Người dân “vùng động đất”: Ngổn ngang sinh kế
* Bài 1: Buồn vui cái sổ đỏ
(Cadn.com.vn) - Quá năm rưỡi kể từ khi thân đập thủy điện Sông Tranh 2 nứt, thấm nước bất thường và tạo nên những trận động đất kích thích, người dân Bắc Trà My đã “quen” với các rung chấn thường trực và mang nó vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Sinh kế hàng nghìn hộ trở nên ngổn ngang. Cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư thủy điện đối mặt với nhiều khó khăn để giải bài toán an cư, lạc nghiệp cho những cư dân nhường đất cho thủy điện.
Năm 2012, khi mà từ đứa trẻ con chưa biết tự rửa cái mặt cho sạch hay cụ già chống gậy hom hem cũng phải đi tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất, chúng tôi đã đi vào những ngôi nhà tái định cư (TĐC) bị bỏ hoang vì nứt toang hoác. Khi đó, dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2 rủ nhau về nơi ở cũ do chất lượng nhà xây mà thủy điện bàn giao không chịu nổi thời tiết và rung lắc thường xuyên do động đất. Bây giờ chúng tôi trở lại, đúng thời điểm mà hàng trăm hộ dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2 ở xã Trà Bui lần đầu tiên có trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất.
Họ cũng được hướng dẫn gọi cho gọn là sổ đỏ. Đây có lẽ là đợt cấp sổ đỏ tập trung có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại H. Bắc Trà My, chỉ trong một ngày mà 348 hộ dân tại xã Trà Bui nhận 861 giấy với tổng diện tích 924ha. Trong đó, có 144 hộ TĐC và 348 hộ dân từng sinh sống lâu năm tại đây. Dĩ nhiên, về mặt pháp lý, đây là sự đảm bảo về chủ quyền của người sử dụng đất, là ước mơ của rất nhiều người dân. Ông Hồ Văn Bi (trú thôn 4) nói: “Đất có sổ đỏ như người có chứng minh thư ấy. Mình làm chủ rồi thì không ai lấn được, nó là của mình”. Nhưng rồi ông tặc lưỡi nói là cái sổ đã nhỏ rồi, đất người ta đo lại cũng nhỏ hơn so với lâu nay gia đình ông canh tác. Hỏi vì sao, ông kể rằng cán bộ đo đạc gặp phải những đoạn ngoằn ngoèo thì... đo tắt cho nhanh! Thế là có được mảnh đất vuông nhưng bị xén chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo, quy ra có khi thu hoạch mấy ang lúa.
Ông Hồ Văn Đồng ngày trước khai phá được nhiều hơn, nhận được 2 sổ đỏ với diện tích đất được cấp hơn 2 ha, nhưng đất bị cắt do đo đạc cũng không ít. Nhưng đó chưa phải là phiền phức duy nhất. Một sự chồng chéo đã xảy ra khi rất nhiều hộ dân TĐC được cấp sổ đỏ ngay trên thửa đất mà người dân sở tại đã canh tác bấy lâu nay. Vậy là bên cạnh những người có sổ thì nhiều người lại “bỗng dưng mất đất”. “Nếu làm đúng quy định thì phải có quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cho những người trước đây đã khai phá, canh tác trước khi cấp quyền sử dụng cho người khác. Mà như rứa cũng chưa ổn, phải thu hồi xong, bồi thường xong rồi sau đó chia lô, rồi cho nhân dân bốc thăm mới công bằng, tránh chuyện lấn chiếm, tranh giành sau này”, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui phân tích.
Ông Hồ Văn Đồng (trái): “Sổ đỏ có rồi, nhưng làm sao để khai thác đất hiệu quả mới là chuyện khó” |
Cũng theo ông Tiến, nhiều người dân đã không bằng lòng với việc này nên khi cán bộ triệu tập đi đo đất đã nhất quyết không đi. Cả xã hiện vẫn còn 177 hộ dân TĐC chuyển từ thôn 6 về thôn 4 không có đất nên chưa được cấp sổ đỏ. Ngay gần trung tâm xã, vợ chồng anh Nguyễn Đình Ương và chị Hồ Thị Lệ phải dựng tạm một ngôi nhà trên đất thuê của người khác do chuyển về từ thôn 6 nhưng không có đất ở cũng như đất sản xuất. “Ngày bà con đi nhận sổ, tui ao ước lắm nhưng không có đất thì sao có sổ được. Đất ở thì thuê, đất sản xuất thì mượn. Người ta lấy lại thì không biết đi đâu, ăn cái gì nữa”. Chị Lệ là Phó chủ tịch UBMTTQ xã Trà Bui!
Việc cấp sổ đỏ là cả một cố gắng của chính quyền H. Bắc Trà My cũng như đơn vị liên quan trực tiếp là Thủy điện Sông Tranh 2. Về mặt pháp lý mà nói, việc này đảm bảo sự quản lý của nhà nước về tài nguyên cũng như xác nhận quyền, ranh giới sử dụng đất của từng hộ. Ai cũng biết, mục đích chuyện này nhằm hướng tới việc chấm dứt tình trạng nhiều người có đất mà nói không có, và lấy đó lý giải cho việc xâm phạm đất rừng như lâu nay. Vậy nhưng có sổ đỏ rồi thì làm sao? Đây là một bài toán cực kỳ khó giải. Bởi lẽ, tập quán của người dân lâu nay vốn du canh, mỗi mảnh đất họ chỉ canh tác độ 3 mùa, khi bắt đầu có dấu hiệu khô cằn, không mang lại năng suất nữa là tiếp tục hành trình khai phá. 3 năm sau khi hết một chu kỳ canh tác ở vùng đất mới, họ lại quay về khi rẫy đã được bồi đắp lại.
Gia đình anh Nguyễn Đình Ương đang ở và canh tác trên đất thuê. Anh nói, không có đất thì chịu, người ta lấy đi thì mình chẳng biết làm gì mà sống. |
Nhưng chuyện đó, từ nay chấm hết. Định canh định cư là cuộc sống hiện đại để phát triển ổn định và cân bằng. Vậy phải làm sao để những người dân có thể làm ra lúa, ra mỳ, nuôi gà, nuôi lợn trên một mảnh đất ổn định mà nó không cùn mằn từ năm này qua năm khác. Lúc đó họ mới tin. Như chuyện vì sao cũng chỉ một cái hồ nhưng bắt hết lứa cá này lại có một lứa cá khác. Ông Hồ Văn Tiến dự liệu những thách thức trong những ngày sắp tới: “Không như ở vùng dưới, đất ở đây khó mà thế chấp để phát triển kinh tế. Hầu như chưa người dân nào nghĩ đến chuyện đó cả. Mà trước mắt, ai được cấp sổ thì được vài ba héc-ta, ai không có sổ thì coi như trắng tay. Mà đất “phân lô” kiểu ni, có muốn canh tác lúa nước cũng rất khó gặm. Cho nên dân tôi, nói về cái sổ đỏ, vui thì vui đó nhưng cũng lắm ngổn ngang”.
Công Khanh
(còn nữa)