Người cựu binh và hai người bạn Mỹ

Thứ năm, 27/04/2017 08:57

(Cadn.com.vn) - Đại tá CCB Võ Cao Lợi ở nhà số 54-Nguyễn Hữu Thọ được người dân Đà Nẵng biết đến là chủ quán cà-phê mang tên Cổ Lũy Cô Thôn mang đậm chất làng quê. Mọi người cũng biết nhiều đến ông là nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968). Nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng, tại quán cà-phê dân dã của mình, ông đã được gặp gỡ và trở thành nhân vật của hai nhà báo và điện ảnh nổi tiếng của Mỹ.

NGẠC NHIÊN KHÁC NGOÀI SƠN MỸ

Những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón một vị khách khá đặc biệt đến từ bên kia nửa bán cầu. Đó là nhà báo Mỹ Seymour M. Hersh, người đã thực hiện loạt bài phóng sự điều tra và viết cuốn sách My Lai 4: A Report on the Massacre and its aftermath (Mỹ Lai 4: Báo cáo về các vụ thảm sát và hậu quả của nó) phanh phui một sự thật kinh hoàng về tội ác của lính Mỹ khi đã gây ra cái chết của 504 người dân vô tội ở Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Cuốn sách giúp ông đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer trong năm 1970. Sau khi rời Sơn Mỹ trong thổn thức, nhà báo Seymour M. Hersh đã về Đà Nẵng tìm một người mà ông nói với gia đình rằng rất đáng gặp, đó là Đại tá Võ Cao Lợi. Thật ra cơ duyên để nhà báo nổi tiếng này gặp Đại tá Võ Cao Lợi chính là từ những bài báo lịch sử mà ông Lợi gửi cho các tạp chí khi còn đương chức và cả sau này về hưu. Khi ông Seymour M. Hersh cần một nhân vật của Sơn Mỹ để phỏng vấn thì một lưu học sinh Việt Nam đã giới thiệu với ông Đại tá Võ Cao Lợi, người trực tiếp chứng kiến mẹ, chị dâu và đứa cháu bị Mỹ giết hại ở Sơn Mỹ. Thư điện tử được gửi qua trước đó để người được phỏng vấn chuẩn bị nhưng thật ra, ông Lợi vốn là nhà viết sử nên không mất công chuẩn bị gì nhiều…

Chỉ chiếc bàn uống nước ngay quầy pha chế cà-phê, Đại tá Võ Cao Lợi mỉm cười nhớ lại: “Không hiểu tình cờ hay cố ý mà ông Seymour đến thăm tôi đúng 70 năm ngày thành lập Quân đội 22-12-2014. Ngồi bên chiếc bàn này, ông ấy khen phong cảnh nơi đây hữu tình và tỏ vẻ thích thú. Đó là một người làm việc vô cùng cẩn trọng, nghiêm túc. Khi nghe tôi kể chuyện con mương cuối xóm, nơi bọn lính Mỹ tàn bạo bắt từng tốp 30, 40 người đến đây rồi xả súng liên thanh. Hơn 170 xác người chồng chất lên một đoạn mương chưa đầy 20m. Kiểm tra trong máy ảnh chụp hôm qua không thấy con mương thảm khốc, ông ấy liền bảo cô gái trợ lý người Mỹ đi cùng quay trở lại Quảng Ngãi để chụp”. Điều nhà báo Seymour M. Hersh ngạc nhiên nhiều không phải ở Sơn Mỹ bởi vì ông đã biết rành mạch từ những lính Mỹ tham gia vụ thảm sát mà chính là sức mạnh của quân đội Việt Nam. Khi biết Võ Cao Lợi lúc này mới 15 tuổi sau khi rời Sơn Mỹ đã đi bộ đội trong đội hình của Cục Chính trị Quân khu 5 và đóng quân ở vùng căn cứ Quảng Nam nhiều năm liền cho đến ngày giải phóng, ông Seymour M. Hersh đã hỏi rất tỉ mỉ về cái căn cứ kỳ diệu ấy. Làm sao quân giải phóng có thể giữ được bí mật với một lực lượng lớn như thế và tồn tại trong điều kiện thiếu thốn lương thực và đạn lửa kẻ thù bao quanh.

Đại tá Võ Cao Lợi (ngoài cùng bên phải) và nhà báo Mỹ Seymour M. Hersh

Trở về Mỹ, nhà báo Seymour M. Hersh đã có bài “Lá thư từ Việt Nam” miêu tả chuyến đi thăm lại Sơn Mỹ trên tạp chí New Yorker. Trong bài có đoạn viết về căn cứ đặc biệt mà ông gọi là “trụ sở Việt Cộng” ở phía tây, nơi cậu bé Lợi đã sống và đi kể về vụ thảm sát để bộ đội thêm căm thù tội ác mà Mỹ gây ra, từ đó càng quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương. Lời cảm kích của Đại tá Võ Cao Lợi cũng được ông Seymour M. Hersh ghi lại gần nguyên văn: “Quân giải phóng là gia đình thứ hai của tôi vì đã thương tôi, cưu mang, giúp đỡ tôi, một cậu bé sống sót trong Sơn Mỹ”. Cuốn tạp chí này sau đó đã được nhà báo gửi tặng ông Lợi qua đường bưu điện. Con mương được đưa vào cuốn tạp chí như một nhân chứng không thể thiếu về Sơn Mỹ.

CỰU BINH MỸ LÀM PHIM VỀ CCB VIỆT NAM

Nếu như Đại tá Võ Cao Lợi chỉ có 3 tiếng đồng hồ với nhà báo Seymour M. Hersh thì với giáo sư Daniel, dạy khoa điện ảnh Trường Đại học  San Francisco, Mỹ và đoàn làm phim thì ông có đến hai ngày làm việc miệt mài. Giáo sư Daniel từng là một cựu binh Mỹ ở Iraq nên ông muốn có một bộ phim về các cựu binh ở các nước trên thế giới. Trước khi đến Việt Nam, ông đã đi quay ở 30 nước. Ở Đà Nẵng, Đại tá Võ Cao Lợi là một trong 4 nhân vật của ông. Giáo sư Daniel muốn biết một CCB đã trải qua nhiều đau thương như ông Lợi khi về với đời thường sẽ làm những điều gì. Mở một quán cà-phê tái hiện hình ảnh quê hương để làm nơi gặp gỡ đồng đội, viết sách lịch sử, tham gia học tiếng Hán Nôm để nâng hiểu biết quả là điều thú vị ở ông Lợi mà nhà làm phim không ngờ đến. Điều giáo sư tâm đắc và khâm phục nhất ở CCB Sơn Mỹ đó là lòng bao dung trước những tội ác ghê gớm mà lính Mỹ gây ra. Ông Daniel nói: “Tôi đã từng nghe rằng người Việt Nam rất bao dung, nhân hậu, nhưng nói thật, khi đặt chân đến đây tôi cũng rất lo sợ. Bây giờ trực tiếp gặp người dân nơi đây thì tôi hiểu rằng, các bạn tôi nói đúng”. Đoàn làm phim đã về quê ông Lợi, thăm nhà chứng tích Sơn Mỹ, thắp hương cho người thân của ông đã chết trong vụ thảm sát.

Giáo sư Daniel (trái) với Đại tá Võ Cao Lợi.

Ông Lợi cho biết, ông rất vui khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm hiểu và viết về Sơn Mỹ dù đã 49 năm trôi qua. Tuy nhiên ông chỉ là một nhân chứng. Còn rất nhiều nạn nhân có người thân bị thảm sát hiện đang làm ăn xa vẫn chưa thống kê hết và cũng chưa có chế độ nào giúp đỡ những trường hợp kinh tế khó khăn hay ít ra cũng hỗ trợ  họ tàu xe để mỗi năm vào dịp 16 - 3 thăm lại quê hương. Năm 2013, ông Lợi đã có chuyến đi liên tỉnh, gặp nhiều con em Sơn Mỹ đã đi làm ăn xa và gọi họ về hội ngộ. Ông hy vọng rằng sang năm 2018, nhân tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, những điều này sẽ được địa phương và các tổ chức xã hội quan tâm, giải quyết để ký ức đau buồn năm nào sẽ nhẹ nhõm hơn trong lòng mỗi người dân Sơn Mỹ.

Hồng Vân