“Người di cư” phủ bóng hội nghị Rome

Thứ năm, 11/01/2018 10:34

Lãnh đạo 7 quốc gia phía Nam Châu Âu đến Rome để giải quyết một trong những cái gai khó chịu nhất của Liên minh Châu Âu (EU): những người di cư từ các nước bị chiến tranh tàn phá và nghèo đói.

Các nước Châu Âu vẫn đang đối mặt với dòng người tị nạn khổng lồ
từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá.  
  Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo Cyprus, Pháp, Hy Lạp, Italia, Malta, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gặp nhau ở Rome vào tối 10-1, trước khi mở một cuộc họp báo chung và ăn tối. Đây là cuộc họp lần thứ 4 của nhóm 7 quốc gia Nam Âu kể từ khi Thủ tướng Alexis Tsipras của Hy Lạp phát động sáng kiến này vào tháng 9-2016. Nhóm này đã gặp 2 lần vào năm 2017 ở Lisbon và Madrid.

Các ưu tiên chính trong chương trình nghị sự, kéo dài từ tương lai của khu vực đồng EUR (Eurozone) đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và đầu tư, cũng như việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2019. Nhưng vấn đề phủ bóng trên bàn hội đàm chính là tình trạng người di cư từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Trong bối cảnh các trung tâm tiếp nhận trên các hòn đảo của Hy Lạp và các tàu thuyền đi đến Tây Ban Nha đều quá tải, chủ đề nóng nhất này chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo gặp nhiều khó khăn.

Quá nhiều áp lực

Đối với Italia, năm 2017 là một bước ngoặt: từng là điểm đến lớn nhất của người di cư trong 6 tháng đầu tiên nhưng chính quyền Rome đã nỗ lực giảm mạnh dòng người tị nạn nhờ các thỏa thuận gây tranh cãi với Libya. Trong năm 2017, khoảng 119.000 người đã đến Italia, giảm 35% so với năm 2016.

Trong khi đó, Tây Ban Nha chứng kiến sự gia tăng đáng kể dòng người tị nạn từ Algeria và Morocco, từ 6.000 người trong năm 2016 lên gần 23.000 người vào năm 2017. Tại Hy Lạp, một hiệp định giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp hạn chế số lượng người di cư đến đây, giảm xuống còn 28.800 – ít hơn 6 lần so với năm 2016. Nhưng lo ngại đặt ra là Hy Lạp không giải quyết được vấn đề làm thế nào để chăm sóc cho những người di cư.

Dù số người thiệt mạng ở Địa Trung Hải cũng giảm, từ gần 5.000 người chết hoặc báo cáo mất tích trong năm 2016 giảm còn khoảng 3.000 vào năm 2017, nhưng các đơn xin tị nạn - và sự chậm trễ không thể tránh khỏi cũng như khiếu nại kéo dài - đã đặt ra áp lực lên một số quốc gia. Hy Lạp đang phải vật lộn để đối phó với hơn 50.000 người nhập cư và người tị nạn, trong đó có 14.000 người được nhồi nhét vào các lều trại hoặc trung tâm tị nạn trên các hòn đảo Aegean chật hẹp.

Tại Italia, chính quyền đã ngừng cung cấp chi tiết về số người xin tị nạn nằm trong trung tâm tiếp nhận của họ, với con số cuối cùng cho thấy đã có gần 200.000 người. Và Tây Ban Nha đã phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội về tình trạng tồi tệ của các trung tâm giam giữ người tị nạn trước khi họ bị trục xuất. Sự giận dữ được thổi bùng vào tháng 12-2017 sau vụ tự tử của một người di cư Algeria. Người này bị nhốt trong một nhà tù chật hẹp ở Andalusia cùng với gần 500 người di cư khác.

Những hành lang nhân đạo

Các nước Nam Âu đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia khác trong EU giúp chia sẻ gánh nặng người di cư.

“Italia không còn có thể tiếp tục chi trả cho mọi người, về tài chính cũng như về nỗ lực chính trị”, Bộ trưởng Tài chính Italia Pier Carlo Padoan tuyên bố tại Brussels hôm 8-1. Bộ trưởng Nội vụ Marco Minniti - người đứng đằng sau những vụ tranh luận về vấn đề đạo đức trong thỏa thuận với Libya nhằm ngăn chặn người di cư đến Châu Âu - đã thúc giục các nước EU thực hiện hành lang nhân đạo. 3 ngày trước Giáng sinh vừa qua, Italia là quốc gia đầu tiên chào đón một nhóm 162 người tị nạn người Ethiopia, Somalia và Yemen, những người đã bay trực tiếp từ Libya. Khoảng 10.000 người tị nạn được cho là sẽ được đi theo diện này vào năm 2018 với điều kiện là các nước EU đồng ý chia sẻ gánh nặng này.

Tuy nhiên, đây dường như là điều kiện bất khả thi. Bởi thực tế, cho đến nay, các nước Châu Âu vẫn bị chia rẽ gay gắt trước vấn đế này.

KHẢ ANH