Người "giải mã" tiếng Cor
(Cadn.com.vn) - Hơn 40 năm cống hiến cho ngành giáo dục miền núi tỉnh Quảng Ngãi cũng chừng đó năm ông âm thầm lặn lội khắp các bản làng vùng sâu vùng xa tìm hiểu, ghi chép rồi phiên âm lại tiếng Cor bằng tiếng phổ thông phục vụ cho công tác giáo dục. Nghỉ hưu hơn 15 năm nay nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu để biên soạn các chương trình dạy tiếng Cor. Ông là nhà giáo Hồ Nhật Tùng - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT H. Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
![]() |
Bộ tài liệu phiên âm tiếng Cor mà nhà giáo giáo Hồ Nhật Tùng dày công biên soạn. |
Hành trình thầm lặng !
Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ giữa thị trấn Trà Xuân (huyện miền núi Trà Bồng) gặp nhà giáo Hồ Nhật Tùng. Câu chuyện tiếp nối những câu chuyện... về hành trình hơn 50 năm tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn phiên âm tiếng Cor bằng tiếng phổ thông đã giúp chúng tôi hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị tiếng Cor trong đời sống hiện nay, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và phục vụ nghiên cứu văn hóa mà nhà giáo Hồ Nhật Tùng đã tâm huyết dày công thực hiện.
Ông kể: Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève ký kết, thực hiện chủ trương chuẩn bị đội ngũ cán bộ nguồn cho địa phương, ông được đưa ra miền Bắc học tập. Trong thời gian tham gia học tại Trường dân tộc Trung ương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông đã nhận thức được việc bảo tồn, nghiên cứu và thực hiện phiên âm tiếng Cor không chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động giáo dục, mà còn phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh cách mạng.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về quê hương và được phân công công tác trong ngành giáo dục. Trong khoảng thời gian này, ông vừa tham gia giảng dạy tại trường học, vừa đảm nhận công tác xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát từ nhiệm vụ thực tiễn đầy khó khăn đó càng thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi thực hiện phiên âm tiếng Cor, đáp ứng yêu cầu công việc giảng dạy. Đến năm 1981, khi được giao giữ chức vụ Trưởng phòng GD-ĐT H. Trà Bồng, ông càng nhận thấy tầm quan trọng của việc thực hiện phiên âm tiếng Cor.
Chính vì vậy, ông đã tích cực tham mưu với chính quyền huyện thực hiện. Năm 1984, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai nhưng do điều kiện khó khăn nên chỉ vài năm sau công việc bị dừng lại. Đến năm 1992, khi nhận bàn giao các tư liệu của công tác nghiên cứu, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu. Kết hợp các tài liệu của những nhà nghiên cứu phương Tây phục vụ hoạt động truyền đạo cùng với kinh nghiệm tích lũy được, ông đã biên soạn thành công bộ tài liệu phiên âm từ vựng tiếng Cor theo tiếng Việt đưa vào phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ địa phương trong nhiều năm qua.
"Trên thực tế, công tác phiên âm tiếng Cor đã được Đảng, Nhà Nước triển khai thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và phục vụ hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên kết quả còn nhiều hạn chế và chưa hoàn chỉnh. Bộ tài liệu phiên âm tiếng Cor do tôi thực hiện được phòng GD-ĐT, UBND hai huyện Tây Trà, Trà Bồng đưa vào giảng dạy, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, được cán bộ đánh giá là khá hoàn chỉnh và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có sự quan tâm của các cơ quan chuyên trách và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi để hoàn thiện bộ tài liệu này nhằm phục vụ lâu dài", nhà giáo Hồ Nhật Tùng chia sẻ.
Quả ngọt cho ngành giáo dục miền núi
Trở về điểm trường lẻ Trà Na (thôn Trà Na, xã Trà Phong, H. Tây Trà) tham gia giảng dạy sau khi hoàn thành khóa học bồi dưỡng tiếng Cor do Phòng GD-ĐT H. Tây Trà tổ chức, thầy giáo trẻ Hồ Thu Thảo - giáo viên Trường TH và THCS số 2 Trà Phong tự tin giao tiếp với phụ huynh, học sinh, vừa có thể giảng dạy bằng tiếng Cor và tiếng Việt. Thầy Thảo cho biết: "Là một giáo viên trẻ vừa lên miền núi nhận công tác, hằng ngày giảng dạy học sinh đồng bào dân tộc chưa biết tiếng Kinh nhiều nên gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi được trải qua lớp bồi dưỡng tiếng Cor, tôi cũng như nhiều giáo viên trẻ trong trường có thể tự tin giao tiếp và đứng lớp giảng dạy".
Cũng giống như tâm trạng của thầy giáo Hồ Thu Thảo, nhiều giáo viên tiểu học đang công tác tại hai huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng đều khẳng định việc bản thân được học bồi dưỡng tiếng Cor theo bộ tài liệu của thầy giáo Hồ Nhật Tùng biên soạn như đã cởi được "nút thắt", nỗi lo lắng của một người giáo viên vùng đồng bằng khi lên vùng đồng bào dân tộc dạy học.
Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Trà, ông Phạm Sơn cho biết, Phòng GD-ĐT H. Tây Trà đã có 2 năm thực hiện dạy tiếng Cor cho đội ngũ giáo viên tiểu học trên địa bàn. Sau khi hoàn thành khóa học, hầu hết giáo viên đều nắm được những kiến thức cơ bản về tiếng Cor và có thể giao tiếp được với học sinh bằng tiếng Cor, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, ngành giáo dục Tây Trà tiếp tục tổ chức các lớp dạy tiếng Cor với mục tiêu giúp tất cả giáo viên bậc tiểu học phải biết được tiếng Cor để dễ dàng trong việc giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Phấn khởi nhận xét về bộ tài liệu tiếng Cor do thầy Hồ Nhật Tùng biên soạn, ông Sơn nói: "Cùng với việc phát triển hệ thống trường lớp bán trú cho học sinh, việc dạy tiếng Cor cho giáo viên ở H. Tây Trà được xem là một trong nhiều giải pháp trọng tâm để ngành GD-ĐT huyện đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học. Sau khi triển khai chương trình bồi dưỡng tiếng Cor của thầy Hồ Nhật Tùng dày công biên soạn, chúng tôi cơ bản giải quyết được vấn đề vướng mắc của đội ngũ giáo viên cũng như của ngành. Đây được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục miền núi - giáo dục dân tộc của địa phương H. Tây Trà".
Khải Minh