Người “giữ lửa” rượu cần Phú Túc
Những tưởng, rượu cần Phú Túc đã lùi vào dĩ vãng theo thời gian do những người nấu rượu không còn mặn mà với nghề, thì bằng nỗ lực của chính quyền, sự đồng tâm của đồng bào, đặc biệt là ý chí quyết tâm của ông Lê Văn Nghĩa (68 tuổi, Bí thư khu dân cư thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã “sống dậy”. Giờ đây, không chỉ phục vụ cho người bản địa, rượu cần Phú Túc còn khẳng định vị thế, trở thành thương hiệu đặc trưng của Đà Nẵng, được đông đảo người dân, du khách biết đến và ưa chuộng.
Ông Lê Văn Nghĩa bên cạnh hầm rượu cần Phú Túc của mình. Ảnh: Quang Luật |
“Sống dậy” nghề rượu cần Phú Túc
Trước năm 2013, khi hỏi về cách làm rượu cần truyền thống, đồng bào Cơ Tu tại xã Hòa Phú, H. Hòa Vang đều… “lắc đầu”. Theo chia sẻ của ông Lê Văn Nghĩa, do tác động của quá trình di cư và những thay đổi trong lao động sản xuất, tập quán, người Cơ Tu không còn duy trì việc nấu rượu cần và dần dà khiến cho nghề truyền thống của đồng bào mình đi vào “tiềm thức”. Đặc biệt, không chỉ nghề làm rượu cần, điệu nhảy tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm… của đồng bào Cơ Tu cũng dần bị quên lãng. Trước thực trạng này, lãnh đạo H. Hòa Vang và xã Hòa Phú cùng phối hợp xây dựng Đề án khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó nhấn mạnh phải ưu tiên khôi phục nghề nấu rượu cần.
Sau khi Đề án hoàn thành, có 9 người địa phương được H. Hòa Vang cử đi học nghề rượu cần ở Tây Nguyên. Họ trở về thành lập hợp tác xã sản xuất rượu cần Phú Túc, tuy nhiên, việc học là một chuyện, việc triển khai nấu rượu cần đạt chuẩn lại khó khăn gian nan hơn nhiều. Thực tế cho thấy, các sản phẩm rượu cần sau khi nấu hoàn thành đều không đạt yêu cầu của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Rượu làm ra không bán được, những người này tạm "gác nghề" để làm việc khác kiếm sống.
Đối với ông Lê Văn Nghĩa, mặc dù không nằm trong số người được cử đi học, nhưng bằng sự nỗ lực, say mê muốn khôi phục lại văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông đã mày mò tìm hiểu, tự thân tìm đến người có kinh nghiệm để học nghề. Bằng cố gắng của bản thân, những mẻ rượu đầu tiên của ông cũng hoàn thiện thành công, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như hương vị đặc trưng của rượu cần.
Chia sẻ về bí quyết nấu rượu cần Phú Túc, ông Nghĩa bộc bạch: “Để nấu được rượu cần thì không khó, nhưng để nấu đạt đúng hương vị đặc trưng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, ta cần phải có sự kiên trì, cố gắng đặc biệt là phải thật sự yêu và sống hết lòng với nghề mình đã chọn. Để làm được rượu ngon, người làm rượu cần phải có những kiến thức trong việc chọn nếp rẫy ngon, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước sạch, không phèn. Men làm rượu phải được lấy ở nơi có uy tín và thương hiệu. Phải chọn trấu sạch, không nát, đặc biệt nên lấy vào vụ xuân hè để không bị bùn, ẩm mốc do mưa lũ. Nếp được ngâm tối thiểu 12 giờ đồng hồ, rồi sau đó phải vuốt gạo cho trong và sạch để khỏi bị chua. Tiếp theo, hong chung cả nếp và trấu đã được rửa sạch. Sự kết hợp này sẽ giúp gạo và trấu chín đều mới ngon. Cuối cùng, đem nguyên liệu này ra trải nguội và trộn men, rồi ủ từ 12 - 24 giờ ngoài trời, sau đó bỏ vào ché ủ tiếp ít nhất 1 - 18 tháng thì mới uống được”.
Ông Lê Văn Nghĩa (giữa) cùng bạn bè vui vẻ khai trương điểm bán rượu cần Phú Túc tại địa chỉ số 51 đường Nguyễn Sáng (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Quốc |
Phát huy thương hiệu rượu cần Phú Túc
Ông Nguyễn Tân - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, rượu cần Phú Túc là một sản phẩm tiêu biểu của địa phương được cả du khách trong và ngoài nước biết đến và yêu thích. Để bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của đồng bào Cơ Tu, UBND xã sẽ quan tâm, trợ giúp ông Nghĩa xây dựng hồ sơ, nâng tầm thương hiệu rượu Phú Túc thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ngoài ra, địa phương sẽ đồng hành, kết nối để đưa sản phẩm rượu cần Phú Túc tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu.
Theo chia sẻ của ông Nghĩa, rượu cần Phú Túc đã được các cơ quan chức năng của thành phố cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Giấy đăng ký và sản xuất kinh doanh; Giấy đăng ký nhãn hiệu độc quyền… Đặc biệt, rượu cần Phú Túc đã đạt nhãn hiệu cúp vàng - sản phẩm có thương hiệu chất lượng cao. Hiện nay rượu cần ngoài được sử dụng trong các lễ hội truyền thống còn là một sản phẩm đặc trưng, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân, du khách. Trước năm 2020, rượu cần Phú Túc là mặt hàng được du khách trong và ngoài nước săn đón khi đến Đà Nẵng. Dịch COVID-19 ập đến khiến du lịch trì trệ, rượu cần Phú Túc chỉ có thể bán cho du khách trong nước. “Mặc dù đây là giai đoạn gặp không ít thách thức, tuy nhiên bây giờ dịch bệnh đã ổn định, du khách cũng bắt đầu quay lại Đà Nẵng nhiều hơn, chính vì vậy, tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường thông qua việc mở các điểm bán rượu Phú Túc tại nơi có nhiều khách du lịch thăm quan ở trung tâm thành phố. Đặc biệt ngày 16-4 vừa qua, được sự hỗ trợ từ gia đình, những người em và những người bạn thân thương, tôi chính thức khai trương điểm bán rượu cần Phú Túc tại địa chỉ 51 đường Nguyễn Sáng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng)”, ông Nghĩa nói.
Là một trong những người có mặt tại buổi khai trương rượu cần Phú Túc vào ngày 16-4, anh Cao Hải Định (26 tuổi, người dân Đà Nẵng) đánh giá: “Đã nhiều lần thưởng thức rượu cần ở một số nơi, tuy nhiên khi nếm thử rượu cần Phú Túc, tôi nhận thấy hương vị thật đặc biệt. Rượu vừa vào miệng, người uống có thể cảm nhận được vị ngọt của nếp lên men hòa với hương trấu và lá rừng tạo nên chất men rất đậm đà. Ngoài việc mua các ché rượu Phú Túc thơm nồng, tôi sẽ giới thiệu đến nhiều bạn bè biết đến quan tâm, ủng hộ sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng”.
Ngọc Quốc