Người con phố Hội anh hùng

Thứ ba, 10/03/2020 18:20

Trong phòng trưng bày ở Bảo tàng Hội An có một hiện vật khá đặc biệt, đó là chiếc ghe được đóng bằng gỗ theo cách truyền thống xứ Quảng. Chiếc ghe này gắn liền với tên tuổi người con của phố Hội - anh hùng Lê Văn Đức, là vật chứng của thời khói lửa đau thương vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Chiếc ghe gắn với những chiến công của liệt sĩ Lê Văn Đức.

Lê Văn Đức (1926, trú thôn Thanh Nam, xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam)  trong một gia đình vạn chài nghèo, đông con. Từ nhỏ không chỉ theo cha dập dềnh trên sông nước để quăng chài, thả lưới mà còn phải làm thuê cho địa chủ, song cuộc sống gia đình vẫn lam lũ, hụt trước, thiếu sau. Là con trai lớn của gia đình nên năm 1939, Lê Văn Đức phải khăn gói ly hương vào Phan Thiết để làm thuê, mong có chút tiền phụ giúp cha mẹ nuôi nấng các em nhưng cuối cùng cũng chịu cảnh bóc lột sức lao động hết sức thậm tệ. Đầu năm 1946, ông quay về lại quê nhà.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, tháng 12-1946,  Lê Văn Đức tự nguyện gia nhập đội du kích mật xã Cẩm Thanh, bám đất, đánh địch giữ làng. Thi hành Hiệp định Genève năm 1954, một số cán bộ cách mạng ở địa phương phải tập kết ra Bắc nhưng Lê Văn Đức được tổ chức phân công ở lại cùng với các ông Trương Bút, Nguyễn Khoa - cán bộ xã gầy dựng phong trào. Tổ công tác này tiến hành nhanh chóng việc xây dựng cơ sở, vận động nhân dân trong vùng đòi hiệp thương tổng tuyển cử năm 1956. Để phá hoại Hiệp định, chính quyền Ngô Đình Diệm càng ráo riết đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, truy lùng những chiến sĩ cộng sản nằm vùng nên cuối năm 1957, Lê Văn Đức bị chúng nghi ngờ, bắt giữ tra tấn dã man, song chúng không có bằng chứng nên cuối cùng phải thả ông về địa phương.

Tuy vẫn biết địch có mật báo viên, liên gia trưởng theo dõi mình nhưng Lê Văn Đức vẫn bí mật móc nối lại cơ sở cũ, tìm mọi cách liên lạc với các đồng chí lãnh đạo Thị ủy Hội An để báo cáo tình hình. Đầu năm 1963, Lê Văn Đức được Thị ủy đưa về lực lượng binh vận thị xã do ông Đặng Ngọc Châu chỉ đạo với tính chất hoạt động bí mật. Hàng ngày ngồi trên chiếc ghe gỗ nhỏ nhoi vừa đánh bắt cá các vùng hạ lưu sông Thu Bồn để vừa kiếm tiền nuôi  sống gia đình. Ông vừa tìm cách móc nối, vận động và xây dựng cơ sở ngay trong hàng ngũ của địch, chọn Cồn Chài, xã Cẩm Thanh làm căn cứ mật để cung cấp tình hình cho Thị ủy. Từ năm 1963 đến 1967, Lê Văn Đức đã xây dựng được 15 cơ sở nội tuyến, 7 cơ sở quần chúng, qua đó nắm được nhiều thông tin quan trọng trong nội bộ địch và tháng 2-1968, Lê Văn Đức được Thị ủy ra quyết định kết nạp Đảng.

Trong thời gian này, Lê Văn Đức thường dùng chiếc ghe của mình lén lút chở gạo, thuốc men, đạn dược, tài liệu... từ trong nội thị ra ngoài vùng địch mất tầm kiểm soát để tiếp tế cho bộ đội, du kích, cán bộ địa phương. Nhiều lúc cũng chính chiếc ghe này, Lê Văn Đức chở các cán bộ hóa trang nhiều thành phần để đột nhập vào nội thị chỉ đạo phong trào đấu tranh ngay trong lòng địch và ngược lại rất an toàn. Vào một đêm tối năm 1968, ông cùng với người con trai đầu là Lê Văn Nhựt bước ra bến sông để vận chuyển tập tài liệu, sơ đồ đồn bốt và 20 quả lựu đạn M26 do cơ sở lấy của địch ra vùng giải phóng thì bị địch phát hiện. Một tiểu đội lính Trung đoàn 51 ngụy vây ráp nhưng ông giả vờ không quan tâm, thản nhiên đẩy ghe rời bến. Mặc cho chúng hô hào, nổ súng bị thương nặng nhưng ông đã nhanh tay rút tập tài liệu quấn trong người ra cột chung với 20 quả lựu đạn rồi thả xuống sông phi tang. Khi ghe cập bờ, bọn lính nhảy xuống lục soát ghe không thấy gì, Lê Văn Đức liền lấy cớ la lối, tố cáo chúng bắn giết dân thường, buộc chúng phải đưa ông vào nhà thương điều trị. Nằm trong nhà thương, ông tiếp tục căn dặn con trai Lê Văn Nhứt phải gài cho được 2 quả mìn định hướng tại bờ tre bến sông gần chợ cá bởi vị trí này bọn lính thường xuyên phục kích và 2 ngày sau mìn nổ, tiêu diệt tại chỗ 12 tên.

Do tên Thít, một cơ sở phản bội, trở thành tên chỉ điểm rất nguy hiểm. Sáng 25-4-1969 bọn lính ập tới vây quanh ngôi nhà tranh của Lê Văn Đức, khui được hầm bí mật ngay dưới nền nhà của ông. Chúng bắt tất cả mọi người trong gia đình tra khảo, đánh đập tàn bạo nhưng không làm ông hé răng, không khai báo điều gì, kiên quyết bảo vệ mạng lưới cơ sở nội tuyến của ta. Bị giam ở Nhà lao Hội An một thời gian, cuối cùng chúng lại thả ông  ra và tiếp tục nhận nhiệm vụ mới của tổ chức.

Chiều 22-12-1973, Lê Văn Đức chèo ghe đến địa điểm hẹn trước để nhận chỉ thị của cấp trên. Khi ghe vừa tới Cồn Chài thì địch phục sẵn nổ súng, Lê Văn Đức hy sinh. Trong bản lý lịch liệt sĩ mà gia đình đang lưu giữ còn có khá nhiều các chi tiết về thành tích chiến đấu như: Chuyển bằng ghe 270 quả lựu đạn, 7 súng, 20kg thuốc nổ, đào 3 hầm bí mật. Tháng 12-1967, dẫn đường bộ đội tiêu diệt đại đội lính Mỹ tại cầu Phước Trạch, diệt 2 ác ôn khét tiếng, đánh 1 đại đội lính bảo an ở xã Cẩm Kim, phá hủy kho vũ khí của biệt kích Tây Hồ... Bên cạnh đó còn có câu chuyện hết sức cảm động về tình đồng chí. Đó là cuối năm 1967, anh Kim, một du kích xã Cẩm Thanh bị địch bắn hy sinh tại Cồn Chài, thi thể chìm dưới đáy sông sâu. Quá đau đớn về sự mất mát này và không thể để xác đồng đội trôi mất nên tuy bị địch tuần tiễu liên tục, lại đang bị ốm nặng nhưng đợi thật khuya Lê Văn Đức mới trầm mình ngụp lặn dưới đáy sông buốt lạnh mấy đêm liền để vớt đồng đội mang lên bờ chôn cất... Ngày 6-11-1978, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Lê Văn Đức.

THÁI MỸ