Người dân chưa đồng thuận việc dùng vốn 135 mua máy cày

Thứ năm, 12/02/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận tại xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc (Quảng Nam) xôn xao về chuyện chính quyền địa phương sử dụng tiền hỗ trợ cho người nghèo theo chính sách Chương trình 135 của Chính phủ để mua máy cày cấp cho hộ giàu. Chuyện xảy ra như thế nào và có như dư luận đang bàn tán?

Xã Đại Thạnh là xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của H. Đại Lộc, được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135. Để giúp những hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo một cách bền vững, năm 2014, Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và UBND xã Đại Thạnh đã chuyển toàn bộ số tiền trên cho thôn An Bằng (xã Đại An).

P.V Báo Công an TP Đà Nẵng làm việc cùng ông Huỳnh Văn Mười và ông Mai Xuân Thành.

Để sử dụng nguồn kinh phí này một cách đúng mục đích, giúp những hộ khó khăn có cơ hội thoát nghèo, Ban Dân chính (BDC) thôn đã tổ chức họp lấy ý kiến của 59 hộ nghèo trong thôn về việc lựa chọn loại hình gì cho phù hợp với thực tế. Tại cuộc họp ngày 6-12-2014, BDC thôn đã quyết định sử dụng số tiền trên mua máy cày để giải quyết vấn đề thiếu sức kéo tại địa phương. Đầu tháng 1-2015, UBND xã giao cho các ông Võ Kênh (Kế toán trưởng), Lê Ngọc Trung (Cán bộ phụ trách nông nghiệp) đi mua 2 máy cày hiệu Kubota đã qua sử dụng của Cty TNHH An Thiện Tâm (Đà Nẵng), với tổng số tiền 248.700.000 đồng. Sau đó, 2 chiếc máy cày này được BDC thôn An Bằng giao lại cho các ông Đoàn Ngọc Đãi (Phó BDC thôn An Bằng), ông Mai Xuân Huệ, ông Phan Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Sơn (là những đối tượng không thuộc diện hộ nghèo) quản lý, sử dụng...

Tìm hiểu thêm sự việc, ngày 6-2-2015, chúng tôi đã làm việc với ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh và ông Mai Xuân Thành, Trưởng thôn An Bằng. Tại buổi làm việc, ông Mười khẳng định: Tất cả các thủ tục về việc chọn lựa mô hình phát triển sản xuất, quá trình mua máy và đối tượng quản lý 2 chiếc máy cày này đều được thực hiện đúng các quy trình do Nhà nước quy định. Còn ông Mai Xuân Thành đã cung cấp cho chúng tôi biên bản họp thôn, dự thảo phương án quản lý, sử dụng 2 chiếc máy cày trên do chính ông viết nhưng chưa được sự phê duyệt của các cơ quan chức năng...

Qua nghiên cứu các tài liệu vừa được cung cấp, chúng tôi nhận thấy những nội dung còn quá sơ sài, chưa thể hiện đúng bản chất sự việc. Cụ thể, tại biên bản họp thôn được ghi số lượng hộ nghèo tham gia buổi họp là 46/59 người nhưng phần ký xác nhận chỉ có 6 chữ ký; trong biên bản này thiếu cả phần ý kiến của người dân... Dự thảo phương án được viết một cách chung chung, không do người trực tiếp quản lý, sử dụng máy lập và ký tên.

Một trong hai chiếc máy cày được UBND xã Đại Thạnh mua từ nguồn vốn 135.

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Đỗ Thị Mai (1943, đối tượng hộ nghèo trú thôn An Bằng), cho biết: Cuối năm 2014, BDC tổ chức họp dân 2 lần, thông báo việc Nhà nước có hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 5 triệu đồng để phát triển sản xuất. Đa số hộ nghèo có ý kiến sử dụng số tiền trên để mua bò (2 hộ 1 con bò) hoặc cấp tiền để người dân tự mua heo, gà để chăn nuôi nhưng BDC thôn không chịu, bắt buộc phải mua máy cày. Việc mua máy cày này không khả thi vì những thửa ruộng của gia đình bà nằm ở hóc núi, máy cày không thể vào được... Ngoài ra, một số hộ nghèo khác tại An Bằng không đồng tình với việc mua máy cày, vì bản thân họ đã già yếu, không có đất trồng lúa. Việc sử dụng kinh phí này để mua máy cày và giao cho người không nghèo quản lý, sử dụng chẳng khác gì việc Nhà nước giúp... người giàu.

Qua sự việc trên cho thấy, những dư luận trái chiều về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất để mua máy cày tại thôn An Bằng là có cơ sở. Vì, việc làm trên dù xét về chủ trương của Nhà nước là không có sai phạm nhưng phương pháp thực hiện lại không đúng quy trình và chưa phù hợp. Trước hết là việc tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân được thực hiện một cách qua loa, chiếu lệ. Cán bộ thôn không giải thích rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như phương án quản lý, sử dụng nguồn vốn trên sao cho hiệu quả để tạo sự đồng thuận của người dân...

M.T