Người dân bức xúc vì bò giảm nghèo không xứng với tiền hỗ trợ

Thứ sáu, 14/10/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, nhiều huyện nghèo của cả nước, cuộc sống người dân đã được cải thiện nhờ sự vào cuộc, tham gia của các cấp chính quyền trong thực hiện chủ trương hỗ trợ cây trồng, con giống. Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh, như chuyện "bò to, bò nhỏ", không tương xứng với số tiền của nhà nước và người dân bỏ ra như ở Bắc Trà My, Quảng Nam.

Bò giảm nghèo bảo hành... 15 ngày?

Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Văn Tư, Trưởng thôn 2, xã Trà Nú, H. Bắc Trà My cho biết, trong tổng số 22 con bò hỗ trợ xóa đói giảm nghèo theo chương trình 135 của xã thì thôn 2 nhận được 10 con. Sau khi nhận, một số hộ gia đình cho rằng bò nhỏ, không đạt trọng lượng so với số tiền tương ứng. Trong các cuộc họp thôn, vấn đề này cũng được người dân nêu ra, sau đó xã cũng đã tổ chức cuộc họp để giải thích nhưng nhiều người không đồng tình. "Hiện có một con trong số này bị chết. Một con ăn uống, đi lại kém nên người dân lo lắng quá cũng phải đưa lên đổi lại để lấy con khác", anh Tư cho hay. Bà Nguyễn Thị Nam (trú thôn 1, xã Trà Nú) yêu cầu chúng tôi đi theo ra ngoài rừng để dắt con bò về mục sở thị trước sự chứng kiến của trưởng thôn và Chủ tịch UBMTTQ xã Trà Nú. Theo bà Nam, con bò được tính giá trị 15 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 10 triệu, còn lại là vốn đối ứng của chủ hộ. Tuy vậy, bò quá nhỏ so với định giá. Là người thoát nghèo nhờ nuôi bò giống, hiện đang sở hữu đàn bò 20 con và thường xuyên biết giá của thị trường, trưởng thôn Huỳnh Văn Tư cho rằng con bò như của bà Nam trị giá chỉ khoảng 7-8 triệu đồng. Người dân tại xã Trà Nú thông tin, hầu hết bò hỗ trợ có vốn đối ứng cho họ trong dịp này được cung cấp từ Cty Quốc Gia Huy, có phần góp vốn của Phó Chủ tịch xã.

Theo bà Trần Hồng Thúy, Chủ tịch UBND xã Trà Nú, khi cấp bò cho người dân, xã đã mời các ban ngành của huyện để tổ chức nghiệm thu, theo đó, bò từ 130-150kg thì người dân đối ứng 3 triệu, còn trên 150kg đối ứng 5 triệu. "Chúng tôi đa phần cấp bò có trọng lượng trên 150kg. Do người dân nhìn vào các xã khác rồi so sánh với bò của mình rồi thấy nó nhỏ, chứ thực tế xã tổ chức bốc thăm, trúng con nào thì lấy con đó. Nếu bà con không mặn mà thì chúng tôi trả lại tiền và chuyển sang hướng cấp cây trồng với điều kiện bà con phải có mặt bằng. Cuối cùng bà con đồng ý nhận bò", bà Thúy cho biết. Về trường hợp bò chết và bò có thể trạng ốm yếu, bà Thúy cho rằng, một con chết là do người dân chăn thả không cẩn thận nên bị quấn dây, một con ốm yếu thì đã được xã cho đổi lại. Nguyên tắc là hết thời gian bảo hành thì không được đổi nữa nhưng xã đã linh động giải quyết. Hỏi thời gian bảo hành bò cho người dân là bao lâu, bà Thúy nói là... 15 ngày! "Các anh cứ nghĩ người dân nộp 5 triệu đồng là được con bò, chứ đừng nghĩ đến phần hỗ trợ của nhà nước!", bà Thúy nói, đồng thời giải thích thêm là việc lãnh đạo xã góp vốn cùng một Cty cung cấp bò cho người dân là việc làm bình thường trong bối cảnh các nguồn thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

Tại xã Trà Giác, chuyện bò to, bò nhỏ cũng được người dân phản ánh tại các cuộc họp từ thôn đến xã. Theo ông Đinh Văn Tý, Trưởng thôn 2 thì từ trước đến nay sau khi cấp cũng xuất hiện bò bị đau ốm, thậm chí năm ngoái cũng có bò chết do thể trạng nhỏ, sức khoẻ kém.

Trưởng thôn Huỳnh Văn Tư cho biết, ngoài việc có bò bị ốm yếu, một số con trong tổng số 10 con mà thôn được nhận không tương xứng với số tiền.

Bà Nguyễn Thị Nam cho rằng con bò được nhận quá nhỏ so với số tiền 15 triệu.

Phụ thuộc nhiều vào đơn vị cung cấp?

Ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My cho biết, trong năm 2016, huyện dành 3,1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân 11 xã chuyển đổi cây trồng, bò giống xóa đói giảm nghèo theo chương trình 135, trong đó hơn 2 tỷ đồng dùng để cung cấp bò giống. Ông tỏ ra ngạc nhiên khi nghe thông tin bò xóa đói giảm nghèo chỉ được bảo hành 15 ngày như lời của Chủ tịch UBND xã Trà Nú Trần Hồng Thúy. Ông khẳng định, đối với bò hỗ trợ cho các hộ nghèo, thời gian bảo hành là 6 tháng, đau ốm phải có thú y đến kiểm tra, chăm sóc, điều trị không được thì phải đổi, đơn vị cung ứng chịu mọi chi phí liên quan. Quy trình khi cấp bò cho người dân cũng được thực hiện kỹ càng như họp dân, lấy ý kiến chủ đầu tư, xã xây dựng phương án, thông qua Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp xem xét trước khi chuyển cho Phòng Tài chính huyện thẩm định giá. Chuyện người dân phản ánh "bò to, bò nhỏ", ông Nhuần cho hay, vì có 3-4 nhà cung cấp, số lượng bò nhiều nên khó tránh khỏi chuyện chênh lệch về trọng lượng, chiều cao, chiều dài. Riêng vấn đề bò được cấp không tương xứng, thậm chí có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền nhà nước hỗ trợ và người dân đối ứng, ông lý giải: "Do nhà cung cấp phải trả thuế kinh doanh cũng như các khoản phí khác mà họ bỏ ra. Giá đến người dân phải phù hợp với thẩm định của phòng tài chính"...

Chúng tôi thiết nghĩ, việc hỗ trợ cây trồng, con giống để giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo và làm giàu là chủ trương hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, trong việc hỗ trợ bò giống ở  xã Trà Nú như phản ánh của nhiều người dân địa phương rằng bò quá nhỏ so với định giá là thiệt thòi cho bà con. Đừng nghĩ đến chuyện "người dân bỏ ra 5 triệu là có con bò" mà làm mất ý nghĩa của chương trình này.

Đông A