Người dân “chê” nhà tái định cư!
Kbang là huyện được đầu tư xây dựng nhiều ngôi làng tái định cư bậc nhất tỉnh Gia Lai để bố trí chỗ ở cho hộ nghèo. Những tưởng về ngôi nhà khang trang, hiện đại, cuộc sống của bà con sẽ đổi mới hơn..., không ngờ chỉ một thời gian ngắn, nhà nhà, người người nối nhau trở về rừng sâu (nơi ở cũ) vì một lý do không ai bắt lỗi được: Nơi ở mới thiếu đất sản xuất. Hậu quả, những ngôi làng tái định cư đầu tư hàng chục tỷ đồng giờ lâm cảnh nhà không, làng trống...
Hàng loạt khu tái định cư ở H. Kbang xây xong bố trí cho dân ở giờ đang nhà không, làng trống. |
Xây nhà để... ngắm!
Trong những ngày thực hiện phóng sự phá rừng ở H. Kbang giữa tháng 10-2017, chúng tôi ngang qua ngôi làng Pngal, xã Krong. Đây là ngôi làng nằm sát bên bìa rừng của vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Chúng tôi ngạc nhiên khi cả vài tiếng đồng hồ đi quanh làng với những ngôi nhà rất khang trang, rộng rãi, nhưng chỉ bắt gặp vài bóng người thưa thớt. Chỉ đến khi gặp được trưởng làng - ông Đinh Xoanh, chúng tôi mới vỡ lẽ mọi chuyện, rằng làng mới dù đẹp, nhà ở rộng rãi, nhưng do thiếu đất sản xuất nên bà con lần lượt rủ nhau trở về làng cũ dựng nhà tạm mưu sinh. Và làng mới với vô số căn nhà tái định cư khang trang xây lên chỉ để... ngắm!
Ông Xoanh cho hay, sau khi huyện xây dựng xong ngôi làng mới này năm 2011 với gần 100 nóc nhà, tổng cộng 450 nhân khẩu đã về đây sinh sống. Nhưng chỉ được hơn 1 năm, bà con lần lượt khăn gói về làng cũ. Đến nay gần như ngôi làng đã bỏ trống, có nơi cỏ mọc um tùm. “Nguyên nhân chính là bà con thiếu đất sản xuất nên mới bỏ làng đi. Ở đây mỗi hộ chỉ có 1 sào ruộng, nhưng mùa canh tác nào cũng chỉ 1 đến 2 tháng là hết nước. Mà đất nơi đây cũng bạc màu, đất dốc, trồng cây lên không nổi. Họ về làng cũ dựng chòi, sống kiểu du canh, du cư như trước đây, tối về chòi tạm ngủ chứ không chịu ở nhà mới tái định cư” – ông Xoanh nói.
Tương tự như làng Pngal, cách trung tâm H. Kbang khoảng 25 km là 2 làng tái định cư Tung và Làng Gút (gần 150 hộ) cũng thuộc xã Krong đang chung cảnh ngộ. Nhìn từ xa, các ngôi làng rất đẹp, trải dài những mái ngói đỏ tươi, nhưng bước tới làng, cảnh đìu hiu hiện ra ảm đạm trước mắt. Bên trong từng ngôi nhà, chỉ lác đác vài con vật nuôi, vài bộ áo quần cũ kỹ vắt ngổn ngang chứ không thấy người. Cạnh làng, những trụ điện, ngôi trường, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng đều có, xong chỉ vì thiếu đất sản xuất, người dân đã bỏ làng đi gần hết, hầu hết là chui vào rừng làm lán trại ở, tìm đất canh tác.
Anh A Pó, cư dân ít ởi còn đi tới đi lui về làng thổ lộ: Đất ở đây làm ăn không được, bà con phải về chỗ cũ sâu trong rừng ở tạm, kiếm đất canh tác chứ ở nhà đẹp mà không có lúa mỳ đổ vô miệng, sống sao đây. Dân chúng tôi quen sống kiểu du canh du cư lâu rồi, nên khi nào xã có họp hành thì dân mình mới kéo ra họp thôi. Như lời lãnh đạo xã Krong thì, làng Tung và Gút được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn chục tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Được xây dựng rất khang trang nhưng những ngôi nhà tái định cư |
Hệ lụy thấy rõ
Ông Đinh Ble, Phó Chủ tịch UBND xã Krong kể, bà con dân làng Tung và làng Gút được vận động về các làng tái định cư có đầy đủ cơ sở vật chất (đường, điện, trường, trạm) từ năm 2011-2012. Có điều, cả 2 làng chỉ được hỗ trợ 50ha đất sản xuất, mà khu vực đất toàn đồi núi và dốc nên bà con rất khó canh tác. Bà con cứ lần lượt bỏ làng đi về làng cũ cách đây khoảng 10 km. Truyền thống xưa nay, bà con chủ yếu là làm lúa rẫy, nên để ổn định cuộc sống của bà con thì chính quyền các cấp có thẩm quyền phải có đầu tư mạnh về sản xuất, tạo điều kiện cho bà con có thu nhập. Cũng vì bà con bỏ đi nên chính quyền cũng khó khăn trong việc quản lý các các vấn đề y tế, giáo dục... Thế mới có chuyện, đến giờ tựu trường, thầy cô phải vào rẫy tìm bà con vận động. Bà con ốm đau cũng thế, cán bộ phải lội rừng cấp phát thuốc cho bà con. Và đối diện với cảnh này, bà con gánh trên vai mãi cái đói, cái nghèo. Theo thống kê, hiện số hộ nghèo của các làng tái định cư của Kbang lên tới hơn 70%, có làng số hộ nghèo còn cao hơn nữa, như làng Tung có 69 hộ thì có tới 53 hộ nghèo (chiếm 76,8%); làng Gút 84 hộ thì 68 hộ nghèo (82%).
Chủ tịch UBND H. Kbang, ông Võ Văn Phán, cho biết, câu chuyện người dân các làng tái định cư “chê” nhà mới về ở nơi cũ huyện đã biết từ lâu và cũng đang chỉ đạo các ngành kiểm tra, rà soát thật kỹ để có những giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Theo ông Phán, trước đây trong quá trình tái định canh, định cư cũng có đất cho nhân dân chứ không phải không, tuy nhiên người dân chưa sử dụng. Hiện tại huyện đang xúc tiến công tác đánh giá lại quỹ đất mà nhân dân chưa sử dụng xem có phù hợp hay không rồi rà soát quỹ đất sau quy hoạch 3 loại rừng để xem xét giải quyết đất tái định canh cho bà con. Huyện cũng chỉ đạo các ngành tập trung vào chương trình cải tạo đất, vận động, tuyên truyền dân sản xuất sao có hiệu quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những ngôi làng tái định cư, định canh theo chính sách hỗ trợ của nhà nước thì tại H. Kbang còn có nhiều ngôi làng tái định cư do nhường đất cho các dự án thủy điện. Nhưng cũng vì thiếu đất, bà con cũng đang bỏ nhà tái định cư để trở về làng cũ, phát nương làm rẫy. Mà hệ lụy kéo theo là nạn phá rừng làm rẫy ngành càng tăng, tỷ lệ đói nghèo cao, học sinh nghỉ học, ốm đau không tránh khỏi. Trong khi chờ đợi giải pháp căn cơ nhất từ phía chính quyền địa phương các cấp, người dân ở những ngôi làng tái định cư, định canh ở Kbang vẫn đang từng ngày đối mặt với những khó khăn chồng chất trong việc tìm kế mưu sinh. Và nếu không sớm khắc phục, đói nghèo sẽ còn đè nặng trên vai bao thế hệ và rừng vẫn sẽ còn tiếp tục bị xâm hại. Tất nhiên, những ngôi nhà tái định cư sẽ còn bị bỏ hoang ngày một nhiều.
CÔNG HẠNH