Người con Vân Kiều làm thơ về nguồn cội

Thứ bảy, 20/09/2014 07:43

(Cadn.com.vn) - “Tiếng chiêng dài bảy núi chín đèo/vang như tiếng hú của đàn ông, đàn bà/tìm nhau trong rừng rậm/âm thanh từ thuở hoang sơ/của ông cha một thời lận đận/đến bây giờ vẫn lắng đọng trong tim”...

Những dòng thơ này được xem là lời giới thiệu về bản thân mình của nhà thơ Hồ Chư- một người con của dân tộc Bru-Vân Kiều H.Đakrông, Quảng Trị. Ông tốt nghiệp đại học Sư phạm Việt Bắc, làm báo, làm thơ, có mặt trong những tập sách thể hiện đời sống văn hóa của con người Quảng Trị trong những năm gần đây như Cơn bão đá, Chút hương rừng, Non Mai sông Hãn...

Nếu đại ngàn Trường Sơn đã trao cho những người Bru-Vân Kiều cuộc sống thì cũng đã trao cho nhà thơ Hồ Chư nhiều cảm xúc nhân văn, những cảm hứng nghệ thuật để viết thành thơ về bản làng, về con người ở mảnh đất này, núi rừng này.

Ví như con sông quê hương được nhà thơ Hồ Chư đưa vào thơ một cách chân thành và giản dị: “Con sông quê tôi/bên bồi, bên lở/khi đục khi trong/khi chảy chung dòng/khi chia đôi ngả/con sông quê tôi/như một đời người/lâm li đau khổ/khi vui rạng rỡ/khi buồn nao nao”...

Với A Vao, người đọc biết đến đỉnh núi chạm mây, vài mái nhà sàn, đèo cao suối thẳm. Với Tà Mêl có đá ghềnh lởm chởm, có bộ đội về với đồng bào xây niềm tin, lo cái chữ, cái đau, cái đói, giữ bình yên cho dải đất biên cương... qua các tập thơ Hoa trên đá, Dòng mưa muộn màng, Theo dòng Krông Klang, Tiếng gió rừng. Nhà thơ Hồ Chư viết những dòng thơ nhuần nhị về quê hương trong hai chiều của thời gian.

Một chiều là “thuở xưa quê tôi đầy bóng tối, người sinh ra không biết họ của mình, có cái tên mà không có họ, đếm rẫy nương để tính ngày sinh, kiếp ngựa trâu còng lưng cam chịu, ngẩng đầu lên không thấy ánh mặt trời”. Một chiều là “quê hương ta đã đổi thay rồi, phù sa đôi bãi hồng tươi đất, trĩu nặng vườn cây nắng xanh trời, nét mặt con người vui duyên mới, làng bản mỗi ngày thêm hương sắc”…

Trên quê hương nguồn cội của mình, có lúc nhà thơ Hồ Chư nhìn lại mình trong cuộc sống, tự soi mình qua làn nước của con sông quê, chiếc giếng làng để thấy được quê hương đổi mới, hiểu mình buồn vui. Đấy cũng là cách nhà thơ Hồ Chư thêm phần sâu sắc vào ý thức về nguồn cội khi “Đò xuôi dòng Thạch Hãn/tôi nhớ về chiến khu/nơi ta thành chiến sĩ/thời chiến tranh mịt mù” hay khi nhìn thấy “Ánh điện đã sáng trên núi/như sao lấp lánh giữa đời/ngôi sao thì xa vời vợi/ánh điện tỏa sáng đời tôi”...

Nhà thơ Hồ Chư và cháu gái.

Đặc biệt, trong cảm thức về nguồn cội của nhà thơ Hồ Chư có sự trở đi trở lại của tiếng chiêng và người Mẹ. Tiếng chiêng là âm thanh đã trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần của người Bru-Vân Kiều bao đời nay và nhà thơ Hồ Chư khắc họa nét đặc trưng đó của tiếng chiêng của dân tộc mình: “Tiếng chiêng xua nỗi đau/tiếng chiêng bắc nhịp cầu giữa bây giờ và quá khứ/tiếng chiêng làm cho núi sông rạng rỡ/lung linh ngày tháng mặt trời lên/tiếng chiêng của bản mường ta đó/tiếng núi sông nghìn thuở cha ông/tiếng nhịp tim bập bùng ngọn lửa/tiếng nghìn đời sâu nặng thiết tha/tiếng chiêng là bạn của muôn nhà và quê hương ta đó/tiếng chiêng hòa trong gió/vượt thời gian qua bảy núi, chín đèo”.

Đồng thời, cội nguồn trong thơ của Hồ Chư là người Mẹ Bru-Vân Kiều “suốt ngày gắn với rẫy nương/trên lưng gùi nặng măng rừng, sắn khoai/thương con không bến, không bờ”. Trên mỗi triền sông, trước những dáng núi sẽ thấy được tầm cao và chiều rộng của niềm tự hào luôn hiện hữu trong thơ Hồ Chư viết tặng quê hương nguồn cội: “Con sông bên lở bên bồi/lòng tôi mang suốt một đời yêu mơ/tôi đi chưa hết bến bờ/đã nghe sóng cuộn lời thơ cuộc đời”, “Núi đứng/khí phách Trường Sơn/mang tâm linh từ cội nguồn ông cha/bao nhiêu thế núi quê ta/hồn thiêng đất nước, sơn hà ngàn năm”.

Nguyễn Bội Nhiên