Người đi "săn" thợ săn
Anh là Phạm Tài Minh, thành viên nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy môi trường và Tài nguyên sinh học - ĐH Đà Nẵng. Công việc thường ngày của anh là điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật, tư vấn lập hồ sơ môi trường. Anh bắt đầu bén duyên với Sơn Trà từ những năm 2004 khi còn là sinh viên khoa Sinh - Môi trường, trường Đại học Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Từ đó đến nay, anh đã tham gia hàng loạt các chương trình, câu lạc bộ để vận động người dân có ý thức trong việc tiếp cận các khu bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường, sinh thái khu vực bãi biển Thọ Quang, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu và khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Anh Tài Minh đang đi thực tế, nghiên cứu và hình ảnh kiểm lâm viên phá bẫy dây tại vị trí phát hiện lợn rừng bị dính bẫy. |
Hiện nay ở Sơn Trà, thực vật bị đe dọa theo Sách đỏ Việt Nam rất nhiều trong khi nhiều loài khác được xếp hạng rất nguy cấp và cần quan tâm bảo tồn... Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt động vật hoang dã trên đỉnh Sơn Trà ngày càng nhiều khiến một số loài suy giảm nghiêm trọng như mang (hoẵng), lợn rừng, chồn đen, khỉ vàng... Ngoài ra, trước đây các nhóm bẫy chim bằng chim mồi, nhưng hiện nay dùng lưới mờ, gây suy giảm nghiêm trọng số lượng chim tại Sơn Trà và khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn.
Không chùn bước trước tình trạng đánh bắt, phá vỡ các quần thể, anh Minh đã cùng đội nhóm của mình bắt tay vào công cuộc "săn" những thợ săn. Anh nhớ lại: Vào khoảng tháng 1- 2019, nhóm nghiên cứu của anh khảo sát, điều tra tại khu vực phía sau khu Trường Mai, phát hiện dấu vết của 1 đàn heo rừng. Nhóm lên kế hoạch giám sát và bảo vệ đàn heo này. Mỗi ngày nhóm cử 2 thành viên giám sát người ra vào. Sau 1 tuần thì phát hiện 2 thanh niên vào đặt bẫy dây. Nhóm của anh phá đến 30 bẫy, cảnh giới và gặp mặt cảnh báo 2 thanh niên trên nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục đặt khoảng 25 bẫy dây. Đỉnh điểm của vụ việc là phát hiện 1 con heo rừng, nặng khoảng 30-40kg dính bẫy, nhóm của anh đã tháo và giải cứu cho heo rừng. "Mình đã gặp mặt những "thợ săn" này và đã yêu cầu dừng hành vi trên nếu không sẽ gởi các hình ảnh và thông tin cho cơ quan điều tra. Các đối tượng trên đã dằn mặt, hù đánh nhưng mình kiên quyết đến cùng", anh Minh cho biết và nói thêm: "Tuy nhiên, dịp Tết, khi nhóm của anh về quê, không thường xuyên lên rừng, 2 thanh niên trên vẫn vào rừng và đặt bẫy. Đến lúc ra Tết thì nhóm mình tiếp tục phá bẫy và 2 thanh niên không thấy xuất hiện nữa".
Khi được hỏi sao anh lại có thể đương đầu trực diện với "thợ săn" như vậy, anh Minh chỉ cười nói: "Có lẽ vì quá yêu cái nơi này. Những năm tháng ở đây, Sơn Trà như một người bạn tâm tình với mình, cùng chia sẻ ngọt bùi. Nhưng theo thời gian, "người bạn" Sơn Trà thương tích ngày càng nhiều khi đối mặt với hàng loạt việc đánh bắt trộm. Mong rằng các cơ quan chức năng nên rà soát, khoanh vùng để kiểm soát lượng khách ra vào. Các Kiểm lâm viên gia tăng tần suất tuần tra, giám sát tại Sơn Trà. Cung cấp số điện thoại nóng để mọi người khi phát hiện có hành động gây ảnh hưởng đến Sơn Trà có thể liên hệ được và cử cán bộ đến xử lý kịp thời".
Yêu thiên nhiên như yêu chính bản thân mình, đó là Phạm Tài Minh của Đà Nẵng. Vì một Đà Nẵng xanh, đẹp, tất cả chúng ta hãy hành động có trách nhiệm như anh.
LÊ ANH TUẤN
(Ghi chép trò chuyện cùng anh Phạm Tài Minh)