm sớm công việc mà ông luôn coi đó là nghĩa cử với đồng đội.

Thương binh Nguyễn Sư hàng ngày cần mẫn với công việc chăm sóc mộ phần liệt sĩ.

Có mặt ở nghĩa trang, ông Sư dẫn chúng tôi đến giới thiệu phần mộ hai đồng đội từng là du kích thôn với ông là liệt sỹ Lê Đình Bình và Phan Đình Lượng và người em trai của ông là liệt sỹ Nguyễn Búp...cũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Ông bảo họ đã không may mắn như ông là được trở về đoàn viên cùng người thân trong ngày đất nước thống nhất. Điều đó hơn bao giờ hết đã thôi thúc ông, nhắc nhở ông tận tụy với công việc canh giấc ngủ cho các anh. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời khói lửa vẫn còn nguyên vẹn đối với ông Sư. Tuy là thương binh nặng, nhưng ông không trông chờ ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước mà đã cùng với gia đình nỗ lực vượt qua chính mình, tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Noi gương ông Sư hiện nay nhiều hội viên CCB xã Tam Thăng luôn coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành công việc tự giác,  thường xuyên của mỗi một người dân quê hương địa đạo Kỳ Anh anh hùng.

Võ Văn Trường