Người đưa đèn lồng Hội An ra thế giới

Thứ hai, 12/12/2016 09:27

(Cadn.com.vn) - Thương hiệu đèn lồng Hội An đã dần trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến tham quan phố cổ. Đèn lồng Hội An mang nét đẹp cổ kính và là bản sắc văn hóa riêng biệt của một vùng đất cổ bên dòng sông Thu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau sự nổi tiếng của chiếc đèn lồng là bao mồ hôi, công sức của một người ngày đêm "sống chết" với đèn, đã được vinh danh là người góp công lớn trong việc đưa đèn lồng Hội An ra thế giới.

Ông Phạm Văn Hà (1953, P. Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) từng tốt nghiệp Đại học với tấm bằng kỹ sư cơ khí. Năm 1984, khi HTX cơ khí làm ăn gặp khó khăn nên phải giải thể, ông đành bôn ba nhiều nơi để kiếm sống. Tình cờ, một lần đi ngang qua khu phố cổ thấy các du khách nước ngoài thích thú với lồng đèn treo trên các ngôi chùa. Tìm hiểu kỹ hơn, biết các vị khách ngoại quốc này rất thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên ông nảy ra ý định sẽ rẽ hướng theo nghề này. Bắt đầu gắn bó với nghề từ năm 1999, ông Hà đã gầy dựng nên thương hiệu đèn lồng Hà Linh, nơi đây là điểm lui tới thường xuyên của những người yêu các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, có được cơ ngơi đó cũng là điều không dễ dàng. "Sau khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, du khách đến tham quan ngày một nhiều. Lúc này các sản phẩm lạ mắt, được làm thủ công xinh xắn luôn thu hút du khách. Đấy cũng là thời cơ để tôi nắm bắt, sản xuất đèn lồng bán cho du khách vừa có thu nhập, vừa giới thiệu được bản sắc văn hóa mang tính riêng biệt của vùng đất nơi mình lớn lên", ông Hà tâm sự.

Ông Hà là người có công trong việc đưa thương hiệu đèn lồng Hội An ra thế giới.

Từ đó ông bắt đầu thực hiện "chiến dịch" bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống bằng việc tập làm đèn lồng. Thế nhưng, mọi việc không hề đơn giản như ông nghĩ, bởi cơ sở mới đi vào hoạt động nên kinh nghiệm sản xuất gần như không có. Nhưng rồi "cái khó ló cái khôn", ông đã đúc kết được nhiều bài học cho bản thân. "Công đoạn quan trọng nhất của việc làm lồng đèn đó là việc chọn tre, tre được chọn là những cây già, không bị mất ngọn hay sâu mọt. Đặc biệt, tháng 4 và tháng 8 không sử dụng tre để làm khung, vì trong những tháng này là thời gian măng mọc, vì phải chuyển chất dinh dưỡng để măng nhanh lớn, thân tre không chắc nên không đảm bảo chất lượng cho đèn", ông Hà chia sẻ. Từ những kinh nghiệm có được, ông dần trở nên thành công với thương hiệu đèn lồng Hà Linh. Vốn có đầu óc kinh doanh nên việc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng đều được một tay ông đảm nhiệm. "Bất kể ở đâu diễn ra hội chợ mình đều đăng ký tham dự. Thực tế, việc mang sản phẩm ra hội chợ không mang lại hiệu quả kinh tế ngay trong thời gian diễn ra, thậm chí là tốn kém nhưng hiệu quả về tính thương hiệu mang lại rất cao. Từ đây, dần dần nhiều người biết đến thương hiệu đèn lồng và tìm đến mình", ông Hà cho hay.

Cơ sở sản xuất đèn lồng của ông Hà giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện nay, cơ sở của ông mỗi năm cho xuất xưởng hơn 20 ngàn chiếc lồng đèn các loại, chủ yếu bán trong nước và xuất khẩu, sản phẩm lồng đèn Hội An đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới từ Á sang Âu. Ông đã thật sự thành công khi luôn được xướng tên trong các lễ hội văn hóa truyền thống liên quan đến đèn lồng Hội An. Đặc biệt, cơ sở lồng đèn Hà Linh là nơi tiếp các vị khách nước ngoài có niềm đam mê với lồng đèn truyền thống đến tham quan và tạo cơ hội cho du khách tham gia trực tiếp vào các công đoạn sản xuất. Không những thế, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, lúc cao điểm cơ sở ông có tới 80 nhân công với thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, trong các cuộc thi, triển lãm giới thiệu đèn lồng ông luôn vinh dự là gương mặt đại diện cho Hội An mang nét đặc trưng văn hóa này tỏa đi muôn nơi...

Phi Nông