Người gìn giữ nghề làm lọng cung đình Huế

Thứ ba, 01/08/2023 09:20
Những ngày cuối hè nắng oi ả, gió nam thổi rít từng cơn, nóng hầm hập, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất lọng của ông Hoàng Ngọc Tuyên tại số 10, kiệt 289 đường Bùi Thị Xuân, TP Huế. Đây là một trong số ít cơ sở của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn duy trì và phát triển nghề làm lọng cung đình Huế - sản phẩm mây tre đặc thù có một không hai ở vùng đất cố đô.
Tốp thợ đang thực hiện các công đoạn làm lọng tại xưởng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên.
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên

Từ tình yêu dành cho nghề truyền thống...

Tiếp xúc với nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên (1945), chúng tôi mới hay, trước giải phóng, ông là du kích xã Thủy Xuân (1963-1966), từng bị địch bắt đi tù ở Lao Thừa Phủ. Đặc biệt hơn cả, ông từng là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thực phẩm (1972-1977, sau khi tập kết ra Bắc). Tốt nghiệp, ông về công tác tại Sở Lương thực Bình Trị Thiên đến năm 1989 thì nghỉ theo chế độ 176. Rồi như một cơ duyên, năm 1991, ông đến với nghề làm lọng truyền thống và gắn bó đến giờ.

Nhớ lại năm 1991 khi mới vào nghề, ông Tuyên gặp không ít khó khăn, từ nguồn tài chính eo hẹp đến mặt bằng, thị trường tiêu thụ… Nhưng, với niềm đam mê làm lọng, cùng sự năng động, sáng tạo vốn có, ông Tuyên đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, mày mò nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại máy móc để tự phục vụ cho công việc sản xuất lọng của mình như: máy khoan, máy xẻ, bào, tiện, máy đánh bóng… Ông còn bỏ công lặn lội vào Nam, ra Bắc để tìm nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Với phương châm "Không gì là không thể", chỉ sau 3 năm hoạt động cơ sở sản xuất lọng Ngọc Tuyền của ông đã chiếm vị thế "độc tôn" của tỉnh Thừa Thiên- Huế với sản phẩm độc đáo, đặc thù. Ông Tuyên cho biết, năm 1994 cơ sở của ông chỉ vỏn vẹn 3 người thợ, vừa làm vừa mày mò học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nên việc sản xuất chỉ mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, cơ sở sản xuất lọng, táng "Tre mỹ nghệ Ngọc Tuyên" của ông hiện giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4 triệu - 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy là hàng "độc" nhưng ông luôn tâm niệm, để tiếp tục khẳng định chỗ đứng, thương hiệu của mình trên thị trường gần xa, trước hết là giá thành cạnh tranh hợp lý, sản phẩm bền đẹp, tăng dần tính mỹ thuật, không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Nguyên liệu để làm lọng, táng là thân cây lồ ô được tuyển chọn từ rừng già, phải trải qua các công đoạn: chẻ, vót, ngâm, phơi, sấy… cho đến khoan, tiện, lắp ghép, thắt, khâu. Mỗi công đoạn là một "bản hòa tấu" đầy sự công phu, tỉ mẩn của người thợ; với khả năng nghệ thuật tương xứng, đòi hỏi các nghệ nhân phải "thổi hồn" vào từng thanh tre, sợi chỉ, đường sơn, khúc gỗ. Đỉnh điểm của "bản nhạc hòa tấu" ấy sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo, điêu luyện. Cán lọng được chạm trổ tinh vi, có rồng bay phượng múa, vào tua hài hòa giữa các sắc màu, áo lưới bằng vải gấm có "lưỡng long tranh châu"…

...Đến gìn giữ bản sắc văn hóa cố đô

Lọng là sản phẩm độc đáo được dùng để tôn vinh sự trang trọng, quý phái trong các nghi lễ của triều đình xưa, cũng như trong các lễ nghi cúng tế mang đậm tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và các tỉnh thành lân cận. Từ đám rước thần linh, đám tang, lễ cưới, hỏi… đều có sự hiện diện của chiếc lọng để tôn lên vẻ trang trọng, uy nghiêm của buổi lễ. Ngoài ra, chiếc lọng xưa nay còn được trưng bày thờ phụng trong các chùa, đình làng, nhà thờ họ…

Tốp thợ đang thực hiện các công đoạn làm lọng tại xưởng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên.

Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng dân gian, coi trọng đời sống tâm linh, tính thiêng liêng, luôn đề cao sự uy nghi, tôn nghiêm của lễ hội. Chính vì vậy, nghề làm lọng, táng hiện đang phát triển khá mạnh, được du khách gần xa biết đến, tin tưởng đặt hàng. Sản phẩm lọng, táng của cơ sở ông Hoàng Ngọc Tuyên suốt mấy chục năm qua đã hiện diện ở nhiều tỉnh thành, như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đà Lạt… Đặc biệt, nhiều tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ tre, lồ ô của ông đều góp mặt đều đặn trong các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế và được đông đảo du khách gần xa tham quan, ngưỡng mộ.

Chủ cơ sở "Tre mỹ nghệ Ngọc Tuyên" chia sẻ: "Hơn 30 năm hành nghề, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của cổ nhân: "Thất bại là mẹ của thành công", còn sức khỏe là còn cống hiến. Mong muốn của tôi là dù khó khăn đến đâu cũng sẽ cố gắng truyền nghề làm lọng cung đình Huế cho con cháu, để góp phần lưu giữ văn hóa Huế, cốt cách đời sống tinh thần của người dân Huế. Làm sao để những tác phẩm giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật này còn hiện diện, in dấu đến muôn đời sau".

Tốp thợ đang thực hiện các công đoạn làm lọng tại xưởng của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên.

Được biết, sản phẩm chiếc lọng cung đình của ông Tuyên đã tham gia triển lãm ở nhiều Hội thi cấp tỉnh và trung ương. Ông được nhận nhiều chứng nhận, bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hình ảnh chiếc lọng cung đình Huế còn được phản ánh qua những câu thơ mộc mạc, dung dị như chính cuộc đời thanh bạc, giản đơn của ông: "Nghề nghiệp mây tre bé nhỏ thôi / Nhưng mà có ích, đẹp cho đời / Thương trường mở rộng đi muôn nẻo / Hàng hóa dồi dào đến khắp nơi / Mẫu mã luôn thay, vừa ý khách / Dáng hình khéo đổi, hợp đương thời / Nay dù có tuổi vẫn đeo nghiệp / Gắn bó mây tre mãi đẹp tươi". Để ghi nhận công lao của ông trong việc bảo tồn, phát huy, phát triển nghề làm lọng của cha ông, tháng 8- 2016, ông Tuyên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuyên bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào vì đã cùng các cộng sự suốt 30 năm qua góp phần tô điểm, tôn vinh các lễ hội trên khắp mọi miền đất nước thêm phần rực rỡ, trang nghiêm bởi những chiếc lọng vừa đầy vẻ sang trọng, quý phái, uy nghiêm, vừa điệu đà đung đưa trước gió do khối óc và bàn tay của những người thợ khéo léo, tinh xảo ở Huế tạo nên.

Võ Văn Dần