Người chăm giữ di tích

Thứ tư, 30/07/2014 08:46

(Cadn.com.vn) - Sau khi bị phá hủy, đến đầu năm 2005, đình Thất phái Tứ Bàn tiền hiền tự sở (tổ 33, khố 5, P.Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn chỉ là một vài tường gạch lở lói, rong rêu hoang phế cùng một cổng tam quan níu thân sanh cổ thụ. Là người con của làng, anh Lý Hồng Vinh (1968, nhà cạnh đình) tự mình ngược xuôi vận động kinh phí để dựng lại ngôi đình cơ bản hoàn chỉnh như bây giờ.

Ngôi đình sau nhiều năm hoang phế, bây giờ đã được trùng tu.

ĂN CƠM NHÀ VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG”

Được coi là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở phủ Tam Kỳ (tháng 5-1930), đình Thất phái Tứ Bàn tiền hiền tự sở đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 2024/QĐ – UBND ngày 19-6-2009).

Ngôi đình cũng gắn liền với lịch sử khai cơ vùng đất Tam Kỳ. 7 tộc họ Huỳnh - Hồ - Trần - Nguyễn - Đỗ - Đinh - Lê, vào năm 1471, theo gót Nam chinh vua Lê Thánh Tông, lập làng Tứ Bàn. Đến giữa thế kỷ XVII, dân Tứ Bàn mới xây ngôi đình cho riêng làng mình, ngoài chức năng hành chính, còn để thờ các vị tiền hiền của 7 tộc họ trên. Hiện, Tứ Bàn là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Tam Kỳ.

Năm 1985, đình bị hủy hoàn toàn. Anh Lý Hồng Vinh nhớ lại, đầu năm 2005, số tiền quyên góp con cháu trong thất phái được 1 triệu 380 nghìn đồng, chi cho lễ tế xuân ngày 19 tháng Giêng, còn dư 800 nghìn đồng, anh Vinh mạnh dạn nói với các bô lão cho xây dựng lại đình. “Lúc đó mình liều thật. Nhưng mình nghĩ ngôi đình là di sản ông cha để lại, cứ để hoang phế mãi coi sao được” – anh bộc bạch. Mẹ anh Vinh họ Trần, với thất phái anh là con cháu bên ngoại. Anh xung phong quyên góp tiền hỗ trợ. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, anh kêu thợ, ban ngày thì phụ hồ, ban đêm thì rủ thêm mấy thanh niên trong xóm gõ cửa từng nhà ở Tam Kỳ để vận động tiền. Không thể kể hết những khó khăn mà anh cùng những người trong làng đã trải qua.

Cổng tam quan của đình Thất phái Tứ Bàn tiền hiền tự sở.

TRĂN TRỞ DI TÍCH

Ngoài việc gửi thư cho con cháu thất phái sinh sống xa quê, anh Vinh còn vận động người địa phương. Có gia đình không nằm trong thất phái nhưng vẫn đóng góp. “Dù người góp nhiều góp ít nhưng mình vẫn trân quý, bởi họ đã có cái tâm. Nhiều gió góp lại thành bão. Chính từ những số tiền nhỏ nhoi ban đầu như vậy mình và các cụ trong làng mới có động lực để làm lại đình”. Cứ thế, vừa thi công vừa vận động, sau hơn hai tháng anh gom được 70 triệu đồng. Vợ anh lúc đầu thấy anh vất vả quá, ngần ngại, nói anh dừng việc, nhưng dần dần cũng ủng hộ việc làm của anh.

Kết quả mỹ mãn: tới cuối năm 2005, ngôi đình đã hoàn thiện một cách căn bản. Xây xong còn nợ vật liệu 30 triệu đồng, nhưng từ đó, cứ sau mỗi dịp tế xuân, anh Vinh lại gửi thư, lại đến từng nhà vận động, nên nợ bây giờ đã trả hết. Không những thế, mỗi năm, đình còn được trùng tu thêm. Con cháu, du khách từ khắp nơi đến viếng đình, thấy đình ngày một khang trang hơn. Anh Vinh khoe, trong năm nay vừa làm xong bộ lưỡng long tranh châu ở phần mái, làm thêm hai bức tượng rồng ở bậc tam cấp bước vào đình. “Đây không những là bộ mặt của làng, mà còn của thành phố. Mình rất vui khi thấy con cháu khắp nơi về thăm làng đều tấm tắc khen” – anh Vinh nói.

Mơ ước của anh Vinh là hoàn thiện lại đình đúng như nguyên bản xưa. Anh kể, hồi còn nhỏ, đã thấy ngôi đình rất đẹp, là nhà ba gian hai chái, khuôn viên đình rộng đến gần 2.000m2, được thiết kế theo cách phân bố hình chữ Nhị (Hán tự): hậu tẩm không nối liền với tiền đường mà được bố trí song song với tiền đường, cách tiền đường một sân gạch, hai bên sân đình còn có tả vu, hữu vu.

Phần nguyên bản xưa chỉ còn lại cổng Tam quan đang níu thân sanh cổ thụ, phải nói là một trong những cổng tam quan đẹp nhất ở tỉnh Quảng Nam. Anh nói dựng lại đình đúng nguyên bản xưa thì tốn tiền lắm, e rằng cả đời anh vận động cũng không nổi, nên, anh cũng chỉ biết chăm chút cho đình ngày một khang trang hơn. Mỗi ngày anh Vinh vẫn vào đình quét dọn, thắp hương. Từ khi đình được công nhận là di tích cấp tỉnh (2009), UBND P. Phước Hòa vẫn giao cho anh giữ chìa khóa cổng, trông nom đình. Cụ Trần Hoành, hậu duệ của thất phái, (92 tuổi, tổ 16, khối phố Bàn Thạch, P. Hòa Hương), Trưởng ban trị sự đình thất phái, nói: “Người trẻ tuổi mà có tấm lòng như Vinh thật hiếm. Tôi già rồi, cần lớp trẻ có những người như thế. Nhưng trong thời gian tới, với việc khôi phục đình như xưa thì rất mong sự trợ giúp kinh phí của các cấp ngành văn hóa".

Trong khi ở nhiều nơi, những di tích lịch sử - văn hóa bị bỏ hoang phế, cộng với việc Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa trong việc bảo vệ di tích, thì việc làm của anh Vinh rất đáng ghi nhận.

Mai Thành Dũng