Người chiến sỹ an ninh Kỳ Phú

Thứ năm, 13/08/2015 09:53

Một thời để nhớ

(Cadn.com.vn) - Công việc hằng ngày của ông Trương Công Tấn, hiện ở P. An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là phụ bán cà-phê cùng vợ, gặp bạn bè vui vẻ hợp gu thì ngồi làm mấy ván cờ tướng, canh đồng hồ để đưa đón cháu nội đi học... Ông bảo, cũng lâu rồi mới có người nhắc đến ký ức chiến tranh. Với ông Tấn đó là những năm tháng không thể nào quên. 14 tuổi ông đã tham gia làm giao liên cho các đội công tác vùng Đông của huyện Tam Kỳ, chỉ huy du kích xã nhưng hợp pháp dưới vỏ bọc "thanh niên chiến đấu" của ngụy quyền xã Kỳ Phú. Với vỏ bọc đó, ông Tấn cùng mạng lưới cơ sở của ta đã trở thành "tai mắt" cho đội công tác, các đợt phản công chiến đấu diệt ác phá kìm của ta trong những năm 1965-1967 ở xã Kỳ Phú cũng như các xã cánh Đông huyện Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ, Quảng Nam).

Cuối năm 1967 do có nhiều thành tích hoạt động, ông Tấn được trên điều về Trường Đảng CK 42 (Quế Tiên) học tập. Thời gian này ông được trang bị khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý của những đồng chí đàn anh truyền đạt lại. Một bài học thực tiễn quý giá mà ông Tấn nhớ mãi, đó là khi chia tay về lại địa bàn, đồng chí Đỗ Thế Chấp, Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ mời ông Tấn về nhà chơi để truyền cho mấy ngón võ tự vệ. Trước khi chia tay, điều ông Tấn không chấp thuận là đồng chí Đỗ Thế Chấp đề nghị ông Tấn để lại khẩu súng và hai quả lựu đạn. "Cho em mang theo còn cái để tự vệ, nếu lọt tay giặc em có thể chết cùng chúng nó". "Về địa bàn rồi mình sẽ gửi sau, bây giờ, để an toàn cho cậu, mình sẽ cấp cho loại vũ khí "tối tân" hơn". Loại vũ khí tối tân mà ông Chấp cấp cho ông Tấn chính là hai hòn đá tròn lẳn như hai quả lưu đạn. Và trong chuyến đi hôm ấy ông Tấn đã gặp địch truy đuổi. Trong tình thế này ông Tấn bèn lấy đá ném giả lựu đạn rồi chạy. Khi địch phát hiện lựu đạn giả không nổ thì ông Tấn đã "cao chạy xa bay" không để lại dấu vết nào...

Ông Trương Công Tấn và bức ảnh vợ chồng ông trong ngày cưới v
à chỉ mấy hôm sau ông đã bị địch bắt.

Mặc dù xuất quỷ nhập thần, và nhờ cơ sở cách mạng của ta ngay từ lòng địch với những thông tin hết sức chính xác, song có một tổn thất đến bây giờ ông Tấn vẫn ân hận, đó là đợt về địa bàn chỉ huy diệt ác của tổ công tác vùng Đông huyện Tam Kỳ do huyện ủy viên Bùi Luôn chỉ huy gồm 7 đồng chí. Vụ việc bại lộ, địch đã sát hại đồng chí Bùi Luôn cùng 5 đồng đội. Tình nghi ông Tấn là cơ sở cách mạng và người dẫn đường của đội công tác nhưng không có chứng cứ nên mãi đến tháng 11-1974 địch mới vây bắt được ông tại nhà riêng... Cầm tấm ảnh trắng đen trên tay ông Tấn nghẹn ngào: "Lúc đó bà nhà tôi mới cưới được mấy ngày... mẹ tôi đau đớn quá đã đổ gục trước hiên nhà trước cảnh địch áp giải tôi đi".

Mùa xuân 1975, sau khi Tiên Phước thất thủ, địch sợ ta đánh tỉnh lỵ Quảng Tín nên chúng đã đưa ông Tấn cùng một số ít đồng đội được xếp vào loại nguy hiểm ra nhà lao Kho Đạn, Đà Nẵng giam giữ. Đêm 27-3-1975, ông Tấn và những đồng chí của ông được biệt động thành Đà Nẵng tấn công giải thoát. Về lại quê nhà,  biết ông là cơ sở cách mạng kiên trung, nắm rõ tình hình địa phương nên tổ chức đã phân công ông giữ cương vị Trưởng Ban An ninh xã kiêm Chính trị viên xã đội Kỳ Phú, huyện Tam Kỳ.

Chiến sỹ an ninh thời bình

Theo ông Tấn, điều hết sức thuận lợi khi ông giữ cương vị Trưởng Ban An ninh xã Kỳ Phú ngay sau ngày giải phóng là bởi ông là người nằm trong lòng địch ở chính địa bàn này. Thêm nữa, toàn bộ hồ sơ tài liệu địch để lại khi ta đánh vào trụ sở chính quyền ngụy quyền xã Kỳ Phú đều thu giữ được.  Từ đây bằng kinh nghiệm của người từng vào sinh ra tử, tham gia cách mạng ngay trong lòng địch, ông Tấn đã dựng lên một sơ đồ mà chính quyền ngụy từng dựng lên trước đó để theo dõi quản lý. Bởi vậy, trong thời gian ngắn ngay sau ngày đất nước giải phóng, dưới sự chỉ huy của người Trưởng Ban An ninh xã Trương Công Tấn, tình hình an ninh chính trị địa phương luôn giữ vững, ổn định.

Một trong kinh nghiệm ông Tấn rút ra với người làm công tác an ninh là gần dân, nắm bắt rõ hoàn cảnh từng gia đình, từng đối tượng để có đối sách phù hợp, trên tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, hướng những đối tượng một thời lầm lỡ quay về con đường chính nghĩa, làm ăn lương thiện. Từ Trưởng Ban An ninh xã ông Tấn tín nhiệm tiếp tục đảm trách Chủ tịch UBND xã, rồi được điều về công trường Phú Ninh, Công ty vật tư tổng hợp Tam Kỳ cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1999. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với phần thưởng là những tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Nối nghiệp cha, người con trai ông nay cũng đang công tác trong ngành công an.

Hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, thời trai trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của mình, ông Tấn tâm niệm: "Nếu không nhờ có cách mạng, không có những hy sinh của biết bao đồng đội, đồng chí thì không biết bao giờ bóng tối trên quê hương mới xua tan, đất nước mới được yên vui thanh bình". Bằng nghĩa tri ân, đều đặn hằng năm cứ đến những ngày kỷ niệm trọng đại của quê hương ông lại tổ chức những buổi gặp mặt với các cơ sở cách mạng cùng thời ở vùng Đông Tam Kỳ.

Võ Văn Trường