Người dân luôn là nhân tố quan trọng

Thứ ba, 11/12/2018 12:40

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là "tam nông"), cùng với nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự đổi mới cho vùng nông thôn Hòa Phong (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 47,4 triệu đồng (năm 2008 bình quân đầu người đạt 23,1 triệu đồng), không còn nhà tạm, hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh 10 năm liền...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen cho cán bộ, nhân dân xã Hòa Phong trong việc thực hiện Nghị quyết "Tam nông" giai đoạn 2008-2018.

Có thể nói, nếu ai đó ở địa phương vì lý do gì đó phải xa quê nhiều năm, nay trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho nhiều người nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu chênh vênh bắc qua con kênh, bờ mương nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân. Họ đều có chung cảm nhận: "Quê hương mình thay đổi nhanh quá". Nhiều người còn thốt lên: "Có mơ cũng không nghĩ được những con đường đất, trải đá dăm nhỏ hẹp ngày nào giờ được trải nhựa, bê-tông hóa rộng thênh thang, ô-tô có thể vào tận xóm"... Bà Đặng Thị Phong (thôn Túy Loan Đông) phấn khởi nói: "Người dân nông thôn đang dần khoác lên mình chiếc áo của một thị dân. Điều này thể hiện rõ qua một nhịp sống mới năng động, sáng tạo, nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: Khu phố chợ Hòa Phong, nâng cấp đường ĐT604 thành QL14G, mở rộng các tuyến đường liên xã tạo thuận lợi cho người dân giao lưu, sản xuất. Nông thôn bây giờ có khác chi thành thị"... Còn theo ông Hồ Sâm (thôn Bồ Bản), khi địa phương triển khai chương trình xây dựng NTM, đời sống mọi mặt ở nông thôn nâng lên nhiều lắm. Cái ăn thì từ lâu không phải nghĩ tới nữa, còn đời sống tinh thần cũng đã được nâng lên. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, không còn bận tâm đến bữa cơm no bụng mà lo tới chuyện tích lũy, mở rộng sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo khoa học - kỹ thuật, bám sát thị trường. Nhà cũ xuống cấp, chật chội thì phá bỏ hoặc cơi nới thêm cho rộng rãi. Xuống đồng sản xuất thì có xe cơ giới làm thay sức người. Không sướng gì bằng...

Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian đủ để người dân nông thôn sáng tạo, cần cù và chắt chiu rút dần khoảng cách với người dân thành thị. Và rõ ràng bằng ý Đảng, lòng dân cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh để người dân năng động, xây dựng cuộc sống phồn vinh bằng chính đôi tay và nghị lực của mình. Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân chia sẻ: "Người dân là lực lượng chủ chốt trong các công việc cụ thể trên địa bàn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từ làm đường, xây nhà, giảm nghèo cho đến phát triển kinh tế địa phương, người dân chính là mấu chốt quyết định thành hay bại. Sức mạnh của nhân dân đã được phát huy rất hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết "Tam nông" và công cuộc xây dựng NTM. Người dân luôn là nhân tố quan trọng". Thành công của Hòa Phong trong phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân khi đã đề ra các chủ trương, đường lối phát triển đúng đắn mà còn ở sức lan tỏa của các chủ trương, đường lối đến từng hộ gia đình. Điều đáng nói ở đây là khi chính quyền các cấp không thể hỗ trợ đầy đủ về tài chính thì người dân đã tự giác đứng ra gánh vác, cả về tiền của và công lao động... Chính những gam màu sáng ấy đã góp phần tạo nên sức sống mới cho bộ mặt nông thôn Hòa Phong hôm nay.

VY HẬU