Người dân còn biết hỏi ai?

Chủ nhật, 01/12/2013 23:05

(Cadn.com.vn) - Có lần, một người nói: Có khi cứ để thủy điện Sông Tranh 2 “vỡ cái bụp” một lần, có thế thì mới trắng mắt ra!

Nói vậy là nói càn, nói trong nỗi bức xúc tột cùng, vì cái tỉnh Quảng Nam gánh trên lưng mấy chục cái hồ thủy điện lâu lâu lại trở chứng một lần khiến cả tỉnh thót tim, mất ăn mất ngủ, uất ức trăm bề, chứ chẳng hề ác ý gì. Với lại, lời nói ấy là của một người dân bình thường, nói cho bõ tức chứ chẳng chết ai. Nhưng nếu người nói lại có các học hàm, học vị, tước vị, chức vụ... thì câu chuyện hoàn toàn khác; càng nguy hiểm hơn nữa, lời nói ấy lại nhân danh khoa học, nhân danh lợi ích của đất nước...

Mới đây, trên báo điện tử Vietnamnet, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM lên tiếng về vấn đề lũ lụt miền Trung. Ông hùng hồn tuyên bố: “Các hồ thủy điện ở miền Trung không thể gây lũ. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc quả quyết: “Tôi xin hỏi lại, các nhà máy thủy điện có sinh ra nước không? Hoàn toàn không! Như vậy, lũ ở đây là lũ trời, tức là lũ tự nhiên...”.

Chưa dừng lại ở đó, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc tiến thêm một bước, như thể quyết tâm bảo vệ tới cùng các thủy điện, rằng: “Tôi rất ngạc nhiên khi có ai đó khẳng định thủy điện phải có kế hoạch xả lũ! Sao mà có kế hoạch như thế được? Lũ là của trời, lũ tràn tới hồ thủy điện đầy thì phải xả chứ chứa vào đâu cho hết? Vì vậy kế hoạch xả lũ nếu có cũng phải là kế hoạch của trời! Tôi xin khẳng định, nếu không có hệ thống thủy điện nhỏ ở miền Trung thì trận lũ vừa qua vẫn xảy ra và thiệt hại cũng như vậy thôi”.

Nếu những lời trên đây nói vào thời điểm cách đây khoảng hơn một tháng, có lẽ, Tiến sĩ Phúc sẽ gánh áp lực rất lớn. May thay, lời ông nói, vào thời điểm này, hóa ra chẳng có gì quá mới. Kỳ thực thì, trước ông, một số quan chức lẫn các nhà khoa học đã nói thế rồi. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nói: “Hồ thủy điện chỉ góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ”.

Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng) thì quả quyết: Thủy điện góp phần tích cực trong vấn đề tạo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du! Và các vị này cũng không phải là người đầu tiên nêu ra nhận định theo chiều hướng khiến các nhà đầu tư “mở cờ trong bụng” thế này. Điều đáng nói hơn nữa, gần đây xuất hiện một nhận xét cho rằng, sở dĩ người dân chết trong lũ một phần là do chủ quan, chứ không hề liên quan gì đến thủy điện.

Như vậy là, từ các phát biểu của những người có vị trí khác nhau, ở vào những thời điểm khác nhau (nhưng mới gần đây), cho thấy nổi lên ngày càng rõ mấy điểm chính: Lũ lụt là do trời; người chết là do dân chủ quan; thủy điện không những vô tội mà còn có công! Tất cả điều đó là gì nếu không phải là quyết tâm bảo vệ thủy điện tới cùng?

Với người dân, những người đã phải đau đớn tột cùng khi mất người thân, tan cửa nát nhà, cơ cực trăm bề... thì có lẽ những nhận định như vậy, dù tất cả đều mang danh nghĩa cao quý, đáng kính, nhưng có lẽ nó vẫn còn quá lạ lùng. Nó không thể giúp họ hiểu được những gì đã diễn ra: Dòng sông lúc thì cạn đáy, lúc thì hung tợn; nước lũ vừa ở ngoài sân thoáng chốc đã lút mái nhà; nước mặn xâm thực liên miên trong mùa nắng...

Nó cũng không giúp ai hiểu được, vì sao TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phải cử cán bộ ra tận Hà Nội để quyết liệt đấu tranh đòi nước từ thủy điện Đắc Mi 4... Tại sao không có vị giáo sư, tiến sĩ, quan chức nào dám nhận lời thách của người dân ở hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2, rằng: Đến đây dựng nhà, định cư, xem có yên tâm khi động đất không?

Và có một điều lạ lùng nữa, tại sao thủy điện tốt đẹp là thế, mà trong suốt bao nhiêu năm qua, không thấy ai đưa ra luận cứ - một cách công khai và rộng rãi – để bảo vệ nó, để ngay từ đầu nói cho người dân biết rằng, thủy điện không thể gây lũ? Tại sao mới chỉ mấy tuần qua, tất cả đều xướng lên một điệu giống nhau lạ kỳ đến thế?

Cuối cùng, khi các nhà quản lý, các nhà khoa học đáng kính đã đứng về phía thủy điện, người dân còn biết hỏi ai?

Nguyễn Lê