Người dân “tố” ban quản lý rừng phòng hộ... phá rừng!

Thứ ba, 19/04/2016 09:58

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn Phước Chánh, xã Mỹ Phong, H. Phù Mỹ (Bình Định) nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh việc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) H. Phù Mỹ chặt phá, đốt nhiều diện tích rừng tại khu vực RPH đầu nguồn hồ Hóc Sình... để trồng rừng dự án.

Thực hiện sai quy trình kỹ thuật

Tháng 7-2015, BQL RPH H. Phù Mỹ ký hợp đồng khoán thi công trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ RPH thuộc dự án (DA) phục hồi và quản lý rừng bền vững (gọi tắt: DA JICA 2) với 92 người dân thôn Phước Chánh. Địa điểm thi công trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng tại khoảnh 1, khoảnh 2a, Tiểu khu 160A, xã Mỹ Phong (tức RPH đầu nguồn hồ Hóc Sình) với tổng diện tích 95,48ha.

Theo quy trình kỹ thuật trồng rừng DA JICA 2, việc xử lý thực bì được thực hiện theo băng, các băng song song với đường đồng mức; băng chặt phát rộng 5m để trồng cây; băng chừa rộng 1m để hạn chế xói mòn, rửa trôi. Gốc phát không cao quá 15cm, phát sạch, băm thành từng đoạn ngắn dưới 1m, sau đó xếp vào vị trí tiếp giáp băng chừa và không được đốt. Để lại cây tái sinh có mục đích và những cây gỗ rải rác có đường kính 6cm trở lên (nếu có)… Do những cá nhân ký hợp đồng khoán trồng rừng không thể thực hiện đúng quy trình kỹ thuật  nên ủy quyền cho BQL RPH H. Phù Mỹ tìm và thuê nhân công từ H. Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) vào địa điểm trồng rừng để thi công DA JICA 2. Đáng nói, quá trình phát dọn và xử lý thực bì, những người đảm nhận thi công không những chặt, phát cây bụi, dây leo mà còn triệt hạ nhiều cây gỗ lớn; thậm chí, những cây gỗ hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20-40cm cũng bị chặt bỏ không thương tiếc. Sau đó, những người thi công còn đốt thực bì và nhiều cây gỗ đã đốn hạ, khiến rừng bị cháy.

Phát hiện việc làm không đúng quy trình kỹ thuật, nhiều người dân thôn Phước Chánh rất bức xúc nên gửi đơn phản ảnh, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng. Đồng thời, người dân cho rằng làm như vậy sẽ tàn phá RPH đầu nguồn, ảnh hưởng tiêu cực đến hồ thủy lợi Hóc Sình nên đứng ra ngăn cản trồng rừng; khiến việc trồng rừng bị dang dở. Ông Huỳnh Đây (76 tuổi, trú thôn Phước Chánh), cho biết: “Trước khi thực hiện DA, họ (tức BQL RPH H. Phù Mỹ) tuyên truyền một đằng; nhưng khi triển khai lại làm một nẻo. Việc chặt bỏ, đốt những cây gỗ lớn chẳng khác nào phá rừng”.

Nhiều cây gỗ bị lửa thiêu trụi, cháy đen.

Lòng dân chưa thuận

Liên quan việc này, UBND H. Phù Mỹ và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT Bình Định) đã tổ chức kiểm tra, trả lời. Tuy nhiên, cả 2 cơ quan mới chỉ khẳng định địa điểm thực hiện DA JICA 2 thuộc khoảnh 1, khoảnh 2a, Tiểu khu 160A, có trạng thái 1B (đất trống chưa có rừng, chỉ có cây bụi và dây leo) chứ không phải “rừng nguyên sinh” như người dân phản ảnh.

Riêng tình trạng nhiều cây gỗ lớn bị chặt bỏ và việc đốt rừng sau khi phát dọn thực bì chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng như: ai chặt, đốt và cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm đối với việc này. Do đó, người dân chưa “tâm phục” nên tiếp tục gửi đơn kiến nghị đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm những ai liên quan. Bên cạnh đó, một số người đã ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng không còn mặn mà trong việc trồng, chăm sóc bảo vệ rừng nên tìm cách “rút lui”.

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về khu vực RPH đầu nguồn hồ Hóc Sình để “mục sở thị”. Theo khảo sát, có hàng chục cây gỗ (đường kính từ 20cm - 40cm) bị chặt phá, đốn hạ. Nhiều gốc, thân cây gỗ bị đốt cháy đen nằm ngổn ngang; một số cây đang đứng cũng bị lửa thiêu rụi, chết khô…

“Người dân chúng tôi không rõ trạng thái rừng 1B là gì; chỉ biết việc chặt phá nhiều cây gỗ lớn và đốt rừng là hành vi phá hoại rừng tự nhiên đã có từ hàng trăm năm nay tại khu vực đầu nguồn hồ thủy lợi Hóc Sình. Tôi đề nghị đại diện lãnh đạo H. Phù Mỹ và các ngành chức năng liên quan trực tiếp về thực địa kiểm tra, sau đó đối thoại, giải thích cụ thể cho người dân”, ông Nguyễn Văn Cừu (68 tuổi, trú thôn Phước Chánh), nêu ý kiến.

Nhiều cây gỗ có đường kính từ 20cm - 40cm bị đốn hạ không thương tiếc.

Sớm giải quyết dứt điểm

Ông Thái Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, xác nhận: “Việc nhiều cây gỗ lớn tại khu vực rừng triển khai DA JICA 2 bị chặt bỏ và tình trạng đốt rừng sau khi phát dọn thực bì là có xảy ra. Cơ quan CAH Phù Mỹ đang điều tra, xác minh những ai liên quan đến việc này”. Còn ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc BQL RPH H. Phù Mỹ, lại cho rằng: Đúng là có những cây gỗ lớn bị chặt bỏ, nhưng đa số các loại cây không có giá trị về mặt kinh tế. Ngoài ra, chưa thể khẳng định những người thi công DA JICA 2 chặt cây, đốt rừng; bởi lẽ không loại trừ khả năng những người ký hợp đồng khoán trồng rừng thực hiện việc này?!

“Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi tổ chức, chỉ đạo việc chặt cây, đốt rừng như người dân đã phản ảnh. Tuy nhiên, do không giám sát chặt chẽ quá trình thi công nên đã dẫn đến điều không hay như trên. Chúng tôi nhận thiếu sót, khuyết điểm này”, ông Thăng nói.

Cần khẳng định, JICA 2 là DA trồng, khoanh nuôi rừng bền vững, có nhiều ý nghĩa tích cực trong việc quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, quá trình thi công không đúng QTKT trồng rừng đã khiến người dân địa phương bức xúc, gửi đơn khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Mong rằng, UBND H. Phù Mỹ và ngành chức năng sớm xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị liên quan đến việc chặt cây, đốt rừng nhằm ổn định dư luận; cũng như để DA JICA 2 thực hiện hiệu quả, bền vững một cách đúng nghĩa.

C.Luận