Người có uy tín ở Tây Nguyên với phong trào BVANTQ

Thứ hai, 21/10/2013 13:00

(Cadn.com.vn) - Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bok Hồ đánh giặc giành độc lập, tự do... ngày nay bao thế hệ người đồng bào DTTS tại Tây Nguyên tiếp tục tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quê hương, trở thành lực lượng uy tín, tiêu biểu...

Ngày 19-10, tại TP Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm của người có uy tín tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) khu vực Tây Nguyên. 123 đại biểu đại diện cho người có uy tín tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng về dự và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực này. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thăm hỏi các đại biểu
là người có uy tín của 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: DUY ANH

Hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có hơn 8.113 người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều nhất ở tỉnh Gia Lai (2.500 người) và tỉnh Đắc Lắc (2.750 người). Những người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ ANTQ nói chung và trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTT nói riêng. Nhiều người đã trở thành "ngọn cờ" đi đầu trong các phong trào, thực sự là chỗ dựa quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các dân tộc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của mỗi địa phương và toàn khu vực.

Già làng Y Hơ Êban, dân tộc Ê Đê (buôn Knia 4, xã Êa Bar, H. Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc) trở thành tấm gương của buôn làng khi năm 2001, trong lúc nhiều gia đình trong buôn nghe theo lời kẻ xấu xúi giục đi gây rối thì già cùng ba con trai lại bỏ công sức, tiền bạc đắp đập tràn trên cánh đồng để làm lúa nước. Bão tố của buôn làng qua đi, người dân trong buôn nhận ra sai lầm khi tin và nghe theo kẻ xấu. Bắt tay trở lại làm ăn thì bà con trong buôn được thừa hưởng nguồn nước từ chính  đập tràn do gia đình già làng làm nên. 13 năm đã trôi qua, hơn 5ha lúa nước được cung cấp nước từ đập tràn mang tên già làng cùng với những sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước đã góp phần vào sự no ấm của bà con buôn Knia 4. 

Với một địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội như xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai thì rất cần đến vai trò của những người có uy tín như già làng Hmrik, dân tộc Gia Rai. Từ năm 2001 đến nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động bà con vượt biên trái phép, gây rối nhằm làm mất ổn định chính trị trên địa bàn. Với uy tín của mình, già làng Hmrik tích cực phối hợp với cán bộ dân chính trong làng, trong xã tuyên truyền, vận động bà con hiểu được âm mưu thâm độc của kẻ thù, từ đó, không tin, không nghe theo kẻ xấu, không theo các tà đạo.

Và theo già làng Hmrik thì nói không là chưa đủ, còn phải bằng những hành động cụ thể thì dân mới tin mới nghe. Với nguồn vốn tự có từ thành quả sản xuất của gia đình, già giúp đỡ vốn nhiều gia đình khó khăn về kinh tế làm ăn, sản xuất, nhất là những hộ có người đã từng lầm đường, lạc lối đi theo kẻ xấu. Từ đó, giúp họ yên tâm làm ăn lương thiện, sửa chữa sai lầm để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Còn với già làng Kra Jăn Ha Xuyên, dân tộc Cil, ở thôn Đạ Tế, xã Đạ Mrông, H. Dam Rông (Lâm Đồng), những sai lầm của quá khứ đã và đang được già khắc phục, sửa chữa để trở thành người có ích cho buôn làng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, già đã nhẹ dạ, cả tin nghe theo bọn phản động FULRO, già trốn vào rừng hoạt động chống phá cách mạng. Sau một thời gian, nhận ra được âm mưu thâm độc của kẻ thù, già trở về địa phương và nhận được sự khoan hồng.

Từ đó, già chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Việc tuyên truyền của già rất hiệu quả vì hơn ai hết trong làng, trong xã, già nắm rõ được âm mưu thâm độc của thế lực thù địch mà già đã từng nhẹ dạ nghe theo. Hiện thôn Đạ Tế không còn ai tin, nghe theo kẻ xấu.

Cùng với những già làng như già Y Hơ Êban, già Hmrik và già Kra Jăn Ha Xuyên, hơn 8.000 người có uy tín của 5 tỉnh Tây Nguyên đang phát huy tốt vai trò của mình ở các buôn làng. Người có uy tín ở Gia Lai phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng tổ chức được gần 90.000 buổi tuyên truyền cho bà con người dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tham gia đấu tranh trực diện với hơn 3.000 lượt đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi đưa ra kiểm điểm trước dân.

Người có uy tín tỉnh Đắc Lắc đã tích cực vận động nhân dân giao nộp hơn 4.000 vũ khí quân dụng, súng tự chế, tham gia giúp đỡ, quản lý và giáo dục cho hơn  2.000 đối tượng theo FULRO đã bị xử lý và hơn 3.000 thanh niên chậm tiến và nhiều đối tượng đã trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Người có uy tín tỉnh Kon Tum đã tích cực kêu gọi số đối tượng cốt cán theo tà đạo "Hà Mòn" đang bỏ trốn quay về với cộng đồng; tích cực tham gia nắm tình hình phát hiện và tố giác tội phạm, vận động số đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân...

Người có uy tín tỉnh Đắc Nông đã tích cực tham gia giải quyết hàng ngàn vụ việc gây rối trật tự công cộng, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân; vận động đồng bào không tin, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch; cảm hóa giáo dục hàng trăm đối tượng lầm lỗi trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội. Người có uy tín tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 2.800 buổi phát động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp, khiếu kiện và chống người thi hành công vụ...

Dự và lắng nghe từng gương điển hình tiêu biểu, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là “cánh tay nối dài” giúp cho lực lượng Công an nắm bắt kịp thời tình hình để đấu tranh phòng chống hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO. Người có uy tín đã phát huy được vai trò trong vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đồng thời góp phần quan trọng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình và của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Đại tướng Trần Đại Quang ghi nhận: “Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự thời gian qua, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Tiếp nối truyền thống, những già làng, trưởng buôn và những người có uy tín đang trở thành những cây đại thụ che chở cho các buôn làng ở Tây Nguyên chống lại các thế lực thù địch, vươn lên phát triển đời sống vật chất và tinh thần.

Công Bắc – Minh Tân