Người cha tật nguyền nuôi con vào đại học

Thứ tư, 01/10/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - 14 năm, bất kể nắng mưa, dù đôi chân tật nguyền, ông Nguyễn Đình Nam (57 tuổi, quê xã Tiên Hiệp, H. Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn cần mẫn đi bán từng tờ báo, tấm vé số. Câu chuyện về ý chí, nghị lực và tình yêu thương của người cha tật nguyền thắp ước mơ cho con vào giảng đường đại học khiến nhiều người xúc động.

Xuống TP Hội An bán báo, bán vé số dạo hơn 14 năm nay nhưng ông Nguyễn Đình Nam vẫn không thể quên được những ngày đầu lặn lội từ miền quê xuống thành phố tìm việc làm. “Hôm đầu tiên xa nhà, tối nằm ngủ ngay bậc thềm chợ Hội An, tôi tủi thân vô cùng nhưng khi nghĩ tới tương lai của con cái, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để bước qua những gian truân của cuộc đời”- ông Nam nhớ lại.

Ngày ngày ông Nguyễn Đình Nam lặn lội trên các con đường TP Hội An bán báo dạo 

“Bị tàn tật đôi chân từ nhỏ bởi căn bệnh bại liệt, đi lại khó khăn nhưng bố mẹ ra đồng là tôi cũng đi theo để tập làm. Bố mẹ đứng cuốc đất, còn mình thì ngồi cuốc, tuy làm được ít nhưng cũng thấy vui. Tôi còn phụ giúp gia đình nuôi heo, gà, đi hái chè. Lúc nhỏ tôi đã từng có những ước mơ đẹp nhưng số phận không may đã cướp đi tất cả. Lớn lên, tôi mặc cảm, tự ti, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Nhưng nghĩ tới lời cha khuyên dặn “còn đầu óc và bàn tay thì con vẫn có thể xây dựng được tương lai”, thế là tôi vui sống”- ông Nam thổ lộ.

Lớn lên, cảm mến chàng trai tật nguyền chịu thương chịu khó, một cô gái đẹp người đẹp nết trong làng đã cùng ông xây dựng hạnh phúc gia đình. Ông thấy mình hạnh phúc và may mắn khi gặp được tấm chân tình của người vợ, tiếp thêm sức mạnh để ông bước qua những gian truân, khó nhọc của cuộc đời. Rồi lần lượt hai đứa con chào đời, lớn lên khỏe mạnh, thông minh và chăm học. Để lo cho con ăn học, vợ chồng ông lam lũ  lao động nhưng với chỉ hai sào ruộng nên thu nhập quá ít, thế là ông Nam quyết định xuống TP Hội An tìm việc làm thêm.

Hằng ngày, ông phải lần mò trên từng con phố để mong bán được nhiều vé mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt và dành dụm tiền gửi về nhà. Được mấy năm nhưng thấy thu nhập  giảm vì nhiều người bán ông chuyển sang bán báo dạo. Mỗi tháng, trừ các chi phí sinh hoạt hằng ngày và tiền thuê trọ ông còn khoảng 700.000 đồng- 800.000 đồng gửi về nhà. Căn phòng trọ ông thuê cũng chỉ vừa đủ đặt chiếc giường đơn với giá 300.000 đồng. Chi tiêu thì hết sức tằn tiện...

Ông Nguyễn Đình Nam và con gái Nguyễn Thị Nhã Ca.

Niềm vui tột cùng của người cha tàn tật hết lòng vì con ấy là sự kiện đứa con gái đầu thi đỗ ngành Quản trị kinh doanh – Trường ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) với số điểm cao kỳ thi đại học vừa qua.

Nhắc đến cha, cô tân sinh viên nghèo Nguyễn Thị Nhã Ca tự hào: “Ba em là một người khuyết tật, song không vì thế mà ông chịu đầu hàng số phận. Ba là người luôn hi sinh bản thân để hai chị em được đến trường và có những thứ tốt nhất có thể. Với gia đình thì ba là một người hi sinh thầm lặng. Còn với em, ba là người có ảnh hưởng lớn nhất, ba vừa là niềm động viên, vừa là động lực, tăng thêm sức mạnh giúp em tiếp tục phấn đấu học tập”.

Ngày xuống TP Đà Nẵng nhập học, hành trang của Nguyễn Thị Nhã Ca chỉ vài ba bộ áo quần cũ thời học phổ thông, cùng số tiền ít ỏi của cha dành dụm trao cho, nhưng trong em được thắp đầy niềm tin, sự lạc quan về một chặng đường mới phía trước.

Đại Khải