Người dân không nên hoang mang với bệnh do virus Zika

Thứ năm, 07/04/2016 10:21

(Cadn.com.vn) - Trước nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể xâm nhập vào Đà Nẵng bằng nhiều con đường khác nhau, ngành Y tế thành phố đã sẵn sàng tư thế phòng chống, thu dung và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, theo ngành Y tế thành phố thì người dân không nên quá hoang mang, lo lắng với dịch bệnh do virus Zika vì nó không đến mức quá nguy hiểm và phức tạp.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Hiện tại, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, song nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào thành phố là rất lớn. Bởi, Đà Nẵng là thành phố du lịch, là địa phương có nhiều cửa khẩu, nhiều tuyến đường huyết mạch với lưu lượng phương tiện ra vào rất đông, khí hậu lại nóng ẩm và đang trong quá trình đô thị hóa nên có nhiều yếu tố thuận lợi cho xâm nhập, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP, hiện tại Đà Nẵng đang vào mùa cao điểm du lịch nên lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng rất nhiều. Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tuy có giảm so với 3 tháng đầu năm 2016 nhưng vẫn còn xuất hiện rải rác. Chính vì thế, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào Đà Nẵng là rất lớn. Trước tình hình đó, ngành Y tế thành phố đã chủ động tăng cường giám sát dịch bệnh tại khu du lịch, các điểm du khách thường xuyên lưu trú, các khu dân cư, nhất là đối với các khu vực đang có bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố giám sát, tăng cường kiểm tra thân nhiệt đối với các hành khách du lịch trong và ngoài nước tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng biển Tiên Sa. Đồng thời, đã tổ chức lấy mẫu gửi đi xét nghiệm nhằm kịp thời tổ chức cách ly và xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện tại, TTYTDP đã gửi 16 mẫu bệnh phẩm được lấy ngẫu nhiên từ các bệnh nhân đang bị sốt vào Viện Pasteur Nha Trang để kiểm tra, xét nghiệm. TTYTDP cũng đã tổ chức lớp tập huấn cho hơn 100 cán bộ hệ y tế dự phòng từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã về công tác hướng dẫn, giám sát, xử lý ổ dịch, phương pháp lấy mẫu về và phòng chống bệnh do virus Zika. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã củng cố lại 2 đội chống dịch cơ động thuộc TTYTDP TP và 7 đội của tuyến quận huyện sẵn sàng đáp ứng, xử lý dịch bệnh khi xảy ra.

BS Tôn Thất Thạnh khẳng định: "Đến hiện tại, chúng tôi đã  chuẩn bị đầy đủ hóa chất, sinh phẩm, máy phun thuốc để tiến hành xử lý kịp thời khi dịch bệnh xuất hiện. Đồng thời, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực diệt bọ gậy, lăng quăng nhằm ngăn chặn mầm mống trung gian truyền virus Zika. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố cũng đã sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đồng thời, tăng cường giám sát trường hợp có các triệu chứng: sốt, nhức mỏi, phát ban, đỏ mắt, nhất là đối với phụ nữ đang mang thai...".

Để dịch bệnh do virus Zika không xuất hiện và bùng phát, mỗi người dân cần tích cực trong công tác diệt bọ gậy, lăng quăng.

Người dân không nên quá lo lắng

Bệnh do virus Zika là một bệnh dịch mới nổi, là bệnh truyền nhiễm cấp tính được lan truyền chủ yếu qua muỗi Aedes Aegypti nhiễm bệnh (côn trùng trung gian truyền nhiễm bệnh) và có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con, nhưng không lây qua đường tiếp xúc trực tiếp giống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Do đó, đến nay, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng đều có thể thu dung để điều trị cho người mắc bệnh này.

Chiều 6-4, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (TTKDYTQT) TP Đà Nẵng tổ chức họp rà soát công tác phòng chống dịch do virus Zika. Theo đó, đến nay, TTKDYTQT thành phố đã thực hiện đúng, kịp thời các chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế về công tác đáp ứng, phòng chống dịch bệnh do virus Zika; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại cửa khẩu. Đồng thời, đã tham mưu Cảng vụ Hàng không miền Trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Cảng Hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng và Quy trình phối hợp giữa các cơ sở để xử lý y tế đối với người, phương tiện; thực hiện thường quy giám sát kiểm dịch y tế người, phương tiện nhằm phát hiện sớm trường hợp hành khách nghi ngờ mắc bệnh; triển khai điều tra muỗi A.Aegypyi tại khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó, đã khuyến cáo với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thực hiện phun hóa chất diệt muỗi và thực hiện vệ sinh môi trường tại khu vực Cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng; phối hợp với Trung tâm khai thác gia triển khai Pano truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại ga đến quốc tế, nội địa.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nhằm ứng phó với Zika, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch xử lý bệnh. Ngoài việc bố trí phòng tiếp nhận bệnh, các bệnh viện cũng chuẩn bị dịch truyền, thuốc, máy thở, bơm tiêm điện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Những khu vực có bệnh nhân Zika sẽ được phun thuốc khử khuẩn môi trường. Đơn cử, ngay từ giữa tháng 3-2016, Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, chăm sóc người mắc Zika như những bệnh dịch mới nổi nguy hiểm khác. Theo đó, khi bệnh nhân đến khám, cấp cứu, nếu chẩn đoán nghi ngờ Zika sẽ được chuyển đến khu Y học nhiệt đới. Trong trường hợp bệnh nhân biểu hiện triệu chứng nặng sẽ được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Hiện nay, toàn bộ một tầng với quy mô 30 giường của Bệnh viện Đà Nẵng đang được dành để thu dung bệnh do virus Zika. Tùy theo mức tăng về số lượng bệnh, có thể bệnh viện sẽ dành cả khu Y học nhiệt đới để chăm sóc bệnh nhân Zika nhằm hạn chế lây nhiễm chéo...

Theo BS Hồng, ngoài các biến chứng nguy hiểm gây quan ngại như chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh, bệnh do virus Zika thường diễn biến ở mức vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chính vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Ngoài việc các cơ sở y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng sẵn sàng thu dung, điều trị cho người dân mắc bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã đồng ý để ngành Y tế TP Đà Nẵng chủ động xét nghiệm ban đầu chẩn đoán các trường hợp dương tính với virus Zika thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm như trước đây. Công việc này giúp phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm virus Zika để có phương án phòng, chống kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, TTYTDP Đà Nẵng tăng cường việc giám sát đối với các thai phụ... Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết: "TTYTDP đã được trang bị máy móc và đội ngũ cán bộ xét nghiệm cũng đã được tập huấn kỹ lưỡng. Vì vậy, nhằm sàng lọc kịp thời, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh do virus Zika có hiệu quả, trong thời gian tới, TTYTDP thành phố sẽ chủ động mua sinh phẩm để xét nghiệm tại chỗ".

Đến nay, bệnh do virus Zika và bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên hiệu quả phòng bệnh phụ thuộc vào các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. "Bên cạnh thường xuyên diệt bọ gậy, lăng quăng, lật úp tất cả những vật phế thải, những vật chứa nước không cần thiết..., để chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và SXH thì mỗi người dân, nhất là phụ nữ có thai khi thấy xuất hiện triệu chứng như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS Thạnh khuyến cáo.

Trí Dũng