Khi di sản thành tài sản

Thứ sáu, 23/06/2023 21:29
Huế sở hữu nhiều Di sản thế giới, di sản khu vực và còn là thành phố festival, trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của cả nước. Vì thế, Thừa Thiên - Huế xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 trở thành điểm đến di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó một nửa là khách quốc tế.
Huế chứa trong lòng 7 Di sản thế giới và khu vực.
Festival Huế hàng năm đã trở thành thương hiệu của Huế.

Huế hiện có đến 7 Di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016); và 2 di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh.

Lịch sử đã tạo nên Huế, một vùng đất đặc biệt riêng có của Việt Nam. Với vị trí trọng yếu, hình sông thế núi thơ mộng, hữu tình nên Huế luôn được các đời vua chúa trước đây lựa chọn xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa gần như suốt từ thời kỳ đóng vai trò là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775) cho đến thời kỳ là kinh đô của nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc với nhiều loại hình phong phú từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể như kiến trúc, lễ hội, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, nghề thủ công, ẩm thực...

Ngày nay, Huế không chỉ nổi tiếng là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu..., cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Huế đã nhận xét rằng, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một nhà bảo tàng kỳ lạ của nền văn hóa vật chất và tinh thần của Việt Nam.

Kho di sản văn hóa đồ sộ ấy chính là tài sản vô giá mà tiền nhân để lại cho Huế. Đó là nguồn lực quý báu để Thừa Thiên - Huế khai thác phát triển kinh tế, du lịch; là cơ sở, động lực để địa phương xây dựng, phát triển trở thành đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế. Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1992 đến nay Festival Huế đã trải qua 11 kỳ, tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế.

Festival Huế là một đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, hoành tráng, diễn ra trong thời gian dài gần nửa tháng vào các năm chẵn và các sự kiện được tổ chức liên tục ở nhiều địa điểm trên khắp thành phố Huế và các vùng phụ cận. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ ban sóc, lễ đổi gác, lễ tế giao, lễ hội áo dài... Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước tham gia biểu diễn như: Pháp, Argentina, Anh, Ấn Độ, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mexico, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Úc...

Từ đó đến nay, Festival Huế không ngừng được đổi mới, mỗi kỳ thu hút hàng nghìn diễn viên cùng hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của hàng vạn người dân, du khách, cũng như góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các quốc gia.

Đáng chú ý, nếu như trước đây mỗi kỳ Festival Huế thường được tổ chức tập trung vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, thì từ năm 2022 này Festival Huế được đổi mới theo hình thức lễ hội bốn mùa. Mỗi mùa trong năm sẽ có một đợt Festival mang chủ đề, chủ điểm khác nhau, phù hợp với điều kiện thời tiết, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống của xứ Huế. Như vậy, Festival Huế giờ đây sẽ diễn ra gần như liên tục trong năm nên du khách có thể thoải mái lựa chọn thời điểm và nội dung các lễ hội thích hợp để khám phá, trải nghiệm.

Huế chứa trong lòng 7 Di sản thế giới và khu vực.

Vì vậy không ngạc nhiên khi tại Tuần lễ Festival Huế mùa hạ 2022 diễn ra vào cuối tháng 6, mặc dù vừa phải trải qua thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng hàng vạn du khách, trong đó có không ít du khách nước ngoài đã hào hứng quay trở lại Huế để được tận hưởng bầu không khí lễ hội hấp dẫn, đầy mê hoặc.

Ông Meynardo Los Banos Montealegre, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Philippines tại Việt Nam đã không giấu được cảm xúc: “Thật là tuyệt vời khi Festival Huế đã được tổ chức trở lại và chúng tôi rất cảm ơn khi tiếp tục được mời đến tham gia chương trình lần này”. Còn ông Andrey Borodenko, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội thì cho biết: “Mặc dù điều kiện đi lại giữa các nước vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nhưng Festival Huế lần này đã mời được rất nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn, trong đó có đoàn nghệ thuật Liên bang Nga. Hy vọng du khách sẽ rất thích điều này”.

Điều đó cho thấy con đường xây dựng, phát triển Huế thành thành phố festival, trung tâm lễ hội của khu vực và thế giới dựa trên thế mạnh di sản, văn hóa Huế là hướng đi bền vững và tất yếu để Huế có thể hội nhập nhưng không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Hy vọng không lâu Huế sẽ sớm góp tên mình vào bản đồ các thành phố festival nổi tiếng trên thế giới như Festival Avignon của Pháp, Festival Adelaide của Úc, hay Festival Edingburgh của Anh...

THẾ THIÊN