Người dân cần có bữa cơm ngon với thực phẩm an toàn

Thứ tư, 11/04/2018 09:58

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại buổi lễ Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm" do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 10-4.

Nâng cao VSATTP thông qua việc tổ chức phiên chợ thực phẩm sạch. Trong ảnh: Phiên chợ nông dân Evergreen do Công ty TNHH Tư vấn mãi xanh Labs (Evergreen Labs) tổ chức tại Đà Nẵng (năm 2017).

Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh

Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi và một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra, điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tình hình ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho rằng, để tồn tại những vấn đề trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Đồng thời, do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo ông Trần Văn Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế H. Hòa Vang, ATTP luôn là vấn đề nóng được sự quan tâm của xã hội hiên nay, trong đó không thể không kể đến khâu sản xuất ban đầu ngành nông nghiệp. Hòa Vang hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu của thành phố với khoảng 5.000 ha lúa/năm, 100 ha sản xuất rau đã được quy hoạch, hơn 150 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, gần 400 ngàn gia súc, gia cầm các loại và hơn 1.536 hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. "Hòa Vang cam kết tiếp tục quản lý, kiểm tra 100% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết về điều kiện đảm bảo ATTP. Qua đó, không để cơ sở nào vi phạm điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn", ông Thanh khẳng định.

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Cty TNHH MTV chế biến thực phẩm Đà Nẵng - cơ sở giết mổ tập trung lớn nhất thành phố cho biết, sản lượng mỗi ngày của đơn vị khoảng 1.000 con heo, 1.300 con gà, ngoài ra còn có các gia súc khác như dê, bò. Ông Anh cho rằng: "Hiểu rõ sức khỏe là vốn quý nhất của con người, chúng tôi cam kết việc nâng cấp, cải thiện máy móc, quy trình giết mổ và đảm bảo vệ sinh. Mục đích cuối cùng của Cty là vì thực phẩm an toàn, vì sức khỏe người tiêu dùng".

Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn lạc hậu, cũ kỹ. 

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, mục tiêu của Tháng hành động vì ATTP năm 2018 là nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP của cơ quan, đơn vị tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Qua đó, tạo chuyển biến căn cơ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hình thành nếp sống văn hóa, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

"Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật; tuyệt đối không thể để thực phẩm, rượu, rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, các đoàn thanh kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, kinh doanh thực phẩm là rượu, rau, thịt, thủy sản không có nguồn gốc. Đồng thời, sẽ áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP", ông Hải khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, hiện nay các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình nên cơ sở nhà xưởng xuống cấp, trang thiết bị còn lạc hậu, cũ kỹ. Ngoài ra, nguồn hàng thực phẩm nhập vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau với số lượng rất lớn, đa dạng, chất lượng chưa rõ, trong khi một bộ phận đáng kể người dân thành phố có thu nhập chưa cao, có xu hướng lựa chọn thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Việc kiểm soát ATTP đối với sản phẩm rau củ quả hiện nay còn nhiều khó khăn; thị trường thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều hơn 96 hoạt chất khác nhau nhưng các phòng thí nghiệm chỉ xác định được tối đa 96 chỉ tiêu hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật… Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị các cấp, ngành, đơn vị địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình "Thành phố 4 an" trên địa bàn thành phố với lĩnh vực ATTP. Đồng thời, tiếp tục liên kết với các tỉnh để cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP trong trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt cần chú ý bảo đảm an toàn trong sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng ATTP đối với rau, quả, thịt, thủy sản lưu thông trên thị trường và nhập khẩu. Đặc biệt, tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do các ngành quản lý. Nêu cao trách nhiệm của UBND các cấp và người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý ATTP…

"Tôi tin tưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành cùng với sự hỗ trợ giám sát của tổ chức xã hội, các đoàn thể, ý thức về nghĩa vụ, chấp hành tốt của chủ doanh nghiệp về ATTP và nhân dân là những người tiêu dùng thông thái, chắc chắn Đà Nẵng sẽ đạt được mục tiêu "Thành phố an toàn thực phẩm". Để trong tương lai không xa, mỗi người dân đều có những bữa cơm ngon với thực phẩm an toàn", Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

LÊ HÙNG